Bạn đã tới ngôi chùa lớn nhất thế giới ở Hà Nam chưa?

27/10/2022 11:17 GMT+7

Nằm ở xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam - cách thành phố Hà Nội khoảng 70km, chùa Tam Chúc được xem là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến hiện tại. Chùa tọa lạc trong quần thể khu du lịch Tam Chúc thơ mộng, trữ tình.

Chùa Tam Chúc chiếm 144 ha trong tổng số diện tích 5.100 ha của Khu du lịch quốc gia Tam Chúc. Đây là điểm du lịch có quy mô lớn, kết hợp giữa du lịch tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng. Thêm vào đó có nhiều dịch vụ khác với 6 phân khu chức năng.

Cùng với chùa Hương (Hà Nội) và chùa Bái Đính (Ninh Bình), ba ngôi chùa này liên kết với nhau trở thành trục du lịch tâm linh lớn bậc nhất Việt Nam, thu hút đông du khách thập phương về thăm quan, thưởng lãm.

Bao quanh chùa là những dãy núi đá vôi và rừng tự nhiên. Lưng chùa tựa núi Thất Tinh, mặt hướng hồ Tam Chúc với 6 hòn đảo đá nổi lên trên mặt hồ tạo nên cảnh quan vô cùng hùng vĩ và thanh bình

Từ cổng Tam Quan đến điện Quan Âm, bạn sẽ đi qua vườn Cột Kinh. Đây là vườn lớn với 32 cột kinh Phật, được phục dựng theo phiên bản cột kinh Phật tại chùa Nhất Trụ, một bảo vật quốc gia ở Hoa Lư, Ninh Bình

Những cột kinh ở chùa Tam Chúc được làm từ đá xanh Thanh Hóa. Mỗi cột nặng khoảng 200 tấn, được thiết kế kiểu đài sen - nụ sen với phần thân trụ hình lục giác, điêu khắc tỉ mỉ các lời dạy của Đức Phật

Ngôi chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh cách đây khoảng 1.000 năm. Chính bởi vị trí đặc biệt được bao bọc bởi hồ Tam Chúc phía trước và dãy núi Thất Tinh phía sau, nên ngôi chùa gắn liền sự tích “Tiền Lục Nhạc - Hậu Thất Tinh”.

Để lên chùa, du khách sẽ phải leo lên 299 bậc thang đá

Tương truyền, khi xưa có 7 ngôi sao sáng trên 7 ngọn núi ở vùng Tam Chúc, hiện thân của 7 nàng tiên nữ giáng trần ngao du. Vì quá si mê cảnh đẹp nơi chốn sơn thủy hữu tình, các nàng mải chơi không về.

Thế nên, nhà trời đã cử người mang binh khí là quả chuông xuống để gọi các nàng về 6 lần, nhưng lần nào cũng vô ích. 6 hòn đảo nhỏ nổi lên giữa hồ được ví như là 6 quả chuông nhà trời để lại, tức là Lục Nhạc; còn 7 ngọn núi kia là Thất Tinh.

Sau đó, một số người đã đến núi Thất Tinh để đục đẽo, đốt lửa, hòng lấy đi 7 ngôi sao ấy. Tuy nhiên, lửa lớn đã khiến 4 ngôi sao bị mờ dần đi, và chỉ còn lại 3 ngôi sao. Ngôi chùa Thất Tinh trong làng Tam Chúc từ đó có tên là chùa Ba Sao, và thị trấn Ba Sao cũng được đặt tên theo tích ấy.

Điện Quan Âm là nơi thờ Phật nghìn tay nghìn mắt. Ở đây có khoảng sân vô cùng rộng, không gian thoáng đãng, tĩnh mịch, có tầm nhìn hướng ra vườn cột kinh

Điểm đến tiếp theo trên trục thần đạo chùa Tam Chúc là điện Tam Thế. Nằm ở độ cao 45m so với mực nước biển, ngôi điện có 3 tầng mái cong, được xây theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng của Việt Nam. Đây cũng là tòa đại điện lớn nhất, đủ chỗ cho 5.000 Phật tử hành lễ cùng lúc

Trên các bức tường của điện Tam Thế là những bức phù điêu về cõi Niết Bàn - chốn bồng lai tiên cảnh

Chùa Tam Chúc thờ các vị Sư Tổ Đạt Ma, thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Khuông Việt, hòa thượng Thích Thanh Tứ, thiền sư Đỗ Pháp Thuận… là các vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam.

Trước cửa điện Tam Thế trồng cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề 2.125 năm tuổi, báu vật của đất nước Sri Lanka, do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka trao tặng

Nơi cao nhất mà bất cứ Phật tử nào cũng muốn chinh phục khi tới chùa Tam Chúc, đó là chùa Ngọc (Đàn Tế Trời) nằm trên đỉnh núi Thất Tinh. Đoạn đầu tiên của đường lên chùa Ngọc là con đường dốc được trải gờ cao su để hỗ trợ du khách di chuyển dễ dàng hơn

Lối lên chùa Ngọc là con đường đá leo núi, xuyên qua rừng

Gần 300 bậc thang lên chùa nhưng với độ dốc cao, du khách cần chuẩn bị sẵn sàng đôi chân thật khỏe. Trên đường đi, bạn có thể dừng nghỉ mệt bất cứ lúc nào và tận hưởng không khí trong lành, mát rượi giữa rừng cây còn nguyên sơ

Chùa Ngọc nằm ở độ cao 200m so với mực nước biển. Ngôi chùa cao 15m, được xây dựng bằng 2.000 tấn đá khối granite đỏ xếp liền nhau mà không cần xi măng hay keo dính. Toàn bộ đá xây dựng được chế tác tại Ấn Độ và vận chuyển sang lắp đặt theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam

Sẽ không hề lãng phí công sức leo núi bởi từ chùa Ngọc, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh núi non Tam Chúc hiện ra trước mắt, đẹp như một bức tranh phong thủy hữu tình

Đứng từ chùa Ngọc, du khách có thể bao quát toàn bộ khung cảnh chùa Tam Chúc

Năm 2019, chùa Tam Chúc được chọn làm nơi tổ chức Lễ Phật Đản Vesak của Liên Hiệp Quốc, với sự tham gia của hàng ngàn các vị chức sắc, tín đồ Phật giáo và các nhà nghiên cứu. Sự kiện này góp phần đưa hình ảnh chùa Tam Chúc đến gần với du khách trong và ngoài nước hơn

H.Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.