Băn khoăn về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
03/10/2022 07:03 GMT+7

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh một lần nữa “nóng” lên khi Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh.

Theo luật Điện ảnh 2022, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (gọi tắt: Quỹ) có mục đích hỗ trợ dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; là “quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động”.

Rạp chiếu phim xin chưa đóng góp

Tranh cãi lớn nhất từ các nhà làm phim, nhà phát hành liên quan đến đề xuất lấy nguồn vốn hoạt động Quỹ từ việc sẽ “trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại VN; 3% từ phí thẩm định và phân loại phim; 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới; 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình; 5% phí hậu kiểm” trong dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh 2022. Nếu đa số ý kiến tán thành, không có ý kiến phản biện thì khi nghị định này được thông qua trong năm 2023, các nhà làm phim và nhà rạp cứ thế nộp tiền đóng góp vào Quỹ từ thời điểm đó và lâu dài về sau. Số đông nhà làm phim và nhà rạp đều cho rằng con số trích 3% doanh thu phim ngoại tại thị trường VN để nộp cho Quỹ là không nhỏ. Nhiều chủ rạp chiếu phim xin chưa đóng góp vào Quỹ vì còn nhiều khó khăn.

Bộ phim độc lập, kinh phí có được từ nhiều nguồn quỹ - Memento Mori: Đất của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ, vừa vào danh sách 10 bộ phim được chọn tranh giải quan trọng nhất New Currents (Dòng chảy mới) của LHP quốc tế Busan 2022 diễn ra từ 5 - 14.10 tại Hàn Quốc

ĐPCC

Bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc điều hành Công ty BHD (hãng phim BHD) chi nhánh TP.HCM, nêu ý kiến: “Thời gian qua, tất cả các rạp chiếu phim chịu thiệt hại, thua lỗ nặng nề vì dịch Covid-19, ngành kinh doanh của chúng tôi phải đóng cửa đầu tiên và mở cửa cuối cùng. Trong giai đoạn khó khăn này, rạp chiếu phim không thể đảm nhận được số % này để góp vào quỹ điện ảnh; vì thế, rạp xin đề xuất chưa đóng góp dù rất muốn điện ảnh Việt có nguồn hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chung”.

Đại diện CJ CGV cũng cho biết: “Nhìn qua các con số % mà nhà rạp phải trích ra để đóng góp cho Quỹ, tưởng nhỏ nhưng thật ra là con số rất lớn trong tổng doanh thu, tác động trực tiếp đến các đơn vị kinh doanh phim ảnh và rất khó cho nhà rạp đảm nhận, vì việc kinh doanh có nhiều thứ phải chi trả và nhiều may rủi để ứng phó trong tình hình doanh thu rạp chiếu chưa ổn định như hiện nay”.

Còn nhiều băn khoăn, gút mắc

Không phải đến thời điểm này, câu chuyện về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh mới thu hút nhiều sự quan tâm đến thế. Khi làm dự thảo cho luật Điện ảnh năm 2006, Quỹ đã được bàn luận nhiều nhưng vẫn nằm trên giấy, đến nay khi luật Điện ảnh năm 2022 vừa được Quốc hội khóa 15 thông qua vào ngày 15.6, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023, thì Quỹ mới chính thức có mặt trong chương 6 - ở mục 2 gồm 3 điều (từ điều 42 đến 44), cộng với điều 21 của dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh 2022. Điều này có nghĩa nhà nước đã quyết định giữ quỹ này và đây là thành công, bước tiến của những người làm luật Điện ảnh 2022 vì rất nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị bỏ nội dung này khỏi luật.

Phim Ròm của Trần Thanh Huy tự thân xin kinh phí từ nhiều nguồn, từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Phim hay nhất hạng mục New Currents ở LHP quốc tế Busan 2019

Tuy nhiên, khả năng đi vào hiện thực của Quỹ vẫn rất khó nếu không có các hướng dẫn về nguồn thu, cách vận hành, sự minh bạch, đồng thời việc điều hành Quỹ phải có tư duy đổi mới sao cho hiệu quả với nền điện ảnh, giúp ích các tài năng trẻ, các bộ phim hay, có đóng góp tích cực vào “tiếng nói điện ảnh” của VN trên trường quốc tế; chứ không thể quản lý, kiểm soát theo cách thức thông thường, cứng nhắc kiểu của một quỹ nhà nước. Hiện tại, trong luật hay dự thảo nghị định chưa đề cập cụ thể những điều này.

PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, bày tỏ sự băn khoăn về Quỹ sẽ do đơn vị nào quản lý; việc quản lý, cơ cấu tổ chức sẽ như thế nào? Bên cạnh đó là trăn trở của nhiều đạo diễn như Phan Đăng Di, Hằng Trịnh… làm sao để Quỹ nhìn đúng người yêu phim, giỏi nghề để trao gửi tiền, làm ra được phim thực sự xuất sắc và Quỹ khi hoạt động cần truyền thông rộng rãi về thời gian nộp kịch bản trong năm để không hạn chế, bỏ sót bất cứ nhà làm phim tâm huyết nào…

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: “Trong dự thảo nghị định về nguồn vốn của Quỹ, nhà nước sẽ hỗ trợ vốn ban đầu, đồng thời huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn thu nhập hợp pháp khác. Mọi người nên hiểu là những con số % để các đơn vị hoạt động điện ảnh tại VN đóng góp thêm cho quỹ trong dự thảo nghị định này được đưa ra dựa trên việc tham khảo quỹ của các quốc gia khác, và đã có sự gặp gỡ các bên liên quan, chứ không phải những nhà làm luật tự dựng ra con số”.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông và ông Vi Kiến Thành, dù “việc triển khai Quỹ cực kỳ nan giải”, nhưng nhất định phải có để đầu tư phát triển công nghiệp điện ảnh quốc gia, và sẽ cố gắng tháo gỡ những gút mắc, điểm nghẽn. Ông Đông khẳng định: “Đây là quỹ nhà nước nhưng ngoài ngân sách, sẽ có người của bộ được cử làm chủ tịch quỹ, cũng như sẽ có quy trình thẩm định, phê duyệt, quyết toán; và chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm tra”. Hiện tại, hai vị lãnh đạo này cũng cho biết nếu chưa đạt đồng thuận về khoản đóng góp từ phía rạp chiếu ở thời điểm này, rất có thể quy định về Quỹ sẽ tách ra khỏi nghị định lần này, thành một văn bản độc lập để tiếp tục nghiên cứu, khảo sát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.