Bán điện cho nhà hàng xóm: Doanh nghiệp được, hộ gia đình thì không

Nguyên Nga
Nguyên Nga
18/04/2024 06:39 GMT+7

Cơ chế cho mua bán điện trực tiếp chỉ được áp dụng đối với khách hàng có nhu cầu sử dụng điện lớn, còn hộ gia đình, tòa nhà… vẫn chưa được giao dịch trực tiếp với nhau.

Chỉ doanh nghiệp được mua bán điện "sạch" với nhau

Bộ Công thương dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) để Chính phủ ban hành trong tháng 4 này. Theo dự thảo, Bộ Công thương đề xuất 2 trường hợp có thể mua bán điện tái tạo trực tiếp với nhau. Một là các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ được bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn (doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ) thông qua đường dây riêng, không qua lưới điện quốc gia. Trường hợp này sẽ không bị giới hạn về công suất, sản lượng và các bên sẽ tự thỏa thuận về giá điện. Hai là mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện trực tiếp, giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện qua lưới điện quốc gia, theo giá thị trường giao ngay.

Chỉ doanh nghiệp được đề xuất cho mua bán điện trực tiếp, hộ gia đình thì chưa

Chỉ doanh nghiệp được đề xuất cho mua bán điện trực tiếp, hộ gia đình thì chưa

Gia Hân

Cụ thể, giai đoạn đầu, cơ chế DPPA sẽ áp dụng cho các nhà máy điện gió, mặt trời tham gia đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia. Sau đó sẽ mở rộng với thủy điện, sinh khối… dựa trên nhu cầu khách hàng, đơn vị phát điện và tình hình phát triển hệ thống điện, thị trường điện. Việc này áp dụng cho khách hàng sản xuất, sau đó mở rộng cho các khách hàng sử dụng điện khác. Ngoài ra, khách hàng sử dụng điện lớn trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất được tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp sau khi chấm dứt hợp đồng mua bán điện hiện hữu để tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp và công tơ đo đếm của khách hàng sử dụng điện lớn mua bán điện trực tiếp với tổng công ty điện lực.

Như vậy, cả hai dự thảo về cơ chế mua bán điện trực tiếp và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu đều không có quy định nào cho bán điện sang nhà hàng xóm hay mua bán điện trong cùng một tòa nhà. Với các hộ gia đình, nếu đầu tư tự sử dụng, điện dư thừa phát lên lưới sẽ không được tính tiền.

Trong thực tế, nhu cầu sử dụng điện đang tăng mỗi ngày, nhất vào mùa nắng nóng. Mới đây, Tổng công ty Điện lực TP.HCM có thống kê trong 15 ngày đầu tháng 4, đã có đến 3 ngày sản lượng điện tiêu thụ của TP vượt mức đỉnh của năm ngoái. Thậm chí, ngày 9.4, TP đã lập đỉnh tiêu thụ điện mới khi tiêu thụ hơn 97,87 triệu kWh, tăng hơn 3 triệu kWh so với đỉnh của năm 2023 (94,8 triệu kWh vào ngày 6.5.2023). Điện lực TP.HCM dự báo là trong giai đoạn từ tháng 4 cho đến tháng 6 tới, lượng điện tiêu thụ của TP sẽ tiếp tục phá mức kỷ lục, trong đó có ngày sản lượng điện tiêu thụ sẽ vượt lên 100 triệu kWh/ngày. TP.HCM và khu vực phía nam nhìn chung nguồn điện còn dồi dào hơn so với khu vực phía bắc nhưng nguy cơ thiếu điện cục bộ vẫn rất dễ xảy ra.

Hiện đang mùa nắng nóng, ngay tại TP.HCM, miền Nam và cả miền Trung, có nhiều hệ thống ĐMTMN đã được lắp đặt chưa thể kết nối với điện lưới quốc gia vì chờ hướng dẫn của Bộ Công thương, hoặc lắp đặt nhưng không thể phát lên lưới khi thừa điện… Nếu hệ thống điện mặt trời của các nhà dân, trang trại này có thể chia sẻ cho hàng xóm dùng chung, gọi nôm na là bán cho hàng xóm thì sẽ giảm được nhiều áp lực cho ngành điện, giảm lãng phí cho hộ gia đình, nông trại...

