Bàn chân nổi đốm lạ: Làm sao để nhận diện sớm dấu hiệu ung thư?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
23/06/2023 00:08 GMT+7

Để bảo vệ da trước tác hại của ánh nắng mặt trời, chúng ta thường thoa kem chống nắng, mặc áo tay dài, quần dài, mang khẩu trang và đội nón khi đi ra nắng.

Thế nhưng, bàn chân là một trong những vị trí trên cơ thể dễ bị bỏ qua nhất vì mọi người thường chỉ mang dép hoặc giày sandal khi đi nắng. Trên thực tế, ung thư da vẫn có thể xuất hiện ở bàn chân.

Tiếp xúc nhiều với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư da. Ung thư da ban đầu có thể xuất hiện dưới hình dạng một đốm lạ hoặc vết sẫm màu giống nốt ruồi trên da, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Bàn chân nổi đốm lạ: làm sao để nhận diện sớm dấu hiệu ung thư ? - Ảnh 1.

Khi kiểm tra ung thư da ở bàn chân thì cần quan sát không chỉ mu bàn chân mà còn cả lòng bàn chân, kẽ ngón chân và móng chân

SHUTTERSTOCK

Hiệp hội Da liễu Mỹ cho biết các nốt ung thư da ở bàn chân có thể dễ dàng bị bỏ qua. Để phát hiện sớm, mọi người không chỉ cần kiểm tra phần da ở mu bàn chân mà còn cả ở lòng bàn chân và giữa các ngón chân.

Dù vết ung thư da thường có màu đen hoặc nâu nhưng ở bàn chân chúng còn có thêm màu hồng và đỏ. Ung thư da cũng có thể xuất hiện dưới dạng một đường thẳng đứng màu nâu hoặc đen bên dưới móng chân.

Đôi khi, tế bào ung thư ở bàn chân cũng có thể hình thành nếu tổn thương xảy ra lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Do đó, bất kỳ cục u, vết loét hoặc tổn thương nào phát triển nhanh bất thường bên cạnh vết thương kéo dài đó đều có thể là ung thư. Chúng sẽ chảy máu, rỉ dịch, gây ngứa hoặc đau mà các loại thuốc không thường đều không có tác dụng.

Bàn chân nổi đốm lạ: Làm sao để nhận diện sớm dấu hiệu ung thư? - Ảnh 2.

Ung thư da ở bàn chân còn có thể hình thành do nhiễm virus, tiếp xúc hóa chất, viêm mạn tính và tiền sử gia đình

SHUTTERSTOCK

Hầu hết các loại ung thư da khi xuất hiện đều có màu sắc khác thường với màu da. Tuy nhiên, u ác tính amelanotic lại thường có màu của da. Loại ung thư hiếm gặp này thường bị nhầm lẫn với ung thư biểu mô, sẹo hay nốt ruồi thông thường. Đây là loại ung thư tăng triển, tiến triển nhanh và dễ lan ra các mô xung quanh.

Hiệp hội Y khoa Nhi khoa Mỹ lưu ý ung thư da ở các bộ phận khác trên cơ thể thường là do tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng quá nhiều. Nhưng ung thư da ở bàn chân còn có thể hình thành do nhiễm virus, tiếp xúc hóa chất, viêm mạn tính và tiền sử gia đình.

Khi phát hiện dấu vết lạ nghi ngờ là ung thư da trên bàn chân, bác sĩ sẽ hỏi về thời điểm chúng xuất hiện, những thay đổi về kích thước và màu sắc. 

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra hạch bạch huyết ở bụng, sinh thiết để xác định xem liệu có phải là ung thư hay không. Phát hiện sớm ung thư da ở bàn chân sẽ giúp tăng đáng kể khả năng sống sót của bệnh nhân, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.