Bản tin Covid-19 ngày 15.8: TP.HCM giãn cách xã hội thêm 1 tháng, đến ngày 15.9

15/08/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 15.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 15.8.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp

Bản tin Bộ Y tế tối 15.8 cho biết tính từ 18h ngày 14.8 đến 18h30 ngày 15.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.580 ca nhiễm mới. Đồng thời, trong ngày cũng có 5.519 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 15.8: Cả nước 9.580 ca Covid-19, 5.519 ca khỏi; riêng TP.HCM 4.516 bệnh nhân

Ngày 15.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 337 ca tử vong tại 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong trên cả nước lên 5.774 ca.
Thông tin về 9.580 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 15.8 như sau:
- 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 9.574 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 2.470 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4.516), Bình Dương (2.358), Đồng Nai (546), Long An (514), Đồng Tháp (271), Tiền Giang (209), Cần Thơ (170), Khánh Hòa (166), Tây Ninh (159), Đà Nẵng (83), Sóc Trăng (82), Bến Tre (60), Hà Nội (39), Bình Thuận (39), Quảng Ngãi (34), An Giang (34), Nghệ An (27), Phú Yên (27), Quảng Nam (26), Ninh Thuận (22), Bình Định (22), Bắc Ninh (21), Kiên Giang (19), Lào Cai (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Hà Tĩnh (14), Đắk Nông (13), Lâm Đồng (11), Hậu Giang (10), Thừa Thiên Huế (8 ), Quảng Trị (8 ), Gia Lai (8 ), Cà Mau (6), Hải Dương (5), Bình Phước (4), Quảng Bình (2), Thanh Hóa (2), Thái Bình (2), Ninh Bình (1), Hưng Yên (1), Bắc Giang (1).
- Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 136 ca. Tại TP.HCM tăng 285 ca, Bình Dương tăng 329 ca, Đồng Nai giảm 477 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 275.044 ca nhiễ Covid-19, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm).
+ Số ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 102.504 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 589 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

Tối 15.8: Thông báo thêm 337 ca Covid-19 tử vong tại 15 tỉnh thành

Ngày 15.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 337 ca tử vong tại 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong trên cả nước lên 5.774 ca. Gồm: TP.HCM (282), Bình Dương (20), Long An (9), Tiền Giang (6), Đồng Nai (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đồng Tháp (2), Sóc Trăng (2), Trà Vinh (2), Cần Thơ (1), Hải Phòng (1), Bến Tre (1), Bình Phước (1), Khánh Hòa (1), Quảng Nam (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 15.8 là 5.774 ca, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỉ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do Covid-19).
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4 đến nay đã thực hiện 8.151.426 mẫu cho 23.187.591 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 14.434.017 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.078.340 liều, tiêm mũi 2 là 1.355.677 liều.

TP.HCM giãn cách xã hội thêm 1 tháng

Sáng 15.8, Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức lễ “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19” và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt là Trung tâm An sinh).
Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước hết sức phức tạp, chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Riêng đối với TP.HCM, tình hình dịch bệnh có lắng dịu đi phần nào nhưng vẫn còn rất phức tạp; số ca nhiễm vẫn còn cao; hệ thống điều trị quá tải và vận hành chưa đồng bộ.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, các chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng, ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch; đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Vì vậy, TP.HCM sẽ kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong. “Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới”, ông Mãi nhìn nhận.

TP.HCM giãn cách xã hội thêm 1 tháng, đến ngày 15.9 để phòng chống Covid-19

Ùn ùn rời TP.HCM bằng xe máy sau thông tin giãn cách

Sáng 15.8.2021, dòng người với lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe với ý định rời thành phố để về quê sau nghe tin thành phố sẽ giãn cách xã hội đến ngày 15.9.2021 để chống dịch Covid-19.
Dòng người với lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe với ý định rời thành phố để về quê. Tuy nhiên, lực lượng chức năng ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 TP.HCM đã giải thích và hướng dẫn người dân trở về nơi cư trú, tránh tình trạng tập trung đông người giữa lúc TP.HCM đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Trong buổi sáng cùng ngày, phóng viên Báo Thanh Niên cũng bắt gặp nhiều người quay đầu về lại phòng trọ, khi tới chốt ở đường Phan Văn Hớn (quận 12), do chưa khai báo di biến động dân cư nên buộc phải dừng xe loay hoay khai báo.

