Bản tin Covid-19 ngày 18.12: Cả nước 15.895 ca | Hà Nội, TP.HCM xuất hiện thêm “vùng cam”

18/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 18.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 18.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 15.895 ca Covid-19, 1.645 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 18.12 cho biết tính từ 16h ngày 17.12 đến 16h ngày 18.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.895 ca nhiễm mới, 1.645 ca.Bản tin cũng thông báo về 248 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong lên 29.351 ca.

Ngày 18.12: Cả nước 15.895 ca Covid-19, 1.645 ca khỏi | TP.HCM 1.019 ca

Thông tin về 15.895 ca nhiễm mới như sau:

  • 12 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
  • 15.883 ca ghi nhận trong nước (tăng 668 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.493 ca trong cộng đồng). Gồm: Cà Mau (1.341), Hà Nội (1.244), TP.HCM (1.019), Tây Ninh (941), Bến Tre (826), Đồng Tháp (785), Cần Thơ (749), Bình Phước (715), Khánh Hòa (601), Vĩnh Long (595), Bạc Liêu (475), Trà Vinh (454), Sóc Trăng (447), Kiên Giang (398), An Giang (374), Thừa Thiên Huế (361), Hậu Giang (340), Bình Thuận (328), Đồng Nai (319), Bình Định (279), Bà Rịa - Vũng Tàu (270), Tiền Giang (264), Bắc Ninh (249), Lâm Đồng (225), Hải Phòng (208), Đà Nẵng (193), Thanh Hóa (192), Bình Dương (167), Quảng Ngãi (121), Gia Lai (119), Nghệ An (99), Phú Yên (94), Quảng Nam (86), Vĩnh Phúc (86), Đắk Nông (72), Thái Bình (70), Nam Định (67), Quảng Ninh (63), Hưng Yên (63), Hà Giang (59), Hòa Bình (57), Long An (57), Quảng Bình (47), Sơn La (44), Hải Dương (43), Ninh Thuận (40), Phú Thọ (36), Quảng Trị (34), Thái Nguyên (28), Ninh Bình (25), Hà Nam (24), Bắc Giang (23), Kon Tum (20), Tuyên Quang (16), Lào Cai (13), Yên Bái (5), Hà Tĩnh (5), Cao Bằng (4), Lai Châu (2), Điện Biên (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (-420), Bình Định (-106), Bình Phước (-102).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+709), Cà Mau (+270), Thừa Thiên-Huế (+222).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.294 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.524.368 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.458 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.518.886 ca, trong đó có 1.094.346 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (493.669), Bình Dương (288.930), Đồng Nai (94.511), Tây Ninh (63.073), Long An (39.594).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.645 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.097.163 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.895 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.480 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.304 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 159 ca
  • Thở máy xâm lấn: 933 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 17.12 đến 17h30 ngày 18.12 ghi nhận 248 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (65) trong đó có 6 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (1), Bình Dương (1), Tiền Giang (1), An Giang (1), Cà Mau (1), Thái Nguyên (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (24), An Giang (23), Tiền Giang (15), Kiên Giang (15), Bình Dương (14), Đồng Tháp (12), Cần Thơ (12), Sóc Trăng (11), Tây Ninh (9), Long An (9), Vĩnh Long (9), Khánh Hoà (7), Bình Thuận (7), Cà Mau (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Bạc Liêu (3), Quảng Ngãi (1), Gia Lai (1), Lạng Sơn (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 249 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.351 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 213.489 mẫu xét nghiệm cho 446.252 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 28.713.370 mẫu cho 72.505.300 lượt người.

Trong ngày 17.12 có 955.033 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 137.574.609 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.631.255 liều, tiêm mũi 2 là 60.799.084 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 1.144.270 liều.

Quận 10 tăng nguy cơ, trở thành vùng cam Covid-19

Trưa 18.12.2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản thông báo cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Quận 10 tăng nguy cơ, trở thành vùng cam Covid-19

Theo thông báo mới nhất, tính đến ngày 16.12, TP.HCM vẫn giữ nguyên mức nguy cơ dịch Covid-19 ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - vùng vàng).

Ở cấp huyện, có 10 địa phương đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - vùng xanh), gồm: quận 3, quận 6, quận 7, quận 8, quận Tân Bình, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.

Có 11 địa phương ở cấp độ 2 gồm: quận 1, quận 4, quận 5, quận 11, quận 12, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và thành phố Thủ Đức. Trong khi đó, quận 10 là địa phương duy nhất có nguy cơ dịch Covid-19 ở cấp độ 3 (nguy cơ cao - vùng cam).

