Bán tài nguyên mà dân không được lợi!?

15/03/2022 06:31 GMT+7

Nhắc lại câu chuyện xuất nhập dầu gắn với trường hợp Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn , chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng trong trường hợp này thì “cả doanh nghiệp xuất khẩu dầu thô và doanh nghiệp nhập khẩu dầu thô đều được lời”.

Xuất khẩu dầu thô có lời là đương nhiên vì giá dầu tăng cao, doanh nghiệp nhập khẩu dầu thô để lọc, sản xuất rồi bán giá cao cũng có lời vì chính sách định mức lợi nhuận và các kiểu ưu đãi khác đã cam kết. Duy chỉ có người dân và nền kinh tế thiệt hại bởi phần lợi thì chia cho nước ngoài trong khi người dân và doanh nghiệp sản xuất trong nước hưởng trọn phần thiệt khi phải mua xăng dầu với giá rất cao”, ông Trinh phân tích đồng thời nhấn mạnh nếu ở đó có vấn đề về cơ chế, chính sách thì “phải sửa ngay và luôn” chứ không để điều lạ kỳ này kéo dài. Nhất là khi đối tượng hưởng lợi không phải là các doanh nghiệp Việt mà chủ yếu các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, do chính sách thu hút đầu tư của một giai đoạn trong quá khứ.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang nhập khẩu dầu trong khi VN xuất khẩu dầu thô cũng là vấn đề gây chú ý

pvn

Tương tự, TS Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, cũng nhận xét mấu chốt của vấn đề là làm sao sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên quốc gia, nhất là nguồn tài nguyên khoáng sản, năng lượng. “Để hạn chế bán thô thì chính Chính phủ phải có những chính sách tầm cao, ví dụ khuyến khích cho lọc hóa dầu phát triển, hay chí ít là ưu tiên cho nhà máy nội (ý nói lọc dầu Dung Quất) được mua. Và lời giải sự nghịch lý nếu có thì ở thượng tầng chính sách, chứ không chỉ riêng Tập đoàn dầu khí VN (PVN) hay Tổng công ty khai thác thăm dò dầu khí”, ông Thành nói.

Nhìn sang câu chuyện của ngành than, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng VN, đồng tình rằng việc các đơn vị xuất - nhập có thể là do tính kỹ thuật, thiết kế từng nhà máy từ đầu. “Nhưng ở tầm cao hơn, vấn đề là tại sao chúng ta không thiết kế những nhà máy nhiệt điện có buồng đốt được loại than tốt mà VN có sẵn? Có thể ban đầu chi phí cao, song, phải đặt ra hết các yếu tố rủi ro từ việc phụ thuộc nguồn nhiên liệu quốc tế bởi nó ảnh hưởng lớn tới an ninh năng lượng quốc gia… Phải tính hết những yếu tố này vào để nhà nước và doanh nghiệp cùng nhau cân đối, làm sao tìm ra lời giải hợp lý nhất trong quá trình xây dựng các nhà máy điện hay lọc dầu trong tương lai”, TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.

Câu chuyện này cũng có nhiều điểm tương đồng với tồn tại của dự án thép Việt Trung - một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương. Trong phương án ban đầu, dự án được cấp quyền khai thác quặng Quý Xa để dùng cho nhà máy. Thế nhưng, do không tìm được sự đồng thuận với đối tác liên danh nước ngoài khiến việc đầu tư dây chuyền cán thép bị chậm trễ. Đó cũng là lý do quan trọng để dự án này xin xuất khẩu quặng vì “trong nước không có nhu cầu”.

Dẫu vậy, điểm khác biệt là ở dự án này, hiện nay Chính phủ đã rất quyết liệu yêu cầu các bên tái cơ cấu, mà trọng tâm là thực hiện tiếp các hạng mục chế biến sâu theo phương án đã có để sử dụng hiệu quả nguồn quặng trong nước, không được phép xuất khẩu.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh: Tài nguyên là sở hữu của toàn dân, không thể để một vài doanh nghiệp hưởng lợi, lũng đoạn mà chỉ giải thích bằng “tồn tại lịch sử” là xong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.