Nên mở rộng đối tượng được mua bán điện trực tiếp

TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học kinh tế VN, nói thẳng xây dựng cơ chế khuyến khích mà vẫn giữ tư duy "ngăn sông cấm chợ" là đi trái với tinh thần khuyến khích, trái với tinh thần Nghị quyết 55.

"Đã cho cơ chế mua bán điện trực tiếp rồi lại phân biệt đối xử doanh nghiệp sử dụng điện lớn mới được mua trực tiếp, còn người dân, với nhu cầu thấp vài ba kWh thì không. Tại sao có sự bán điện theo kiểu "áp đặt" như vậy khi chúng ta đang tiến đến xây dựng thị trường mua bán điện? Trong thực tế, chính nguồn điện lớn mới cần sự can thiệp về an toàn của ngành, còn những hộ gia đình trong khu vực, trong khu phố, trong thôn xóm… thì không gây áp lực về lưới cho ngành, chỉ giúp giảm phụ tải tốt hơn mà thôi. Chúng ta xây dựng cơ chế mua bán điện, cơ chế khuyến khích ĐMTMN… nhưng vẫn ưu ái cho nhiệt điện.

Vậy có phải không cho bán điện cho hàng xóm trong phạm vi nhỏ là để bán điện than cho dễ, an toàn hơn hay sao? Rất nhiều ý kiến nói bán điện cho hàng xóm sợ không an toàn, nhưng tôi nói thẳng an toàn hay không là do chúng ta. Chúng ta muốn an toàn, muốn giảm phụ tải trong những thời khắc nhu cầu dùng điện lớn, tất cả đều có cách để khắc phục. Trong đó, để hộ gia đình bán điện cho nhau trong mùa nóng là một trong giải pháp tích cực cần khuyến khích. Chỉ cần lắp đồng hồ 2 chiều, ghi nhận mua bán minh bạch. Quan trọng là ngành điện có hỗ trợ người dân lắp 2 đồng hồ không?", ông Trần Đình Bá phân tích.

Trước đó, góp ý cho dự thảo nghị định về phát triển ĐMTMN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cũng cho rằng nên cho phép "hàng xóm" trong một tòa nhà mua bán điện với nhau. Cụ thể, dự thảo cho mua bán điện trực tiếp nhưng chỉ cho mua khi có đường dây truyền tải độc lập hay qua đấu nối lưới của quốc gia, qua các tổng công ty điện, qua Tập đoàn Điện lực VN (EVN)… Trường hợp mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một tòa nhà thì không thấy đề cập.

Trong khi đó, cùng một tòa nhà có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng điện, một trong số đó đầu tư hệ thống ĐMTMN và muốn bán lại cho các tổ chức, cá nhân khác trong cùng tòa nhà. Tức là lượng điện năng từ hệ thống ĐMTMN chỉ được truyền tải giữa các cá nhân, tổ chức trong tòa nhà đó mà không được truyền tải qua đường dây của công ty điện lực. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc cho phép mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một tòa nhà như vậy sẽ giúp có thêm nguồn lực để phát triển ĐMTMN, giúp cân bằng phụ tải tốt hơn (do hạn chế được lượng điện dư), nên cần được khuyến khích. Từ đó, VCCI đề nghị cho phép mua bán ĐMTMN giữa các khách hàng mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia.

Ngoài ra, theo Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng, ĐMTMN hiện tập trung ở miền Nam và miền Trung, TP.HCM còn miền Bắc chỉ chiếm hơn 6%. Thế nên, cần có cơ chế chính sách cho phát triển ĐMTMN tại miền Bắc. Do đặc điểm ở miền Bắc khí hậu chia 4 mùa, lượng bức xạ mặt trời các tháng có sự chênh lệch khá lớn nên rất khó khăn cho việc tính toán công suất ĐMTMN nối lưới tự dùng. Thế nên, khi có lượng dư thừa, cần có cơ chế để EVN mua lại một phần lượng điện dư thừa.

Trước những đề xuất nên cho mở rộng đối tượng mua bán điện, không chỉ các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng điện sản xuất công nghiệp mà nên mở rộng cho hộ gia đình được mua điện trực tiếp, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho rằng DPPA không thể tách rời các quy định về đầu tư, quy hoạch và cơ chế phát triển điện lực, giá điện, truyền tải tại VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.