TP.HCM tiếp tục đợt tiêm vắc xin Vero Cell

Sáng 15.8.2021, tại Trung tâm y tế quận 3 (TP.HCM), UBND quận 3 tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân sinh sống trên địa bàn. Loại vắc xin được tiêm là Vero Cell của Sinopharm.
Từ sáng sớm, có rất nhiều người dân tới điểm tiêm chủng để xếp hàng, làm thủ tục đăng ký tự nguyện tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm để phòng Covid-19.
Công tác tổ chức tiêm chủng tại đây được thực hiện bài bản, người dân đến điểm tiêm được bố trí xếp hàng đảm bảo khoảng cách, được đo thân nhiệt và khai báo y tế, khu vực ngồi chờ sau tiêm có không gian rộng rãi, thoáng mát. Trước khi tiêm, nhân viên y tế thông tin về loại vắc xin cho người dân biết và đồng ý mới tiêm.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế quận 3, địa phương được Sở Y tế TP.HCM phân bổ 1.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 loại Vero Cell của Sinopharm. Trong ngày 15.8, quận tổ chức 12 điểm tiêm chủng trên địa bàn để tiến hành tiêm cho người dân.
 

Quận 3 bắt đầu tiêm vắc xin Vero Cell ngừa Covid-19 cho người dân

TP.HCM đặt mục tiêu kiểm soát dịch ở 7 quận, huyện vào cuối tháng 8

Tại buổi họp trực tuyến của Chính phủ sơ kết thực hiện Chỉ thị 16 diễn ra sáng nay 15.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trình bày 2 giai đoạn để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn vào giữa tháng 9 cùng với các biện pháp thực hiện.
Ông Phong thông tin thành phố đã không xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới và số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm.
“Mặc dù tình hình dịch bệnh đang đi ngang và có xu hướng giảm nhưng kết quả này chưa bền vững, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức thực hiện”, ông Phong nhìn nhận và cho biết thành phố đã xây dựng kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15.9 với 2 giai đoạn.
 

TP.HCM đặt mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 ở 7 quận, huyện vào cuối tháng 8

Vẫn loay hoay, ùn ứ ở chốt kiểm tra di biến động dân cư

Ngày 15.8.2021 là ngày thứ hai các chốt kiểm soát của quận, huyện trên địa bàn TP.HCM triển khai thực hiện kiểm tra "di biến động dân cư" của người dân khi ra, vào tất các các chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Tại chốt kiểm soát trên đường Phan Văn Trị (thuộc Q.Gò Vấp), CSGT và lực lượng chức năng tại các chốt trực vẫn phải vất vả cầm từng tờ giấy có mã QR hoặc loay hoay giải thích, hướng dẫn để người dân mở điện thoại lên quét và khai báo di biến động dân cư. Hàng dài xe xếp hàng chờ khai báo để qua chốt kiểm soát đã gây nên cảnh ùn tắc cục bộ. Một số người lớn tuổi thì gặp khó khăn vì không đăng ký 3G để khai báo được di biến động dân cư tại chốt.
Một số cán bộ trực chốt tại các Q.Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình,... cho biết trong ngày đầu triển khai kiểm tra di biến động dân cư đã xảy ra tình trạng ùn tắc vì người dân bối rối. Đến ngày thứ hai, vào buổi sáng sớm, lượng xe ra đường ít, nhưng trước các chốt kiểm soát, người dân cũng phải mất từ 3 - 5 phút, thậm chí với người không rành công nghệ mất đến 10 phút để khai báo di biến động dân cư. Nhiều người đi đường dừng lại ngay trước chốt kiểm soát chờ khai báo di biến động dân cư gây nên cảnh ùn tắc cục bộ.

