Băn khoăn kiểm duyệt, quỹ điện ảnh và phim đặt hàng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/09/2021 06:16 GMT+7

Ngày 24.9, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội họp xem xét thẩm tra dự án luật điện ảnh sửa đổi, đồng thời lấy ý kiến của các đại biểu về một số vấn đề Bộ VH-TT-DL trình Quốc hội như: đấu thầu hay không các phim nhà nước, có nên quy định về quỹ Điện ảnh trong luật, kiểm duyệt thế nào với phim trên mạng.

Nhiều chuẩn kiểm duyệt
Báo cáo thẩm định dự án luật Điện ảnh sửa đổi của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục (VH-GD) cho rằng cần rà soát, nghiên cứu có cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức (đài truyền hình, các tổ chức kiểm định độc lập, các tổ chức nghề nghiệp) tham gia tham vấn, hỗ trợ cơ quan nhà nước trong công tác kiểm định phim. Ủy ban cũng cho rằng dự thảo luật chưa quy định rõ về hội đồng thẩm định và phân loại phim. Qua khảo sát cho thấy hội đồng với đa số thành viên kiêm nhiệm nhưng phải thực hiện khối lượng công việc lớn, chịu nhiều áp lực, khó tránh khỏi sai sót, có thể bỏ lọt một số phim chiếu rạp có nội dung, chi tiết gây bức xúc dư luận. Ủy ban cho rằng cần có quy định để tăng tính chuyên môn, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thẩm định phim của các cơ sở điện ảnh.
Đặc biệt, ủy ban cũng đề nghị “nghiên cứu, bổ sung tiêu chí phân loại phim theo hướng cụ thể, rõ ràng, áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim và bổ sung dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ dự án luật trình Quốc hội”. Ủy ban còn đề nghị “nghiên cứu có cơ chế cấp phép đặc thù đối với phim VN tham gia liên hoan phim, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài”.
Về phim trên không gian mạng, ủy ban đề nghị nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại trước khi phổ biến.

Phân vân đấu thầu

Theo Ủy ban VH-GD, dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi hiện quy định 2 phương án đối với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước: giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Theo đó, đa số thành viên Chính phủ lựa chọn phương án không đấu thầu. Lý do là việc sản xuất phim mang đặc thù riêng, thực hiện hình thức đấu thầu khó khăn, vướng thủ tục hành chính trong kinh phí đối với các nhà thầu thực hiện dự án, kéo theo hạn chế chủ động...
Trong khi đó, báo cáo của ủy ban lại cho thấy các thành viên ủy ban lựa chọn phương án giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu vì đây là các hình thức cơ bản để lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước theo luật định. Thực hiện đấu thầu cũng tạo bình đẳng giữa nhà nước và tư nhân. Đặc biệt, ủy ban cho rằng “đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đối với đấu thầu cần có quy định chi tiết để đảm bảo tính khả thi vì đây là lĩnh vực đặc thù”.

Quy định về quỹ hỗ trợ điện ảnh cần thuyết phục

Ủy ban VH-GD cho biết đa số ý kiến của thành viên ủy ban đều đề nghị cân nhắc quy định về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo luật. Theo đó, quy định về quỹ chưa phù hợp với quy định của luật Ngân sách nhà nước. Thứ nhất, nội dung chi của quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Thứ hai, chưa có đủ căn cứ, chưa đưa ra được giải pháp về khả năng tài chính độc lập thích hợp. Chưa kể thời gian qua Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành như quỹ hỗ trợ điều trị chăm sóc người nhiễm HIV...
Đại biểu Trần Thị Thu Đông nêu ý kiến, hiện liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa có 5 ngành, trong đó có điện ảnh. “Nếu điện ảnh được phép thành lập quỹ thì những ngành còn lại có được thành lập quỹ không?”, đại biểu này nêu câu hỏi.
Về điều này, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng trong thực tế bộ đã nghiên cứu mô hình của nhiều nước có nền điện ảnh phát triển. Theo đó, họ đều có quỹ phát triển điện ảnh. Vì thế, nếu được quy định trong luật sẽ có thể thúc đẩy phát triển điện ảnh.
Trên cơ sở các ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD Nguyễn Đắc Vinh cho rằng việc quan trọng là làm sao thuyết phục được đại biểu Quốc hội. “Thứ nhất quỹ sinh ra làm gì, nó không được trùng với mục chi của kinh phí nhà nước. Thứ hai nó phải khả thi. Lý lẽ thuyết phục cao thì đại biểu sẽ ủng hộ thôi”, ông Vinh nói.
Trong phiên họp còn có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội xung quanh việc kiểm duyệt. Về việc kiểm duyệt các tác phẩm điện ảnh của tổ chức nước ngoài làm tại Việt Nam, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng nên xem lại quy định về việc tổ chức nước ngoài làm phim ở nước ta. Theo đó, mỗi phim sẽ được Bộ VH-TT-DL duyệt 2 lần: một lần duyệt kịch bản, một lần duyệt lại để phân loại trước khi phổ biến. “Ta nên xem lại, quy định sao để làm một lần thôi để không tốn quá nhiều thời gian, nguồn lực thực hiện cũng như không gây khó cho doanh nghiệp đầu tư”, đại biểu Bạch Tuyết nói. 
Đại biểu này cũng cho rằng hiện tại nhiệm vụ duyệt phim vẫn do Bộ VH-TT-DL làm, cần phân cấp nhiều hơn cho các tỉnh; đồng thời việc phổ biến phim trên mạng nên để dạng tự duyệt, tự chịu trách nhiệm (hậu kiểm) chứ không thể kiểm duyệt hết được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.