Bản đồ ẩm thực bằng tản văn trong Món ngon Hà Nội

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/03/2022 06:35 GMT+7

Những tản văn hay đã hợp thành một “bản đồ ẩm thực” trong cuộc thi viết Món ngon Hà Nội do Báo Thanh Niên tổ chức.

Tại buổi lễ trao giải cuộc thi viết Món ngon Hà Nội ngày 18.3 tại Hà Nội, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, vô cùng tự hào về những tác phẩm dự thi. Bà cho biết, nhiều tác giả cùng chọn một món truyền thống nổi tiếng của Hà Nội làm đề tài, như phở, bún ốc, bún thang, bún chả que tre, chả cá, cốm... Cũng có những bài viết về đặc sản địa phương với chỉ dẫn địa lý như các món ăn từ sấu Hà Nội, bánh dày Quán Gánh, hồng xiêm Xuân Đỉnh, húng Láng, kem Tràng Tiền, nem Phùng, đậu Mơ... Có bài lại viết về món ăn mới xuất hiện và thịnh hành trong khoảng chục năm gần đây như: vịt om sấu, ngan cháy tỏi, nem chua rán… “Các bài dự thi cho thấy một “bản đồ ẩm thực Hà Nội” trong lòng công chúng”, bà Thảo cho biết.

Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Đặng Thị Phương Thảo (bìa phải) và Chủ tịch Hội đầu bếp VN Nguyễn Thường Quân (bìa trái) trao giải nhất cho tác giả Tạ Thị Thanh Hải

Ngọc Thắng

Những bài dự thi, đặc biệt là 30 bài vào chung khảo, được đánh giá cao về cảm xúc, dấu ấn cá nhân. Đó là câu chuyện về món thịt quay Hàng Buồm mà bố lâu lâu lại mua về cho gia đình ăn trong thời kỳ bao cấp. Ở đây, không chỉ gặp lại tình cảm của nhân vật, mà còn cả một lịch sử đô thị Hà Nội. Thịt quay trong bài viết không chỉ là món ngon nhớ lâu mà còn là nỗi nhớ, tình thương gia đình, là tình yêu của người cha hết lòng vì các con. Câu chuyện món phở cuốn cũng trở nên rưng rưng với nhân vật là cô gái nhỏ đã đi học tại Nga. Một bài thi khác lại kể về nỗi nhớ món bún chả que tre. Đây là món ăn Hà Nội xưa tưởng chừng đã thất truyền, nhưng giờ đây được nhân lại. “Nỗi nhớ ẩm thực Hà Nội, do đó không chỉ là câu chuyện của Hà Nội, mà đã trở thành câu chuyện xuyên quốc gia”, bà Thảo nói.

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết đánh giá rất cao việc các thí sinh tìm hiểu, quan sát, mô tả kỹ thuật nấu nướng các món ăn. “Ví dụ như các thí sinh tả về cốm, tả về cách làm giò mo… rất tỉ mỉ. Nhiều người chưa bao giờ được nhìn thấy có thể hình dung được cách nấu nướng qua các bài thi. Đặc biệt là món giò mo không còn nhiều người biết như trước nữa, thì qua cuộc thi sẽ được lan tỏa”, bà Tuyết nói.

Ban Biên tập Báo Thanh Niên, Ban tổ chức cuộc thi Món ngon Hà Nội trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đồng hành. Xin trân trọng cảm ơn các thương hiệu: Công ty CP Euro Window, Công ty CP Địa ốc Hải Đăng, Công ty CP Khai Sơn, Công ty CP Tập đoàn Danko, Nhà hàng Hà Nội Xưa đã đồng hành cùng chương trình. Xin cảm ơn các chuyên gia, nhà văn, nhà sử học đã cùng chúng tôi nâng niu, chọn lọc từng bài viết để trao những giải thưởng quan trọng nhất.

Nhiều thí sinh còn trực tiếp nấu món ăn Hà Nội mình thương nhớ để chụp ảnh gửi trong bài dự thi. Điều này cho thấy nét đặc sắc ẩm thực của Hà Nội không những không bị mai một mà còn được tiếp tục giữ gìn và trao truyền mãi mãi.

“Tôi có một người bà sống ở phố Lương Sử. Bà nấu ăn rất ngon và tôi học được nhiều cách nấu, cách ăn khi qua chơi cùng bà. Tôi học được nhiều hơn về ẩm thực Hà Nội qua đó”, thí sinh Lê Thị Hà tâm sự. Chị là người có 26 bài dự thi, cũng là người nhận giải nhì và giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất.

