Bản tin Covid-19 ngày 17.3: Cả nước vượt 7 triệu ca | WHO cảnh báo Omicron đang lây lan “rất dữ dội”

17/03/2022 20:18 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 17.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 17.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 358.965 ca Covid-19, 135.683 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 17.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 16.3 đến 16h ngày 17.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 178.112 ca nhiễm mới. Các Sở Y tế Vĩnh Phúc và Hải Dương đăng ký bổ sung 180.853 ca.Như vậy, tổng số ca được công bố là 358.965 ca.

Trong ngày có 135.683 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 76 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 41.683 ca.

Thông tin về 358.965 ca vừa được công bố như sau:

  • 3 ca nhập cảnh.
  • 178.109 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.443ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 124.725 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (25.311), Nghệ An (10.511), Lào Cai (9.574), Phú Thọ (7.867), Bắc Ninh (5.020), Lạng Sơn (4.869), Hải Dương (4.856), Thái Nguyên (4.835), Đắk Lắk (4.592), Tuyên Quang (4.389), Bình Dương (4.264), Hưng Yên (3.971), Vĩnh Phúc (3.870), Hòa Bình (3.844), Cà Mau (3.747), Sơn La (3.699), Gia Lai (3.620), Quảng Bình (3.565), Thái Bình (3.157), Bắc Giang (2.985), Yên Bái (2.977), Bình Định (2.955), Điện Biên (2.945), Quảng Ninh (2.885), Cao Bằng (2.880), Lâm Đồng (2.861), Hải Phòng (2.844), Bến Tre (2.734), Quảng Trị (2.417), TP.HCM (2.369), Lai Châu (2.279), Nam Định (2.265), Ninh Bình (2.260), Hà Nam (2.160), Bình Phước (1.987), Tây Ninh (1.986), Vĩnh Long (1.952), Hà Giang (1.920), Bắc Kạn (1.639), Khánh Hòa (1.382), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.270), Phú Yên (1.196), Đà Nẵng (1.086), Đắk Nông (995), Thanh Hóa (933), Hà Tĩnh (927), Trà Vinh (873), Quảng Ngãi (820), Kon Tum (793), Bình Thuận (783), Thừa Thiên-Huế (505), Quảng Nam (358), Bạc Liêu (287), Đồng Nai (250), Long An (174), Cần Thơ (133), An Giang (130), Kiên Giang (90), Đồng Tháp (75), Sóc Trăng (57), Hậu Giang (53), Ninh Thuận (40), Tiền Giang (38)
  • Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 24.975 ca tại Vĩnh Phúc (trong đó đã bao gồm 5.000 ca thông báo ngày 16.3.2022 tại Vĩnh Phúc) và Sở Y tế Hải Dương đăng ký bổ sung 155.878 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-1.021), Hà Nội (-909), Sơn La (-805).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lào Cai (+4.764), Hải Phòng (+2.844), Gia Lai (+1.542).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 171.446 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 7.174.423 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 72.595 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.166.780 ca, trong đó có 3.683.171 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (916.456), TP.HCM (577.598), Bình Dương (353.583), Nghệ An (315.448), Bắc Ninh (247.391).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 135.683 ca

Tổng số ca được điều trị khỏi: 3.685.988 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.435 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.503 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 486 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 115 ca
  • Thở máy xâm lấn: 325 ca
  • ECMO: 6 ca

Từ 17h30 ngày 16.3 đến 17h30 ngày 17.3 ghi nhận 76 ca tử vong tại: Hà Nội (7), Đồng Nai (6), Nam Định (5), Gia Lai (4), Hải Dương (4), Kiên Giang (4), Phú Thọ (4), Quảng Ninh (4), Bình Thuận (3), Hòa Bình (3 ca trong 2 ngày), Khánh Hòa (3), Lạng Sơn (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bạc Liêu (2), Quảng Bình (2), Thái Nguyên (2), TP.HCM (2), Trà Vinh (2), Bắc Giang (1), Bắc Kạn (1), Bình Dương (1), Cà Mau (1), Cần Thơ (1), Đà Nẵng (1), Hà Giang (1), Hà Nam (1), Lâm Đồng (1), Nghệ An (1), Ninh Bình (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Thái Bình (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 75 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.683 ca, chiếm tỉ lệ 0,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 36.388.308 mẫu tương đương 82.126.716 lượt người.

Trong ngày 16.3 có 349.781 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 201.079.635 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.024.335 liều: Mũi 1 là 70.932.002 liều; Mũi 2 là 67.850.628 liều; Mũi 3 là 1.493.406 liều; Mũi bổ sung là 14.617.645 liều; Mũi nhắc lại là 29.130.654liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.055.300 liều: Mũi 1 là 8.751.174 liều; Mũi 2 là 8.304.126 liều.

