Góc nhìn phóng viên:

Băn khoăn y tế công - tư

Duy Tính
Duy Tính
10/02/2023 06:57 GMT+7

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 9.1, có hiệu lực từ 1.1.2024, cho phép cơ sở y tế công tự định giá KCB theo yêu cầu nhưng không quá mức quy định.

Lâu nay, giá viện phíbảo hiểm chi trả, hoặc viện phí dành cho người không có bảo hiểm, được xem là lỗi thời. Giá viện phí hiện hành mới thu 2 thành phần là tiền lương và các chi phí trực tiếp (máu, thuốc, dịch truyền... sử dụng cho người bệnh). Trong khi đó, viện phí bao gồm 4 thành phần: chi phí trực tiếp, tiền lương tiền công, phí quản lý và khấu hao thiết bị. Điều này dẫn đến việc các bệnh viện (BV) siết chi, hoặc lạm thu để bù vào chi phí không được thu.

Trong bối cảnh y tế công đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt tài chính thì luật KCB sửa đổi đã mở ra một cánh cửa mới, đó là hành lang pháp lý hợp thức hóa dịch vụ theo yêu cầu, đảm bảo tự chủ BV ổn định.

Tuy vậy, người viết ghi nhận được một số ý kiến cho rằng, BV công thì đối tượng phục vụ chính là bệnh nhân bảo hiểm, bệnh nhân nghèo và ngân sách, các nguồn lực xã hội khác hỗ trợ. Ở BV công không thể lẫn lộn tư (dịch vụ theo yêu cầu), không thể một bên là bảo hiểm, một bên là dịch vụ. Bởi công - tư lẫn lộn dễ dẫn đến dùng "công" làm "tư", hướng người bệnh sử dụng dịch vụ tư…

Những ý kiến cũng lo ngại việc cho y tế công định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu có công bằng với hệ thống y tế tư nhân? Vì y tế tư là tự đầu tư mọi thứ và trả thuế theo luật Doanh nghiệp, vận hành theo cơ chế thị trường; còn y tế công có lợi thế về cơ sở vật chất, con người, chính sách thuế…

Khi cơ chế tài chính cho y tế công còn những băn khoăn như trên thì lẫn lộn công - tư trong BV công, mâu thuẫn giữa y tế công, y tế tư vẫn tiếp tục là bài toán cần lời giải. Thế nên, cần theo dõi và ghi nhận diễn biến thực tế để tiếp tục có những chính sách phù hợp cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.