Bản tin Covid-19 ngày 13.3: Cả nước vượt mốc 6 triệu ca | TP.HCM hơn 100.000 ca đang điều trị

13/03/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 13.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 13.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước vượt mốc 6 triệu ca nhiễm

Bản tin Bộ Y tế ngày 13.3 cho biết tính từ 16h ngày 12.3 đến 16h ngày 13.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 166.968 ca nhiễm mới, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 42.533 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 209.501 ca.

Trong ngày, có 95.538 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 95 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 41.385 ca.

Ngày 13.3: Công bố 209.501 ca Covid-19, 95.538 ca khỏi | Hà Nội 29.269 ca | TP.HCM 2.257 ca

Thông tin về 209.501 ca vừa được công bố như sau:

  • 15 ca nhập cảnh.
  • 166.953 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.751 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 100.536 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (29.269), Nghệ An (10.243), Đắk Lắk (7.569), Phú Thọ (6.534), Bắc Ninh (6.417), Lạng Sơn (4.816), Hưng Yên (4.599), Sơn La (4.538), Hải Dương (4.406), Hòa Bình (4.337), Lào Cai (3.921), Tuyên Quang (3.696), Nam Định (3.379), Điện Biên (3.320), Quảng Bình (3.271), Bến Tre (3.059), Quảng Ninh (2.990), Vĩnh Phúc (2.987), Cà Mau (2.972), Bắc Giang (2.853), Bình Dương (2.851), Quảng Trị (2.793), Thái Bình (2.781), Thái Nguyên (2.738), Bình Định (2.424), Ninh Bình (2.379), Hà Nam (2.317), Yên Bái (2.281), Bình Phước (2.273), Cao Bằng (2.259), TP.HCM (2.257), Lai Châu (2.148), Hà Giang (1.911), Lâm Đồng (1.877), Hải Phòng (1.593), Đắk Nông (1.578), Bắc Kạn (1.394), Phú Yên (1.378), Đà Nẵng (1.338), Vĩnh Long (1.285), Thanh Hóa (1.210), Khánh Hòa (1.188), Tây Ninh (1.078), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.059), Trà Vinh (1.047), Hà Tĩnh (896), Bình Thuận (855), Quảng Ngãi (509), Kon Tum (401), Quảng Nam (332), Bạc Liêu (314), Đồng Nai (170), Long An (168), Cần Thơ (133), Thừa Thiên-Huế (129), An Giang (123), Kiên Giang (111), Đồng Tháp (70), Sóc Trăng (41), Hậu Giang (40), Tiền Giang (27), Ninh Thuận (21).
  • Ngày 13.3.2022, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 42.533 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-3.107), Hải Phòng (-1.607), Hà Nội (-1.424).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+7.568), Bến Tre (+1.078), Bắc Ninh (+748).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 162.819 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 6.112.648 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 61.879 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 6.105.041 ca, trong đó có 3.160.754 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (808.384), TP.HCM (568.772), Bình Dương (339.051), Bắc Ninh (224.142), Nghệ An (216.172).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 95.538 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 3.163.571 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.107 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.243 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 427 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 117 ca
  • Thở máy xâm lấn: 316 ca
  • ECMO: 4 ca

Từ 17h30 ngày 12.3 đến 17h30 ngày 13.3 ghi nhận 95 ca tử vong gồm:

  • Tại TP.HCM (2) trong đó 1 ca từ Long An chuyển đến.
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (12), Quảng Nam (11), Bình Định (5 ca trong 2 ngày), Đà Nẵng (5), Quảng Ninh (5), Bắc Giang (4), Đắk Lắk (4 ca trong 2 ngày), Nam Định (4 ca trong 2 ngày), Phú Thọ (4), Cà Mau (3), Hải Dương (3), Kiên Giang (3), Vĩnh Long (3), An Giang (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bến Tre (2), Cần Thơ (2), Đồng Nai (2), Hà Nam (2), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (1), Bắc Ninh (1), Bình Dương (1), Bình Thuận (1), Đắk Nông (1), Đồng Tháp (1), Hải Phòng (1), Lào Cai (1), Ninh Bình (1), Phú Yên (1), Thái Nguyên (1), Thanh Hóa (1), Tuyên Quang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 82 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.385 ca, chiếm tỉ lệ 0,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 35.584.903 mẫu tương đương 81.481.599 lượt người.

Trong ngày 12.3 có 215.529 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 200.179.247 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 183.133.205 liều: Mũi 1 là 70.911.338 liều; Mũi 2 là 67.810.841 liều; Mũi 3 là 1.493.137 liều; Mũi bổ sung là 14.459.451 liều; Mũi nhắc lại là 28.458.438 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.046.042 liều: Mũi 1 là 8.748.687 liều; Mũi 2 là 8.297.355 liều.

