Bạn đọc Thanh Niên viết thơ tặng ‘hiệp sĩ đường phố’ Nguyễn Thanh Hải ở Bình Dương

Nhật Linh
Nhật Linh
15/10/2019 09:00 GMT+7

'Hiệp sĩ đường phố' Nguyễn Thanh Hải ở Bình Dương được biết đến nhiều vì thành tích hành hiệp trượng nghĩa, tích cực bắt trộm cướp giúp nhiều người.

Khi Báo Thanh Niên ngày 13.10 thông tin về việc “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Thanh Hải bất ngờ rời khỏi CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), nhiều bạn đọc Thanh Niên đã bày tỏ nhiều tình cảm thương mến đối với anh Hải.

Thơ tặng “hiệp sĩ đường phố”

Mô hình “hiệp sĩ đường phố” của anh Nguyễn Thanh Hải ở tỉnh Bình Dương có từ năm 1997. Đến năm 2013, mô hình của anh Nguyễn Thanh Hải được UBND tỉnh Bình Dương hợp thức hóa thành CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa.
Trước thông tin “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Thanh Hải viết đơn xin rời khỏi CLB, một bạn đọc ở TP.HCM cảm thán: “Một thông tin đáng buồn cho người dân và vui mừng cho tội phạm. Phải thừa nhận một điều đội đã mang lại lợi ích không nhỏ cho dân. Hãy tạo điều kiện cho cái tốt trấn áp cái xấu”.
Riêng với anh Nguyễn Thanh Hải, hầu hết độc giả đều bày tỏ sự cảm mến, nể phục người “hiệp sĩ đường phố” đã dành gần 30 năm cho việc săn bắt cướp, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội.
Bạn đọc Quy (Hà Nội) đã dùng câu nói của nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để bày tỏ: “Tôi rất cảm phục các bạn hiệp sĩ vì sự ‘Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”.
Trong khi đó, bạn đọc tên Dũng (Đồng Nai) viết hẳn một đoạn thơ gửi tặng “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Thanh Hải:
“Tội phạm ngày càng gian manh
Cần nhiều biện pháp diệt nhanh lũ này
Người tốt cũng phải chung tay
Cùng với nhà nước làm ngay đừng chờ
Báo cáo khi việc bất ngờ...
Làm sao kịp được, làm ngơ không đành”.

Đội 'hiệp sĩ đường phố' P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) trong một lần bắt giữ các nghi can trộm cắp tài sản ngoài địa bàn P.Phú Hòa

Ảnh: Đỗ Trường

“Lại quy trình

Nguyên nhân anh Nguyễn Thanh Hải rời khỏi CLB được cho là không đồng ý thực hiện theo quy chế của UBND tỉnh Bình Dương quy định về địa bàn hoạt động. Theo đó, các thành viên CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa sẽ truy bắt tội phạm trên địa bàn phường, khi qua địa bàn khác phải báo cho Ban chủ nhiệm và cho CLB ở địa bàn đó phối hợp.
Nhiều bạn đọc nhận định, quy định này của UBND tỉnh Bình Dương mang tính cứng nhắc, không hỗ trợ cho công tác truy bắt tội phạm của các “hiệp sĩ đường phố”.
“Lại quy trình! Đến khi nào cái gọi là quy trình này áp dụng cho thật sự hiệu quả?”, bạn đọc Doan Huy (TP.HCM) cảm thán.
Thậm chí, một bạn đọc Báo Thanh Niên đã viết một tiểu phẩm trào phúng để bày tỏ quan điểm: “Tên tui là: Quy Định, Quy Trình, tui không muốn sinh ra đời này, nhưng người ta cố đẻ tui ra để kiềm hãm sự phát triển và để cho kẻ khác vịn vào để giải bày tâm sự khi sai phạm. Tui không biết khi nào chết, lúc đó chắc bà con mừng lắm, còn bây giờ tui đang sống khỏe re khi có quá nhiều người gọi tên tui và cần đến tui để chế tài ai đó hay giải bài tâm sự”.
Từ sự việc của “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Thanh Hải, bạn đọc Trần (TP.HCM) đúc kết: “Hãy tìm cách khống chế tội phạm hơn là khống chế người có ích cho xã hội!”.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Dương, Câu lạc bộ xung kích phòng chống tội phạm đầu tiên trên địa bàn được thành lập vào ngày 1.6.1997 với tên gọi ban đầu là “Đội dân quân tự vệ giữ gìn trật tự công cộng và vây bắt các đối tượng trộm, cướp, cướp giật” thí điểm ở P.Phú Hòa và P.Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một).
Qua gần 20 năm hoạt động, mô hình Câu lạc bộ xung kích phòng chống tội phạm đã phát triển rộng khắp, trở thành mô hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Tính đến nay, Bình Dương có 91/91 xã phường, thị trấn thành lập Câu lạc bộ xung kích phòng chống tội phạm với 3.248 thành viên, ban chủ nhiệm và hội viên.
Từ năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 34/QĐ-UB ban hành kèm theo quy chế tổ chức, hoạt động của các Câu lạc bộ xung kích phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Để củng cố, phát huy hiệu quả của Đội xung kích Câu lạc bộ xung kích phòng chống tội phạm (được người dân quen gọi là "hiệp sĩ đường phố"), hằng năm, lực lượng công an tổ chức các lớp bồi dưỡng về chức năng, nhiệm vụ đồng thời quán triệt, hướng dẫn nâng cao kiến thức về pháp luật, cách nhận biết, nhận dạng đối tượng phạm tội. Đặc biệt là tập huấn về võ thuật, các tư thế phòng thủ, tấn công khi bắt các đối tượng tội phạm được hiệu quả và an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.