Suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng thể lực khi trưởng thành

05/06/2020 14:24 GMT+7

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em đã giảm nhanh, SDD thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2.000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2018 tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 12,8%).

Tuy nhiên suy dinh dưỡng thấp còi giảm chậm.

Mỗi năm giảm 1% trẻ thấp còi

VN đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất DD khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao
Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ SDD thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (23,2% năm 2018) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 28,4% và Tây nguyên là 32,7%.
SDD là tình trạng cơ thể thiếu hụt về protein - năng lượng và thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng. Nguyên nhân thiếu hụt này do giảm tiêu thụ thực phẩm và/hoặc do bệnh tật.
SDD thấp còi là tình trạng trẻ em không đạt được chiều cao theo độ tuổi, giới. Đây là thể SDD mạn tính, phản ánh quá trình lâu dài quá trình SDD và/hoặc nhiễm khuẩn lặp đi lặp lại cùng với các thiếu hụt khác kéo dài qua nhiều thế hệ. SDD thấp còi khiến trẻ không đạt được chiều cao tối đa theo di truyền.

Đa dạng thực phẩm cải thiện chiều cao, thể lực

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.
Thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn.
Theo Viện Dinh dưỡng, tăng cường VCDD vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các VCDD trong bữa ăn hằng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuyên truyền và giáo dục cho người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ và biết lựa chọn đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện thành công công tác phòng chống thiếu VCDD.
Nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân cũng là một trong các giải pháp quan trọng, các nội dung tuyên truyền bao gồm khuyến khích người dân sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày,
cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, thực hiện nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn, trẻ em trong độ tuổi và bà mẹ sau sinh cần được uống vitamin A; phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được hướng dẫn sử dụng viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất.
Hằng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có nguy cơ cao; bổ sung uống vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi tại 41 tỉnh mỗi năm 2 lần; bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A, đồng thời việc bổ sung vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trên toàn quốc.
Ngày Vi chất dinh dưỡng 1 - 2.6, các bà mẹ đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường. Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay, sẽ có trên 6 triệu trẻ dưới 5 tuổi được uống vitamin A, hàng triệu trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn được uống tẩy giun. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.