Vẫn loay hoay, ùn ứ ở chốt kiểm tra di biến động dân cư nội thành TP.HCM

Chôn chân cả tiếng đồng hồ vì không biết khai báo di biến động dân cư

Sáng 15.8.2021, rất nhiều người đã không thể di chuyển qua chốt kiểm soát trên đường Phan Văn Hớn, Q.12 do chưa khai báo di biến động dân cư. Những người này được lực lượng chức năng thông báo tấp xe qua bên lề để quét mã QR và khai báo.
Nhiều người chưa khai báo khiến cho khu vực này trở nên ùn ứ. Có những người loay hoay vẫn không thể khai báo thành công. Trong đó, có nhiều người ban đầu còn nhầm tưởng là khai báo y tế.
Rất nhiều trường hợp gặp khó khăn nên lực lượng chức năng ở chốt cũng phải vất vả hướng dẫn. Lực lượng chức năng cũng phải phát mạng di động để hỗ trợ một số người trong việc khai báo.
Có trường hợp không có điện thoại thông minh, lực lượng chức năng phải nhờ người khai báo giùm hoặc linh động cho qua.
Người dân muốn qua các chốt kiểm soát Covid-19 hiện nay phải truy cập vào phần mềm quản lý công dân vùng dịch bằng cách quét mã QR tại chốt hoặc truy cập web https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn để khai các thông tin trên phần mềm này.

Chôn chân cả tiếng đồng hồ vì không biết khai báo di biến động dân cư

Lại tạm “xả chốt” kiểm tra di biến động dân cư

Sáng 15.8.2021, trong ngày thứ hai TP.HCM triển khai kiểm tra di biến động dân cư tại các chốt kiểm soát Covid-19 khu vực nội thành. Theo ghi nhận, từ sáng sớm, người dân đã phải xếp hàng, dồn đông tại chốt kiểm soát chờ khai báo để qua chốt.
Tại chốt đường Phan Văn Trị của quận Gò Vấp, từ 7 giờ 45 phút đến 8 giờ 10 phút, lưu lượng xe tập trung khá đông để chờ khai báo di biến động dân cư. Người đi qua chốt bối rối hỏi cách khai báo, lực lượng trực gồm: CSGT, công an, dân quân tự vệ, kiểm soát quân sự phải vất vả để giải thích, hướng dẫn người dân khai báo di biến động dân cư.
Đến 8 giờ 10 phút, thấy lượng xe quá đông, một lãnh đạo đội CSGT - TT Công an quận Gò Vấp đi kiểm tra thực tế yêu cầu cán bộ tạm thời xả chốt, không để người dân dồn quá đông tại chốt kiểm soát.
 

Lại tạm “xả chốt” kiểm tra di biến động dân cư vì ùn ứ ở TP.HCM

Kêu gọi người dân khai báo 'di biến động dân cư' tại nhà

Sáng 15.8, Công an TP.HCM cho biết, tất cả các chốt kiểm soát tại 12 cửa ngõ TP.HCM do Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM đảm trách và tất cả các chốt ở các quận, huyện đều phải khai báo thông tin 'di biến động dân cư' (thông tin di chuyển dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia).
Theo đó, tại 12 chốt cửa ngõ TP việc kê khai thông tin thực hiện từ tối 12.8, và các chốt ở quận, huyện TP triển khai từ ngày 14.8.
Theo Công an TP, để tránh việc người dân ra đường ùn ứ cục bộ tại các chốt gây tắc nghẽn giao thông, Công an TP kêu gọi người dân nên khai báo 'di biến động dân cư' tại nhà.

Công an TP.HCM kêu gọi người dân khai báo 'di biến động dân cư' tại nhà

Điều chỉnh lại khai báo di biến động dân cư

Trước tình hình ùn ứ kéo dài trong việc khai báo thông tin 'di biến động dân cư' diễn ra 2 ngày qua tại các chốt quận, huyện TP.HCM, chiều 15.8, đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP.HCM) cho biết, TP quyết định dừng các chốt khai báo ở nội đô TP, chỉ thực hiện khai báo 'di biến động dân cư' ở 12 chốt kiểm soát chính của TP và các chốt kiểm soát của cấp huyện giáp với các tỉnh thành.
Việc khai báo nhằm kiểm soát việc ra vào TP của người dân trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
"Vẫn duy trì 12 chốt kiểm soát dịch chính của TP và các chốt kiểm soát của cấp huyện giáp với các tỉnh thành. Người dân sử dụng các phương tiện ra vào TP.HCM phải khai báo sức khỏe theo mã QR Code của Bộ Công an. Còn các chốt kiểm soát dịch giữa quận huyện, TP.Thủ Đức thì không kiểm tra mã Code QR nữa mà vẫn duy trì chốt kiểm dịch để làm nhiệm vụ thực hiện theo Chỉ thị 12 của UBND TP và Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ", đại tá Vân cho biết.
Đại tá Vân nhấn mạnh, TP kiên quyết xử lý xe không đủ điều kiện ra đường, phải quay đầu trở về, xử phạt nghiêm người dân ra đường nếu không có lý do chính đáng.