TP.HCM có hơn 100.000 ca Covid-19 cách ly tại nhà

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 12.3.2022, tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố được xác định (theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế) là 2.805 ca và có đến 6.168 ca test nhanh nghi ngờ. Như vậy, ngày 12.3, TP.HCM có 8.973 ca phải cách ly, chăm sóc và điều trị.

TP.HCM có hơn 100.000 ca Covid-19 cách ly tại nhà

Trong số ca xác định, có 1.949 ca sàng lọc tại bệnh viện, 619 ca phát hiện tại cộng đồng do các trung tâm y tế lấy mẫu, 237 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.

Số ca mắc Covid-19 cộng dồn (Bộ Y tế công bố) tại TP.HCM đến nay là hơn 564.700 ca.

Trong ngày 12.3 số ca nhập bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 892 ca, tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 lên đến 5.650 ca. Trong đó, bệnh viện tầng 3 là 558 ca và 484 ca nặng có hỗ trợ hô hấp, 74 ca thở máy xâm lấn.

Số trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị tăng lên 377 ca (cộng dồn là hơn 33.800 ca) và số phụ nữ mang thai đang điều trị là 73 ca (số cộng dồn là 4.270 ca).

Tính đến hiện tại, số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 758 ca; có 7 ca đang cách ly tại khu cách ly, điều trị của khu chế xuất, khu công nghiệp. Số ca cách ly tại nhà ngày 12.3 tăng lên hơn 100.000 ca.

Ngày 12.3, TP.HCM có 1 ca mắc Covid-19 tử vong kèm bệnh nền. Tổng số ca mắc Covid-19 tử vong cộng dồn tại TP.HCM là 20.450 ca.

Giai đoạn nào nguy hiểm nhất khi mắc Covid-19?

Không phải tuần đầu tiên - thời điểm nhiều triệu chứng cùng lúc diễn ra - mà theo các chuyên gia, tuần thứ hai mới là giai đoạn nguy hiểm nhất với nhiều bệnh nhân Covid-19.

Giai đoạn nào nguy hiểm nhất khi mắc Covid-19?

Bởi lúc này, cơ thể người bệnh có những phản ứng nghiêm trọng nhất với virus SARS-CoV-2.

Các triệu chứng xuất hiện đột ngột ngay cả khi trước đó tình trạng của họ khá ổn định.

Theo giới chuyên gia, tuần thứ hai là giai đoạn nguy hiểm nhất với bệnh nhân Covid-19.

Đặc biệt, những bệnh nhân bị béo phì hay có bệnh nền, bệnh nan y như tiểu đường, suy gan thận… và người trên 50 tuổi thì bệnh rất dễ có chuyển biến xấu.

Giai đoạn đầu khi mắc Covid-19, người bệnh cảm thấy ho, sốt, rát họng nhưng đây không phải thời kỳ nguy hiểm nhất vì lúc này phổi vẫn có thể giãn nở bình thường, không có sự gia tăng khoảng chết hay kháng cự đường thở.

Vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 hoặc thậm chí là ngày thứ 10, kể cả khi bệnh nhâncó kết quả xét nghiệm âm tính, giai đoạn nguy hiểm có thể xảy ra.

Bệnh có thể diễn biến nhanh và xảy ra tình trạng mất bù hô hấp.

Phần phổi lành sẽ phải bù cho các phần đã bị vi rút tấn công.

Giai đoạn này tình trạng thiếu ô xy đã khá nghiêm trọng, diễn biến rất nhanh khi bệnh nhân xuất hiện khó thở hay còn gọi là “thiếu ô xy thầm lặng”.

Tình trạng này được chẩn đoán khi người bệnh không cảm thấy khó thở nhưng SpO2 (tức độ bão hòa ô xy) lại giảm dưới 94%.

Thống kê có tới 20% các trường hợp người bệnh nhập viện không cảm thấy khó thở nhưng lại có biểu hiện bất thường trên CT và cần bổ sung oxy.

Điều này có thể được giải thích là do giai đoạn đầu của bệnh, phổi còn giãn nở bình thường, không có sự gia tăng khoảng chết và kháng cự đường thở nên trung tâm hô hấp không cảm thấy bất thường về việc thở.

Tuy nhiên, sang tuần thứ hai, bệnh có thể diễn tiến nhanh và xảy ra tình trạng mất bù hô hấp khiến bệnh nhân ngột thở nhanh, sâu chính là dấu hiệu của suy hô hấp tiến triển trong Covid-19.

Thiếu oxy ở bệnh nhân Covid-19 phản ánh sự tổn thương phổi mà đã vượt qua mức bù trừ của cơ thể.

Lúc này người bệnh cần được hỗ trợ bởi các biện pháp hồi sức.

