Bác sĩ hướng dẫn cách đo huyết áp chính xác tại nhà

Thiên Lan
Thiên Lan
29/04/2023 00:06 GMT+7

Số đo huyết áp có thể thay đổi trong mỗi lần đo khi đi khám bệnh. Và kết quả đo huyết áp tại phòng khám vẫn có thể không phản ánh chính xác huyết áp hằng ngày của bạn.

Một nghiên cứu mới được công bố tháng 4.2023 trên tạp chí Circulation, đã phân tích dữ liệu từ 7,7 triệu lần đo huyết áp từ tháng 1.2014 đến tháng 10.2018 tại Hệ thống Y tế Yale New Haven (Mỹ). Các tác giả đã báo cáo rằng trong khoảng 13 lần thăm khám, huyết áp của bệnh nhân luôn thay đổi giữa các lần khám liên tiếp.

Phát hiện của họ khiến các nhà nghiên cứu đặt vấn đề liệu bệnh nhân có cần theo dõi huyết áp tại nhà hay không, theo chuyên trang sức khỏe Verywellhealth.

Bạn nên kiểm tra huyết áp của mình bao lâu một lần? - Ảnh 1.

Người huyết áp cao và hơi cao, người cao tuổi và người có các yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh tim, bao gồm tiền sử gia đình huyết áp cao hãy tự đo huyết áp tại nhà

Shutterstock

Theo tổ chức về huyết áp cao của Anh Blood Pressure UK, tất cả người lớn nên kiểm tra huyết áp. Biết huyết áp của mình là bước đầu tiên để có một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh.

Huyết áp cao có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và hầu hết mọi người không cảm thấy có gì khác biệt. Cách duy nhất để biết huyết áp có ổn định hay không là đo và tiếp tục kiểm tra thường xuyên.

Những ai nên kiểm tra huyết áp?

Đối với hầu hết mọi người, huyết áp bình thường là 120/80 mmHg. Người dưới 40 tuổi nếu không biết chỉ số huyết áp của mình, nên kiểm tra, đặc biệt người thừa cân, hút thuốc hoặc có vấn đề về sức khỏe sẽ dễ có khả năng bị cao huyết áp hơn.

Huyết áp cao trở nên phổ biến hơn theo tuổi tác, vì vậy người trên 40 tuổi nên kiểm tra huyết áp.

Bạn nên kiểm tra huyết áp của mình bao lâu một lần? - Ảnh 2.

Nên đo mỗi ngày 1 lần vào cùng một thời điểm

Shutterstock

Tần suất nên kiểm tra phụ thuộc vào chỉ số huyết áp.

Huyết áp hơi cao: Chỉ số huyết áp trong khoảng từ 120/80 mmHg đến 139/89 mmHg

Huyết áp cao: Nếu chỉ số từ 140/90 mmHg trở lên, cần thực hiện các bước để giảm huyết áp.

Người huyết áp cao và huyết áp hơi cao, người cao tuổi và người có các yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh tim, bao gồm tiền sử gia đình huyết áp cao hoặc tiền sử bệnh tim, (cholesterol cao, thừa cân), hãy tự đo huyết áp tại nhà, theo Verywellhealth.

Nên đo bao lâu một lần?

Bệnh nhân mới bắt đầu đo huyết áp tại nhà nên đo vài lần mỗi ngày trong khoảng một tuần.

Tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Yuan Lu, Phó giáo sư tại Trường Y khoa Yale (Mỹ) và bác sĩ Joseph Ebinger, phó giám đốc đơn vị chăm sóc đặc biệt tại Trường Y Cedars-Sinai (Mỹ) đều khuyên khi đã quen, nên đo mỗi ngày 1 lần vào cùng một thời điểm, theo Verywellhealth.

Cách đo huyết áp tại nhà

Theo bác sĩ Ebinger, có một số bước cần thực hiện để có được kết quả đo huyết áp chính xác tại nhà như sau:

Trước khi đo, hãy đi tiểu rồi nghỉ 5 phút

Ngồi trên ghế, 2 chân đặt trên nền, không bắt chéo và cánh tay ngang với tim.

Quấn vòng bít đúng vị trí quanh cánh tay (cần hỏi bác sĩ hướng dẫn về điều này). Hầu hết các vòng bít đo huyết áp đều có đánh dấu để giúp đặt đúng vị trí.

Nghỉ ít nhất 1 - 2 phút giữa các lần đo và lấy kết quả cao hơn, theo Verywellhealth.

Đo vào cùng một thời điểm nhất định trong ngày.

Khi nào cần đi khám?

Nếu huyết áp trên 180/110 mmHg, hãy đi khám trong vòng 48 giờ và nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào như mờ mắt hoặc đau đầu thì hãy đi cấp cứu ngay, theo Blood Pressure UK.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.