KTX Bách khoa phong tỏa chặt vì số ca Covid-19 tăng gấp đôi

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ KTX Bách khoa (Q.10, TP.HCM), hiện tại KTX đã có 30 trường hợp F0. Gần một tuần nhưng số ca F0 được ghi nhận tại KTX này đã tăng hơn gấp đôi (ngày 8.8 KTX ghi nhận 14 sinh viên dương tính Covid-19).
Trước tình trạng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới, tối 14.8, Giám đốc KTX Bách khoa đã có thông báo triển khai nhiều biện pháp, trong đó áp dụng tình huống khẩn cấp trong kiểm soát và xử phạt vi phạm phòng chống dịch Covid-19.
 

KTX Bách khoa phong tỏa chặt vì số ca Covid-19 tăng gấp đôi sau 1 tuần

Chính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin Pfizer

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer
Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18.5.2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong Tờ trình số 341/TTr-BYT ngày 3.8.2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vắc xin.
 

Chính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin Pfizer ngừa Covid-19

Cần Thơ, Long An vận hành trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch

Chiều 15.8.2021, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19 lớn nhất miền Tây đã hoàn tất việc lắp đặt các trang thiết bị để sẵn sàng đi vào hoạt động. Đây là một trong 12 Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia được Bộ Y tế thành lập trên cả nước.
Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trung tâm này có quy mô 200 giường được xây dựng khẩn cấp trên cơ sở của Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến nằm biệt lập với các khu vực điều trị khác của bệnh viện.
Theo phân tầng điều trị của Bộ Y tế, Trung tâm có nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng, nguy kịch tại TP.Cần Thơ và từ các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực ĐBSCL chuyển về.
Cũng vào ngày 15.8.2021, Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An chính thức đi vào hoạt động. PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, trực tiếp điều hành hoạt động của trung tâm này.
Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 được thi công thần tốc trong vòng 11 ngày với 5 phân khu chức năng và các khối hỗ trợ.

Nghẹn ngào, bật khóc ngày đến chùa gửi cốt cha mất vì Covid-19

Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao tại TP.HCM thời gian qua, con số đau lòng về những bệnh nhân không qua khỏi cũng tăng cao hằng ngày khiến nhiều người không khỏi xót xa. Trong đại dịch Covid-19, việc tổ chức hậu sự cho người đã mất cũng phải thay đổi rất nhiều để thích ứng với diễn biến dịch. Nhiều gia đình đã lựa chọn hình thức gửi tro cốt người mất vào chùa thờ tự tạm trong thời gian giãn cách, chờ đến lúc có đủ điều kiện để đón tro cốt về nhà làm tròn đạo hiếu.
Chị Hồ Thị Thu Thủy (Q.3, TP.HCM) không kìm được nước mắt, bật khóc nghẹn ngào khi thầy Thích Minh Thật, Chánh Văn phòng Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM, Giám tự chùa Long Hoa tiếp nhận hũ cốt của người cha mới mất vì Covid-19.
10 giờ trưa ngày 14.8, hai vợ chồng chị Thủy có mặt ở chùa Long Hoa (ở số 44 Trần Minh Quyền, Phường 11, Quận 10), ngôi chùa được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM chỉ định làm nơi tiếp nhận tro cốt đồng bào qua đời vì Covid-19 có nguyện vọng gửi thờ tạm trong thời gian giãn cách xã hội.
Ngày 14.8, gia đình chị Thủy nhận được hũ cốt của người cha đã mất. Ngay khi vừa nhận hũ cốt của cha, chị Thủy liên hệ với Đại đức Thích Minh Thật để xin được gửi hũ cốt của cha vào chùa.

Nghẹn ngào, bật khóc ngày đến chùa gửi cốt cha mất vì Covid-19

Vài ngày qua, không chỉ có gia đình chị Thủy, chùa Long Hoa đã liên tiếp nhận đón nhận nhiều hũ cốt của bà con có người thân mất vì Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, chùa đã tiếp nhận 20 hũ tro cốt từ các gia đình có người thân mất vì Covid-19 từ các quận 8, 7, 6, 11, 10, huyện Bình Chánh… Ngoài ra, có nhiều gia đình đến chùa liên lạc, thăm hỏi đăng ký trước để khi nhận được tro cốt người nhà sẽ mang đến chùa gửi nhờ hương khói và cầu nguyện.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 15.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.