Trẻ dưới 5 tuổi mắc Covid-19 gặp dấu hiệu này cần báo y tế ngay

Theo "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19" ban hành kèm theo Quyết định 604 của Bộ Y tế, đối với F0 điều trị tại nhà là trẻ dưới 5 tuổi cần theo dõi các dấu hiệu gồm: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Trẻ dưới 5 tuổi mắc Covid-19 gặp dấu hiệu này cần báo y tế ngay

Người chăm sóc, quản lý F0 là trẻ dưới 5 tuổi điều trị tại nhà phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà gồm: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc Covid-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu sau đây:

1. Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.

2. Sốt cao liên tục > 39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.

3. Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi khi thở từ 60 lần/phút trở lên.
  • Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng tuổi khi thở từ 50 lần/phút trở lên.
  • Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi khi thở từ 40 lần/phút trở lên.

4. Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn.

5. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)

6. Tím tái

7. Mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít.

8. Nôn mọi thứ

9. Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được.

10. Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...

11. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng do biến chủng Omicron, việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao vẫn là biện pháp rất quan trọng. TP.HCM tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mở rộng cho người trên 50 tuổi và người có bệnh nền ở mọi lứa tuổi.

Khi trong nhà có người thuộc nhóm nguy cơ cao nghi mắc Covid-19 hoặc F0 trở nặng, có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh, hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%) thì người nhà cần liên hệ đến trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động nơi cư trú để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Nếu gọi không được thì có thể liên hệ tiếp tổng đài 1022 nhấn phím 3, hotline của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) (08 6957 7133), Sở Y tế TP.HCM (096 7771 010) để được hỗ trợ.

10 triệu chứng thường gặp liên quan hậu Covid-19 nên được khám ngay

Theo thông từ bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Thảo, Phó trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 có nhiều triệu chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

10 triệu chứng thường gặp liên quan hậu Covid-19 nên được khám ngay

Các triệu chứng hay gặp nhất bao gồm: rối loạn tâm thần kinh như: bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động, khó ngủ hoặc ngủ ít; nặng đầu, giảm trí nhớ; mệt mỏi, chân tay lạnh, đổ mồ hôi trộm.

Tổn thương tim và mạch máu, với một số biểu hiện như: nhịp nhanh, rối loạn nhịp tim. Nguy hiểm hơn là viêm cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim, hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim và suy tim.

Di chứng mạch máu phổ biến nhất là đông máu gây huyết khối làm thuyên tắc phổi, đột quỵ não. Về hô hấp, sau mắc Covid-19 có thể là triệu chứng khó thở, hụt hơi; viêm phế quản phổi.

Bác sĩ Trần Minh Thảo cũng lưu ý nhiều trường hợp bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 nhưng đến khám muộn làm tình trạng thêm nặng nề, tăng tỉ lệ nhập viện, đặc biệt ở nhóm có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh thần kinh, cơ xương khớp, nội tiết…

Để giảm tỉ lệ nhập viện do hậu Covid-19 gây ra, người dân nên chủ động khám sức khỏe trong 1 - 3 tháng đầu sau khi khỏi bệnh.

Đồng thời, người dân cần phải đi khám ngay sau khi khỏi bệnh với các trường hợp sau: có bệnh lý nền; tuổi trên 60; khi mắc Covid-19 đã từng phải điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực. Các đối tượng khác có các triệu chứng nặng nề hoặc bất thường cũng phải đi khám ngay.

Tùy từng trường hợp cụ thể, sau khi khám, bác sĩ sẽ cho chỉ định làm các xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán, tránh lãng phí các thăm dò không thực sự cần thiết cho người bệnh.

Thông thường sẽ cho người bệnh làm xét nghiệm cơ bản như máu, nước tiểu, điện tim, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim và một số thăm dò sâu hơn nếu cần thiết (ví dụ chụp cắt lớp phổi).

Sau khi khỏi bệnh, nếu có một trong 10 triệu chứng sau, đặc biệt, với những người bệnh có bệnh lý nền, nên đi khám ngay gồm:

  1. Sốt nhẹ
  2. Khó thở
  3. Tức ngực
  4. Ho kéo dài
  5. Mệt mỏi
  6. Đau cơ
  7. Rối loạn nhịp tim
  8. Rối loạn tiêu hóa
  9. Huyết áp không ổn định
  10. Rụng tóc.

Giá xăng dầu thế giới tiếp tục "lao dốc"

Giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng "quay đầu lao dốc" khi những lo ngại gián đoạn nguồn cung dịu lại. Bên cạnh đó, nhiều dự báo cho thấy nhu cầu sụt giảm vì quốc gia 1,4 tỉ dân Trung Quốc tiếp tục phong tỏa hàng loạt thành phố để chống Covid-19.

Giá xăng dầu thế giới tiếp tục "lao dốc"

Theo ghi nhận, ngày 17.3.2022, các hợp đồng dầu thô nhích nhẹ, dầu thô WTI của Mỹ giao dịch trên ngưỡng 95 USD/thùng, trong khi dầu Brent trên ngưỡng 98 USD/thùng.

