Xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở Đức Trọng

30/04/2021 08:00 GMT+7

“Sai thì đương nhiên phải xử lý, nhưng làm sao để không xảy ra vi phạm, không phải cưỡng chế mới là quan trọng”, ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng chia sẻ về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Kiên quyết xử lý “làng biệt thự”

Cuối năm 2020, báo chí rầm rộ phản ánh về “làng biệt thự” xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp ở tiểu khu 268, dưới chân núi Voi (xã Hiệp An, H.Đức Trọng, Lâm Đồng). Sau đó, cơ quan chức năng H.Đức Trọng nhanh chóng vào cuộc xác minh phát hiện hàng chục căn nhà xây dựng trái phép, vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) ở đây và hiện đang trong quá trình xử lý.
Theo ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, năm 1992, tỉnh Lâm Đồng giao diện tích 350 ha ở tiểu khu nói trên cho ông Nguyễn Đức Phúc triển khai thực hiện khu du lịch sinh thái Phương Nam và quản lý bảo vệ rừng. “Tháng 12.1998 Công ty Phương Nam triển khai thực hiện dự án định canh cho làng Đarahoa, được UBND tỉnh phê duyệt năm 1999. Đến cuối năm 2020 phát sinh việc xây dựng trái phép ở trên khu vực này. Trước hết, trách nhiệm là của chủ rừng (Công ty Phương Nam), sau đó là UBND các cấp. Tuy nhiên cũng có trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi và lập hồ sơ xử lý đối với các trường hợp vi phạm chưa kiên quyết ngay từ đầu để dẫn đến tình trạng xây dựng ồ ạt và phải thực hiện cưỡng chế”, ông Hoàng cho hay.
“Chúng tôi sẽ xử lý vi phạm dứt điểm theo đúng quy định. Đối với những trường hợp xây dựng mới các công trình sẽ kiên quyết tháo dỡ trong tháng 5 này. Đối với công trình của các hộ đồng bào dân tộc gốc Tây nguyên làm trên khu vực này (dự án này có triển khai thực hiện việc tái định canh trước đây) sẽ rà soát lại điều kiện của các hộ để bố trí và di dời các hộ trở về. Thực tế trên khu vực này chúng tôi cưỡng chế đối với 3 công trình, còn lại những trường hợp khác, chủ nhân tự nhận thấy sai nên tự nguyện tháo dỡ. Đây là một trong những vấn đề thành công rất lớn mà địa phương chúng tôi triển khai tổ chức thực hiện trong thời gian qua. Thời gian tới chủ rừng và các cơ quan chức năng, chính quyền xã cần có sự phối hợp để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng kéo dài gây khó khăn trong quá trình xử lý”, ông Hoàng nói.
Công trình vi phạm TTXD đương nhiên sẽ bị tháo dỡ, nhưng làm sao không để xảy ra vi phạm mới là vấn đề quan trọng

Công trình vi phạm TTXD đương nhiên sẽ bị tháo dỡ, nhưng làm sao không để xảy ra vi phạm mới là vấn đề quan trọng

Đẩy mạnh và đổi mới tuyên truyền quản lý TTXD

Ngoài quản lý, xử lý vi phạm trên đất lâm nghiệp, công tác quản lý TTXD đô thị cũng được H.Đức Trọng hết sức quan tâm. Theo ông Hoàng, năm 2020 có 348 trường hợp được cấp phép xây dựng, quý 1/2021 là 120 trường hợp; tuy nhiên qua kiểm tra, năm 2020 phát hiện 27 trường hợp xây dựng không phép và quý 1.2021 là 5 trường hợp. Với những vi phạm TTXD thì việc giải tỏa là phải làm, nhưng quan trọng là làm sao để công trình đó không xảy ra vi phạm để đến mức phải cưỡng chế. Trên tinh thần đó, thời gian qua địa phương cũng đã chủ động triển khai thực hiện, những công trình phát hiện đều có lập hồ sơ và xử lý ngay từ đầu.
“Thời gian tới cần tập trung đầy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện đúng các quy định của nhà nước liên quan đến TTXD. Tiếp đến là hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn. Thực hiện nghiêm công tác quy hoạch sẽ là tiền đề, là cơ sở pháp lý để chúng tôi thực hiện quản lý nhà nước về TTXD tại địa phương. Ngoài ra cần xác định công tác quản lý TTXD là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị để có các bước quán triệt, tuyên truyền vận động triển khai tổ chức thực hiện theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra tại cơ sở để có những phát hiện và chỉ đạo xử lý ngay từ đầu. Đồng thời sẽ có khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm”, ông Hoàng cho biết giải pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.