Nhận trẻ mồ côi do dịch Covid-19, quy định pháp luật và thủ tục ra sao ?

24/09/2021 00:00 GMT+7

Tôi muốn nhận một trẻ mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19 , xin hỏi quy định và thủ tục nhận con nuôi trong trường hợp này như thế nào? (Nguyễn Thị Lan, Q.7, TP.HCM)

Luật sư Trương Văn Tuấn (ảnh) - Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời bạn đọc như sau:

Xuất phát từ tấm lòng đùm bọc chở che và tương thân tương ái trẻ mồ côi trong đại dịch Covid-19, nhiều người sẵn sàng nhận các cháu về làm con nuôi, trong đó có chị. Xin trân quý tấm lòng của chị và xin giải đáp các quy định pháp luật về nuôi con nuôi như sau:
Việc nuôi con nuôi được quy định tại luật Nuôi con nuôi 2010 và Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Nuôi con nuôi 2010.
- Về điều kiện người nhận nuôi con nuôi: Người nhận nuôi con nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở; có tư cách đạo đức tốt và không thuộc các trường hợp bị cấm theo quy định.
- Về điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi: Người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi (từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ áp dụng với người nhận nuôi là cha dượng, mẹ kế, cô, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi). Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
- Về việc đồng ý của phía được nhận nuôi: Trường hợp muốn nhận nuôi trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ thì phải có sự đồng ý của người giám hộ của trẻ. Nếu trẻ đủ 9 tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ.
- Về thẩm quyền đăng ký, hồ sơ thủ tục, thời hạn đăng ký và lệ phí đăng ký nuôi con nuôi: UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) nơi thường trú của chị hoặc UBND cấp xã nơi thường trú của trẻ là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận việc đăng ký nuôi con nuôi. Chị cần nộp một bộ hồ sơ gồm hồ sơ của chị (đơn, CMND/CCCD, phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi thường trú của chị cấp) và hồ sơ của trẻ (giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe, 2 ảnh toàn thân, giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ), và phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi.
Thời hạn giải quyết theo quy định của luật này là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trong thời hạn này, UBND cấp xã phải trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho người nhận nuôi. Nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày.

Báo Thanh Niên kêu gọi bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19

Ngoài ra, 6 tháng một lần trong thời hạn 3 năm kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi mình thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng.
Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.