So với tuần trước, TP.HCM có 3 địa phương giảm cấp độ dịch gồm: quận 3, huyện Cần Giờ (giảm từ cấp độ 2 xuống cấp độ 1) và quận 4 (giảm từ cấp 3 xuống cấp 2); quận 10 tăng từ cấp độ 2 lên cấp độ 3.

Ở cấp xã, có 147 địa phương đạt cấp độ 1, 148 địa phương cấp độ 2 và 17 địa phương cấp 3.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tiêu chí tổng số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần trên địa bàn tuần qua là 90,1 ca, tương ứng với cấp độ 3 theo Nghị quyết 128. Tính đến ngày 16.12, tỉ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố là 100%, người trên 50 tuổi tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 cũng đạt 100%.

UBND TP.HCM đề nghị các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" trong các lĩnh vực và địa bàn phụ trách.

Thêm quận trung tâm Hà Nội bất ngờ nâng cấp độ dịch Covid-19 thành “vùng cam”

UBND thành phố Hà Nội vừa có thông báo số 844 về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, quận Hai Bà Trưng bất ngờ nâng cấp độ dịch thành vùng cam – nguy cơ cao.

Thêm quận trung tâm Hà Nội bất ngờ nâng cấp độ dịch Covid-19 thành “vùng cam”

Tính đến ngày 17.12, toàn thành phố Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (tức nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng). Tuy nhiên, ở cấp quận hay cấp phường thì có sự thay đổi lớn so với lần công bố gần nhất hôm 11.12. Cụ thể, Hà Nội có 13 xã/phường thuộc 6 quận/huyện ở cấp độ 3 trong lần công bố ngày 11.12.

Trong 30 quận, huyện, thị xã chỉ có 4 huyện ở cấp độ 1 (tức nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh - giảm 4 địa bàn so với công bố vào ngày 11.12); 24 quận, huyện ở cấp độ 2 (tăng 3 quận, huyện) và 2 quận ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam, tăng 1 quận).

4 huyện cấp độ 1 ở Hà Nội là Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ và Ứng Hòa; 2 quận ở cấp độ 3 là Hai Bà Trưng và Đống Đa.

Về cấp xã, phường, có 439 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 17 xã, phường); 132 địa phương ở cấp độ 2 (tăng 5 xã, phường); 25 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng 12 xã, phường) và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).

25 xã/phường ở cấp độ 3 gồm:

  • 2 xã của huyện Đông Anh: Vân Nội, Việt Hùng;
  • 10 phường của quận Đống Đa: Khâm Thiên, Văn Miếu, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Phương Liên, Kim Liên, Thổ Quan, Khương Thượng, Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở;
  • Xã Yên Viên của huyện Gia Lâm;
  • Phường Đống Mác của quận Hai Bà Trưng;
  • 5 phường của quận Hoàn Kiếm: Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Bạc, Đồng Xuân, Cửa Đông;
  • 2 phường của quận Hoàng Mai: Thanh Trì, Vĩnh Hưng của quận Hoàng Mai;
  • Xã Đông Xuân của huyện Quốc Oai;
  • 2 phường của quận Tây Hồ: Quảng An, Yên Phụ và xã Văn Bình của huyện Thường Tín.

Trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 11.769 ca mắc tại cộng đồng (tăng 4.357 ca so với 14 ngày trước đó). Đặc biệt, liên tiếp trong 3 ngày từ ngày 15 đến 17.12, trên địa bàn thành phố ghi nhận từ trên 1.300/ca ngày, gần 40% là ca cộng đồng. Riêng ngày 17.12, số ca mắc tăng mạnh lên tới 1.440 ca.

Về tiêu chí tiêm vắc xin Covid-19, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều trên địa bàn thành phố là 94,3% (đã đạt tỉ lệ tối thiểu là 70%); tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều là 94,1% (đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).

Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir

Sáng 18.12.2021, Bộ Y tế cho biết trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho 46 tỉnh, thành đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng.

300.000 liều thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 được phân bổ tại 46 tỉnh, thành

Bộ Y tế cho biết trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng tại TP.HCM từ giữa tháng 8.2021 và hiện đã mở rộng triển khai tại 46 địa phương có dịch trong toàn quốc.

Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng.

Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc Molnupiravir có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Molnupiravir là một thuốc kháng virus, hiện chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir hiện nay tại Việt Nam được tiến hành thông qua hình thức nghiên cứu tại cộng đồng trong khuôn khổ Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, việc quản lý thuốc nghiên cứu cần phải hết sức chặt chẽ để tránh thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích nghiên cứu.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc Molnupiravir song vẫn phải tuân thủ đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt và phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ các tiêu chí an toàn, hiệu quả cũng như quản lý thuốc nghiên cứu để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình.

Gần 82% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ 2 liều vắc xin

Cập nhật đến 13 giờ 30 ngày 18.12.2021 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, cả nước đã tiêm gần 137,6 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.

Gần 82% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19

Đến ngày 17.12, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 128,6 triệu liều, gồm:

  • Hơn 69,2 triệu mũi 1.
  • Hơn 58,2 triệu mũi 2.
  • Hơn 985.000 mũi 3 (đối với vắc xin Abdala).
  • Hơn 4.800 liều bổ sung và hơn 139.000 liều nhắc lại.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 97,0% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 81,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt như sau:

  • Miền Bắc là 93,8% và 75,1%.
  • Miền Trung là 94,3% và 80,8%.
  • Tây Nguyên là 90,6% và 65,9%.
  • Miền Nam là 99,9% và 88,6%.

Tỉ lệ bao phủ 1 liều vắc xin cụ thể như sau:

  • Có 43/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 31 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95%.
  • Có 20/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỉ lệ bao phủ thấp nhất gồm: Hà Giang (78,6%), Quảng Nam (82,0%), Cao Bằng (81,9%), Thái Bình (82,4%) và Bạc Liêu (83,1%).

Tỉ lệ bao phủ 2 liều vắc xin cụ thể như sau:

  • Có 17/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều trên 90%.
  • Có 31/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều từ 70 - dưới 90%.
  • Có 12/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều từ 50 - dưới 70%.
  • Có 4/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều dưới 50% gồm: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Sơn La.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 8,2 triệu liều, trong đó có hơn 6,3 triệu liều mũi 1 và hơn 1,9 triệu liều mũi 2.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 69,1% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 21,2% dân số từ 12 -17 tuổi. Các tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho nhóm tuổi này gồm: Quảng Ninh, TP.HCM, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Tối 17.12.2021, tại buổi tọa đàm "Chiến dịch vắc xin vững niềm tin", PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết tỉ lệ bao phủ đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi đến nay đã đạt trên 80%.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tin rằng với tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 như hiện nay, đến hết tháng 12.2021, trên 95% dân số Việt Nam trên 18 tuổi sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Làm căn cước công dân gắn chip tại nhà cho cụ ông gần 100 tuổi

Len qua những con hẻm, sáng 18.12.2021, tổ công tác đặc biệt của công an quận Phú Nhuận, TP. HCM đã tới tận nhà những trường hợp lớn tuổi trên địa bàn để hỗ trợ cấp căn cước công dân gắn chip.

Làm căn cước công dân gắn chip tại nhà cho cụ ông gần 100 tuổi

Từ thời điểm công an tổ chức đổi căn cước công gắn chip, trong gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Lam chỉ còn mình mẹ của bà là chưa được đổi thẻ căn cước do năm nay đã hơn 90 tuổi. Vì vậy, khi nghe công an tới nới bà sinh sống để làm thủ tục đổi căn cước công dân gắn chip tận nhà, bà đã rất vui mừng.

Giống như gia đình bà Lam, bà Lê Thị Nữ cũng bất ngờ khi được công an tới hỗ trợ đổi căn cước công dân gắn chip ngay tại nhà cho người lớn tuổi, không phải lo lắng vẫn đề dịch bệnh Covid-19.

Mỗi tổ công tác gồm 4 người, trong đó 2 người thuộc lực lượng Công an quận Phú Nhuận, chịu trách nhiệm chính trong nhập liệu, lăn tay và chụp hình. Một người thuộc công an khu vực, chịu trách nhiệm hỗ trợ và một thành viên của tổ dân phố hỗ trợ hậu cần.

Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác phòng dịch, tổ công tác được xét nghiệm Covid-19 trước khi tới từng nhà dân. Đa phần họ phải di chuyển qua từng hẻm nhỏ và tiếp xúc với đối tượng là người già nên việc làm thủ tục đổi căn cước công dân gắn chip sẽ lâu hơn các trường hợp bình thường.

Đặc biệt, để công việc đổi căn cước công dân tận nhà thuận lợi, trước đó cán bộ khu vực cũng đã tới đề điều chỉnh, làm sạch dữ liệu thông tin. Khi tổ công tác của quận xuống chỉ cần đối chiếu thông tin, lăn tay và chụp hình.

