'Bán chưa kịp trả tiền thừa khách đã chạy, đâu kịp hỏi tên và số điện thoại'

Nguyên Nga
Nguyên Nga
27/06/2021 20:45 GMT+7

Đó là câu trả lời của nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM sau khi đọc công văn hỏa tốc tăng cường “siết” hoạt động mua bán tại chợ truyền thống để phòng chống dịch Covid-19 của Sở Công thương TP.HCM ngày 26.6.

Sáng 27.6, ghi nhận của Thanh Niên, đa số các chợ truyền thống đều phân luồng “lối vào”, “lối ra” rất chặt chẽ, đúng tinh thần “phân luồng một chiều”, giảm người vào chợ do Sở Công thương chỉ đạo. Tuy nhiên, nội dung yêu cầu triển khai tiểu thương ghi nhật ký bán hàng, với đầy đủ thông tin họ tên, số điện thoại liên lạc của khách hàng, thời điểm giao dịch… để phục vụ việc truy vết, cách ly khi cần của Sở Công thương là khó có thể thực hiện được.
Chị An, bán hàng rau quả tại chợ nhỏ đường Nghĩa Phát (Q.Tân Bình) nói sau 2 lớp khẩu trang và lớp mặt nạ nhựa chống giọt bắn: “Cả người mua và người bán đứng cách khoảng, mua vội, bán vội. Đa số chạy xe dừng mua đi ngay, ai đứng lại trả lời cho mình tên và số điện thoại. Sáng nay tôi thử hỏi 2 người, khách còn bảo “bà khùng hả?”, bán nhanh cho tui về”. 

Cận cảnh "phiếu đi chợ" ở TP.HCM ngày giãn cách xã hội chống Covid-19

Trao đổi với chúng tôi, một số quận cho hay, có nắm thông tin triển khai tiểu thương ghi nhật ký bán hàng, nhưng tình hình mua bán thế này họ chưa thể thực hiện được.
Thực tế tại một số chợ dân sinh khu vực quận 11, Tân Bình cho thấy, tiểu thương chưa thể hay nói đúng hơn là không thể lấy thông tin mỗi khách hàng như mong muốn của cơ quan quản lý. Đổi lại, những chợ có đặt bàn khai báo y tế, hy vọng dữ liệu người đi chợ sẽ có. Tuy nhiên, với khách chạy xe ngang vào chợ để mua vội thì không thể có dữ liệu để cơ quan quản lý có thể dùng khi truy vết, cách ly theo công văn 3247 ngày 26.6 của Sở Công thương TP.HCM.

Chợ phường 11 (chợ Bà Hoa, Q.Tân Bình) tại khu vực Bảy Hiền, có nhiều lối vào chợ, sáng 27.6, phường phân 2 lối theo hướng dẫn vào và ra, lối vào có đặt bàn khai báo y tế. Các lối phụ đều được chắn rào thép gai và có lực lượng chức năng canh giữ

 

Do quản lý bằng lối ra, lối vào một chiều nên nhiều người chọn giải pháp chạy xe thẳng vào chợ, dừng mua và đi luôn

Bên trong một số nhà lồng chợ khu vực Q.Tân Bình vắng khách, nhiều quầy sạp không có bán hàng, thậm chí có nơi khách chạy xe cả trong đường lồng chợ để "mua nhanh, về nhanh"

Khu vực giăng dây vào chợ phong tỏa, nhiều người "tiếp tế" thực phẩm cho người nhà bằng cách cột dây kéo lên

Việc cấm bán hàng ở lề đường tại TP.HCM đã được triển khai nhiều ngày qua. Tuy nhiên, đặc điểm của các chợ dân sinh tại thành phố là các tuyến đường dẫn và chợ luôn có cảnh mua bán đông đúc. Nay có giây giăng trước cửa và người mua - người bán đứng cách nhau... mỗi sợi dây. Quy định siết cách nhau 1,5 m của Sở Công thương rất khó thực hiện tại các chợ dân sinh kiểu này

Hoặc việc mua bán được thực hiện qua rào chắn thép gai tại chợ Bà Hoa, chợ Ông Địa (Q.Tân Bình), tiền không giao trực tiếp, bỏ trên tấm ván...

Khu vực này là nơi giữ xe trước chợ Tân Bình, ngày thường không có dịch thì xe dựng kín, không có lối để đi bộ

Tại chợ Tân Bình, khu chợ lớn chuyên mua bán nhiều mặt hàng không thiết yếu mà theo công văn của 3247 của Sở Công thương ngày 26.6 là phải tạm ngưng kinh doanh, cảnh đìu hiu. Tuy nhiên, đằng sau có khu vực bán thực bán hàng thực phẩm tươi sống và cũng được phân luồng lối vào - lối ra. Tuy nhiên, quan sát thấy người vào chợ rất ít. Cổng sau chợ có đội ngũ giao hàng của dịch vụ Grab chờ lấy hàng đi giao, chủ yếu hàng rau, củ, quả, thịt, cá...

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.