Trước đó, kết thúc phiên khuya 16.3 biến động nhẹ, dầu thô WTI giảm 1,5% chốt phiên ở 95,04 USD/thùng, dầu Brent giảm gần 2% dừng ở mức 98,02 USD/thùng. Trong phiên, dầu Brent có khi vọt lên 103,7 USD, mức cao nhất trong ngày. Như vậy, dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đã tăng 28% trong 6 ngày và sau đó giảm 24% trong 6 phiên tiếp. Hiện dầu Brent đang thấp hơn 40 USD so với thời điểm lên đỉnh trên 139 USD/thùng vào ngày 7.3.

Một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng điều này phản ánh thị trường đang quá lạc quan rằng căng thẳng tại Ukraine sẽ sớm kết thúc.

Bên cạnh đó, hãng tin Reuters cũng cho rằng, nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại do sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 tại nước này. 17 triệu dân ở Thâm Quyến đang ở vào tình trạng phong tỏa ít nhất 1 tuần; 24 triệu dân tỉnh Cát Lâm cũng được yêu cầu ngưng di chuyển; Thượng Hải đang tạm dừng lớp học và dịch vụ xe buýt liên tỉnh... Đến nay, có ít nhất 13 thành phố ở Trung Quốc bị phong tỏa để phòng chống Covid-19. Chuyên gia Moya tại Oanda cảnh báo: Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, giá dầu thậm chí có thể rơi xuống 80 USD/thùng.

Ở trong nước, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 16.3, Phó thủ tướng Lê Văn Thành thông tin, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang triển khai theo quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu thứ 3 có quy mô sản xuất 10 triệu tấn tại Vũng Tàu để làm chủ nguồn cung. Các thủ tục đầu tư sẽ cố gắng trong 10 tháng xong. Như vậy, nếu có thêm 10 triệu tấn, cộng 13 triệu tấn hiện tại, Việt Nam sẽ có 23 triệu tấn xăng dầu, đủ nhu cầu trong nước.

Ngày 17.3, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex tại vùng 1, xăng RON95-V 30.320 đồng/lít, xăng RON95-III 29.820 đồng/lít, xăng E5 RON92 28.980 đồng/lít, dầu diesel 0,001S-V 25.610 đồng/lít, dầu hỏa 23.910 đồng/lít, dầu mazut 21.080 đồng/lít.

WHO báo động số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại 'chỉ là phần nổi của tảng băng'

Ngày 16.3.2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng báo động về số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận đang tăng trở lại trên toàn cầu, dù mức độ xét nghiệm đã giảm đáng kể.

WHO báo động số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại 'chỉ là phần nổi của tảng băng'

Theo hãng tin Reuters, WHO cho hay sau nhiều tuần giảm, số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu tăng 8% trong tuần trước, với hơn 11 triệu ca nhiễm và trên 43.000 ca tử vong mới. Trong đó, số ca nhiễm mới ở khu vực Tây Thái Bình Dương tăng tới 29%.

Số ca nhiễm ở khu vực Tây Thái Bình Dương gia tăng từ cuối tháng 12.2021 và khu vực này bây giờ đã vượt qua châu Âu, trở thành điểm nóng toàn cầu về số ca nhiễm mới được phát hiện, với 5,02 triệu ca nhiễm, so với 4,99 triệu ca ở châu Âu.

Bà Maria Van Kerkhove, một trong những chuyên gia hàng đầu của WHO về Covid-19, phát biểu tại một cuộc họp báo rằng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng trở lại "dù việc xét nghiệm Covid-19 trên toàn thế giới đã giảm đáng kể".

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng việc giảm xét nghiệm Covid-19 đồng nghĩa “số ca nhiễm chúng ta đang chứng kiến chỉ là phần nổi của tảng băng”. Ông Tedros còn nói rằng khi số ca nhiễm tăng thì số ca tử vong cũng tăng. Ông kêu gọi tất cả quốc gia tiếp tục cảnh giác với Covid-19 và nhấn mạnh “đại dịch chưa kết thúc”.

Bà Maria Van Kerkhove cho rằng tình trạng số ca nhiễm được ghi nhận tăng trở lại là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Bà nhấn mạnh biến thể Omicron vẫn đang lây lan “ở mức độ rất dữ dội trên toàn thế giới”.

Tuy nhiên, bà Ven Kerkhove nhấn mạnh thế giới biết cách kiểm soát Covid-19. Bà Ven Kerkhove nói: “Tin vui là chúng ta có những công cụ có thể giảm sự lây lan. Chúng ta biết việc đeo khẩu trang có tác dụng. Chúng ta biết giãn cách có tác dụng, chúng ta biết vắc xin cứu sống nhiều mạng người. Chúng ta cần tiếp tục”.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 17.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.