Christine Hà bất ngờ về Việt Nam sau 5 năm: “Covid-19 khiến nhà hàng của tôi điêu đứng”

Bất ngờ về Việt Nam cùng ông xa sau 5 năm, vua đầu bếp Mỹ Christine Hà đã có buổi gặp gỡ bạn bè và số ít truyền thông tại một bếp ăn ở TP. Thủ Đức, TP.HCM, gần nơi gia đình chị đang sinh sống'.

Christine Hà bất ngờ về Việt Nam sau 5 năm: “Covid-19 khiến nhà hàng của tôi điêu đứng”

Mặc dù chịu chung cảnh thiệt hại do đại dịch gây nên nhưng chị vẫn lạc quan và nở nụ cười, ông xa luôn là điểm tựa vững chắc đồng hành bên cạnh.

Trong lần trở về này, vua đầu bếp Mỹ cảm thấy ngỡ ngàng trước sự thay đổi của quê hương, đặc biệt là khu vực gia đình chị sinh sống.

Trong dịp về thăm quê nhà lần này, Christine Hà còn nhận lời mời trở thành đại sứ thương hiệu và thành viên sáng lập một ứng dụng dành cho cộng đồng những đầu bếp bán đồ ăn nhà làm.

"Là chủ của 2 nhà hàng danh tiếng ở Texas, tôi thấu hiểu được mong muốn của người bán và người mua. Họ thật sự cần một ứng dụng tiện dụng cho nhu cầu và niềm đam mê ẩm thực”, chị nói.

Theo Christine Hà việc phát triển và sử dụng ứng dụng dành cho cộng đồng yêu thích đồ ăn nhà làm cũng là một xu hướng tất yếu khi hiện nay các ứng dụng điện thoại ngày càng phát triển và đáp ứng gần như toàn bộ các nhu cầu hằng ngày của mọi người.

“Với tôi ẩm thực là niềm nam mê bất tận. Trong vai trò đại sứ, tôi không chỉ truyền cảm hướng mà còn chia sẻ những kỹ năng của người đầu bếp chuyên nghiệp. Tôi cũng mong muốn người dùng đặt mua những món ăn nhà làm, độc đáo mà đôi khi khó tìm thấy ở những nơi khác", Christine Hà chia sẻ.

Trong buổi giao lưu thân mật, tình cảm của bạn bè và những bà nội trợ Việt đã khiến quán quân Vua đầu bếp Mỹ 2012 rất xúc động.

Christine Hà cùng ông xã không có nhiều kế hoạch và dự định cụ thể trong lần về Việt Nam này. Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, hai vợ chồng cho biết muốn khám phá và thưởng thức nhiều món Việt nhất có thể trước khi quay trở lại Mỹ.

Nỗi lo dưới hầm trú ẩn ở thành phố lớn thứ hai Ukraine

Khi chiến sự ở Ukraine kéo dài sang tuần thứ 3, Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraine, bị bắn phá dữ dội. Với những cư dân còn ở lại đây, hệ thống tàu điện ngầm vừa là nơi trú ẩn, vừa là nhà.

Cuộc sống chìm trong sợ hãi dưới hầm trú ẩn ở Kharkiv

Có hàng trăm người, cùng trẻ em và cả thú cưng trú tại đây. Họ chia sẻ bữa ăn và ngủ cùng nhau trên các toa tàu, kế bên máy bán vé và trên sân ga.

Một số người xem tin tức trên điện thoại, nhiều người khác giặt đồ và những người mẹ thì cho con ăn. Tuy nhiên, một hiểm họa khác đang chực chờ: Covid-19.

Nastya, một người trú ẩn tại hệ thống tàu điện ngầm cho biết cô có thể đã nhiễm bệnh. Cô cũng mong muốn chiến sự nhanh kết thúc để cô có thể về nhà ngủ.

“Tôi lo sợ cho gia đình mình, cho gia đình bạn bè, rất sợ hãi cho toàn bộ đất nước và lo sợ cho chính mình nữa”, Nastya nói.

Hiện tại, sống sót là ưu tiên hàng đầu của cư dân Kharkiv. Đây là nơi bị bom đạn ảnh hưởng nặng nề nhất từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo thống đốc địa phương, lực lượng Nga đã nã pháo vào các khu dân cư 89 lần chỉ trong một ngày.

Valentyna, một phụ nữ lớn tuổi, cho biết chung cư của bà bị pháo kích, khiến các kệ ván đổ xuống và khói xuất hiện khắp nơi.

Ngày 11.3, thống đốc địa phương cho biết một phòng thí nghiệm hạt nhân cũng bị bom đạn phá hủy nhưng không gây nguy hiểm cho người dân.

Thị trưởng Kharkiv cho hay có 48 trường học của thành phố 1,4 triệu dân này đã bị phá hủy.

Theo Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR, hơn 2,3 triệu người đã sơ tán khỏi Ukraine vì chiến dịch quân sự của Nga. Nga phủ nhận mọi cáo buộc nhắm mục tiêu vào dân thường.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 13.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.