NSƯT Xuân Bắc trao hoa cho tác giả Lê Thị Hà (trái), người nhận giải nhì và giải Bạn đọc yêu thích

Sân chơi văn học giữ di sản

Tổng kết cuộc thi, bà Đặng Thị Phương Thảo cho biết: “Phần lớn các tác giả là người viết không chuyên, không thuộc Hội Nhà văn. Tuy nhiên, họ lại là những người gắn bó với việc viết. Có tác giả đã là “người quen” của các cuộc thi trên Báo Thanh Niên nhiều năm nay, đồng thời là thành viên tích cực của một số hội nhóm viết văn trên mạng như nhóm Tản văn hay, nhóm Quán chiêu văn. Điều đó cũng chứng tỏ sức lan tỏa của những sân chơi văn học qua các cuộc thi viết do Báo Thanh Niên tổ chức”.

Giám khảo Trần Hữu Việt, Trưởng ban Văn trẻ Hội Nhà văn VN, đánh giá do là tác giả không chuyên nên khi thấy gì, cảm nhận ra sao, tương tác

với món ăn thế nào họ đều viết hết ra. Điều đó mang tới cảm xúc rất tươi mới của ngày hôm nay. “Ngày nay, chúng tôi hay nói là có một dòng văn học tản văn. Thực sự những bài viết trong này là những tản văn đẹp về món ăn Hà Nội. Qua đó chúng ta thấy rõ một văn hóa Hà Nội, một lịch sử của Hà Nội, một thói quen, một phẩm chất của những người Hà Nội qua những món ăn này”, ông Việt nói.

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết đánh giá cuộc thi cho thấy tín hiệu tích cực là người trẻ rất trân trọng món ăn truyền thống. “Chúng tôi bây giờ cũng là lứa tuổi cao rồi. Tôi thấy rằng các bạn trẻ làm sao mà giữ lấy di sản ẩm thực Hà Nội. Các cụ có câu “cha truyền, con nối”. Các thế hệ trẻ sau mà nối tiếp được truyền thống của thế hệ chúng tôi thì đấy là một điều rất vui”, bà Tuyết nói.

KẾT QUẢ CUỘC THI

Cuộc thi viết Món ngon Hà Nội do Báo Thanh Niên tổ chức, diễn ra từ ngày 10.6 - 31.12.2021. Từ 690 bài viết dự thi, 30 bài viết đã được chọn vào vòng chung khảo. Ban giám khảo đã chấm chọn và trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích và giải

Bài viết được bạn đọc yêu thích.

1 giải nhất: Xôi đỗ đen gói trong lá sen già của tác giả Tạ Thị Thanh Hải.

2 giải nhì: Cốm Hà Nội và nỗi lòng người xa xứ của tác giả Lê Thị Hà; và Kem Tràng Tiền - dư vị tình đầu của tác giả Cao Thị Nga.

3 giải ba: Bún ốc nguội - một nỗi nhớ thương của tác giả Lê Thị Thanh Huyền; Nhớ gánh bún ốc xưa của tác giả Chung Chí Thành; và Thơm lừng gánh cháo sườn trên phố Hàng Bồ của tác giả Lê Thị Ngọc Hà.

5 giải khuyến khích: Hương xưa bánh vợ bánh chồng của tác giả Phạm Thị Thúy; Bánh tôm Hồ Tây ngất ngây ký ức của tác giả Mai Đào; Bánh trôi Tàu phố cổ Hà Nội của tác giả Nguyễn Thị Giang; Dân dã bánh dày Quán Gánh của tác giả Trần Thị Thúy Vân; và Bánh chả - tên nghe là lạ mà ăn là mê của tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang.

Giải Bạn đọc yêu thích: Món cháo đặc biệt ăn bằng đũa của tác giả Lê Thị Hà.

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch VN, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN, vô cùng tâm đắc với cuộc thi Món ngon Hà Nội. Ông Bắc chia sẻ: “Tôi đã đọc và theo dõi nhiều chương trình, nhiều cuộc thi trên Báo Thanh Niên. Bao giờ cũng là những chương trình cực kỳ táo bạo nhưng chính xác và đúng thời điểm. Ẩm thực là thứ dễ bộc lộ văn hóa của mình nhất. Ở Hà Nội có quá nhiều món ngon. Bay đi bay lại không khó nữa nên có những người bay ra Hà Nội chỉ để ăn ốc. Hay những người ở xa chỉ thèm lá nem Hà Nội, hay riềng để nấu món Hà Nội. Phải nói Báo Thanh Niên đã làm chương trình gì cũng đều nét căng”.

Giám khảo Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, chia sẻ: “Có một quan niệm lúc đầu tôi băn khoăn thế nào là món ăn Hà Nội. Món cháo ăn bằng đũa là ở Hà Tây, thì nó có phải ở Hà Nội? Phở gốc Nam Định, bún thang có gốc Hưng Yên… tại sao về Hà Nội lại thành món Hà Nội? Nên trong cuộc thi có chuyện viết về những món ăn của Hà Nội đang phát triển. Đó cũng là một đóng góp lớn của cuộc thi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.