Việc cấp đổi căn cước công dân sang loại có gắn chip đã được Bộ Công an triển khai từ đầu năm 2021. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện tại nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM.

Chính vì vậy, mới đây Công an TP.HCM đã đề xuất và được Bộ Công an đồng ý gia hạn thời gian thực hiện chiến dịch cấp căn cước công dân gắn chip đợt 2 cho tất cả người dân ở 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đến cuối tháng 12.2021.

Vắc xin giảm tác động của đợt dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra

Ngày 17.12, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết các vắc xin Covid-19 và số ca nhiễm bệnh cao trước đó đã giúp làn sóng Covid-19 mới nhất do biến thể Omicron gây ra nhẹ hơn trước đây.

Vắc xin giúp giảm tác động của đợt dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra

Bên cạnh đó, theo bà Michelle Groome, chuyên gia Viện Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NICD), hiện tại số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 có tăng. Tuy nhiên, mức độ này thấp hơn nhiều so với trong làn sóng Covid-19 thứ 2 và thứ 3.

Các dữ liệu sơ bộ cho biết biến thể Omicron có thể lây nhiễm mạnh hơn biến thể Delta, nhưng lại ít gây ra những ca bệnh nặng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ ràng về Omicron. Các nhà khoa học đã cảnh báo vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng.

Tại Nam Phi, Anh và Đan Mạch, số ca nhiễm biến thể Omicron tăng gấp 2 lần mỗi 2 ngày. Các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm tăng nhanh cũng có thể dẫn đến hậu quả chết người.

Ngoài ra, theo kết quả nhiều nghiên cứu, 2 liều vắc xin ngừa Covid-19 là chưa đủ để bảo vệ người tiêm trước biến thể Omicron. Tuy vậy, liều tiêm tăng cường có khả năng hồi phục phần lớn độ hiệu quả của các vắc xin ngừa Covid-19.

Hiện đã có 44% dân số trưởng thành ở Nam Phi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19. Dù số liệu này cao hơn so với nhiều quốc gia châu Phi khác, nó vẫn chưa đạt được mục tiêu chính phủ Nam Phi đặt ra cho cuối năm nay.

Làm thế nào để đạt 'siêu miễn dịch' trước Covid-19?

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon đã tìm ra công thức mới để tạo ra “siêu miễn dịch” khi biến thể Omicron được cho là có khả năng vượt qua hệ miễn dịch do vắc xin tạo ra.

Làm thế nào để đạt 'siêu miễn dịch' trước Covid-19?

Cụ thể, một người nếu tiêm ngừa Covid-19 đầu đủ, sau đó bị nhiễm Covid-19 thì có thể sở hữu “siêu miễn dịch” – lớp bảo vệ mạnh nhất trước Covid-19.

Nghiên cứu mới này phát hiện những người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và sau đó nhiễm bệnh Covid-19 thì sẽ có mức độ miễn dịch trước Covid-19 cao hơn đến 2.000% so với những người chỉ tiêm ngừa.

Giáo sư Fikadu Tafesse nhấn mạnh đây là hệ miễn dịch mạnh nhất. Ngoài ra, ông Marcel Curlin, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết kết quả trên chỉ ra cách “giảm bớt mức độ nghiêm trọng của đại dịch toàn cầu”.

Dù những đối tượng tham gia nghiên cứu này không nhiễm biến thể Omicron, ông Curlin khẳng định “dựa trên các kết quả, chúng tôi dự đoán rằng các ca nhiễm đột phá vì biến thể Omicron sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh tương tự ở những người đã được tiêm ngừa”.

Ông Curlin cho biết vắc xin Covid-19 tạo “nền tảng bảo vệ” để “siêu miễn dịch” phát triển.

Các nghiên cứu khác cũng nhấn mạnh cách tiếp cận kết hợp tiêm và nhiễm có thể tạo ra lớp bảo vệ miễn dịch chắc chắn.

Theo một nghiên cứu ở Israel, những người đã nhiễm Covid-19 ít có nguy cơ nhiễm chủng Delta hơn 13 lần so với những người đã tiêm 2 liều vắc xin Pfizer.

Ngoài ra, những người đã nhiễm Covid-19, sau đó được tiêm 1 liều vắc xin, sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ tái nhiễm cao hơn những người đã nhiễm bệnh nhưng không tiêm vắc xin.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 18.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.