Văn hóa thổ cẩm - tinh hoa hội tụ

17/01/2019 16:23 GMT+7

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề 'Văn hóa thổ cẩm - tinh hoa hội tụ' vừa được Bộ VH-TT-DL phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức tại TX.Gia Nghĩa (Đắk Nông).

Lễ hội là sự kiện nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị thổ cẩm, một di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc VN; đồng thời chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Đắk Nông (2004 - 2019).

Mỗi tấm thổ cẩm là câu chuyện lịch sử, văn hóa

Diễn ra từ ngày 14 - 16.1, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất quy tụ hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng đến từ gần 20 tỉnh, thành. Lễ hội có nhiều hoạt động đáng chú ý như: triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm, không gian văn hóa ẩm thực, trình diễn thời trang thổ cẩm, hội thảo văn hóa thổ cẩm, lễ hội đường phố, phục dựng nghi lễ truyền thống…
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thổ cẩm được sáng tạo từ ngàn xưa do bàn tay khối óc của con người, được lưu giữ, trao truyền từ đời này sang đời khác. Những tấm thổ cẩm với họa tiết, màu sắc mang trong nó ngôn ngữ, thông điệp riêng, thể hiện bản sắc văn hóa, nét thẩm mỹ của từng dân tộc.
Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành cần tích hợp khía cạnh văn hóa trong sản phẩm thổ cẩm gắn với từng vùng miền, từng cộng đồng, vào chiến lược phát triển du lịch. Đặc biệt là các mô hình du lịch văn hóa du lịch cộng đồng, trải nghiệm từ miền núi Tây Bắc, Đông Bắc đến Tây nguyên… “Hãy để mỗi tấm thổ cẩm dệt ra đều hàm chứa những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, về bản sắc các văn hóa, phản ánh niềm tin và các giá trị thẩm mỹ đã làm nên sự đa dạng về văn hóa của 54 dân tộc anh em chúng ta…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Không gian Văn hóa thổ cẩm Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam
Thủ tướng mong muốn: “Làm sao từ nay về sau, trong những quà tặng của Thủ tướng đối với các nhà lãnh đạo quốc tế trong những chuyến công du có sản phẩm thổ cẩm của đồng bào ta, trong đó có đồng bào Đắk Nông, làm ra”.

Tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị thổ cẩm

Tại lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Công thương, Bộ VH-TT-DL, ngành thời trang, dệt may, hàng tiêu dùng cần hợp tác với các địa phương có thế mạnh về thổ cẩm, các doanh nghiệp có liên quan… cùng nghiên cứu cách tiếp cận, đưa chất liệu thổ cẩm vào các quy trình sản xuất những sản phẩm cao cấp như áo, quần, túi xách, các đồ thời trang khác. Cùng với đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu các cơ chế chính sách nhằm bảo tồn những giá trị thổ cẩm truyền thống đích thực, kiên quyết không chấp nhận sự lai căng, những biểu hiện làm giả trong sản xuất kinh doanh thổ cẩm, quyết không để vàng thau lẫn lộn, làm hư hại đến sinh kế, niềm tin của những người làm ra sản phẩm thổ cẩm đích thực, chân chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mọi người cùng chung tay để đưa thổ cẩm Việt Nam đến với người dân rộng rãi hơn nữa, tiếp cận du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, đưa hình ảnh thổ cẩm Việt Nam ra thế giới, gửi gắm trong mỗi tấm thổ cẩm là một sứ giả văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam…
Nghệ nhân miệt mài dệt thổ cẩm
Nghệ nhân miệt mài dệt thổ cẩm
Đắk Nông vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Đắk Nông là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, xứ sở của những thiên sử đậm chất huyền thoại, là nơi giao thoa, hội tụ những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, kết tinh vẻ đẹp hồn hậu của đất và người Đắk Nông chính là những phép màu quyến rũ của thổ cẩm đồng bào các dân tộc Tây nguyên.
Bà Hạnh nói: “Nếu như cồng chiêng là bức tranh sôi động, thể hiện tiếng nói của người dân Tây nguyên, là kết tinh của hồn thiêng sông núi, thì thổ cẩm lại là bức tranh tĩnh, chân thực, đa sắc màu được thêu dệt từ những ước vọng về cuộc sống cộng đồng của các dân tộc. Qua bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, tinh hoa của núi rừng đã được thổi hồn thành những tấm thổ cẩm”.
Một số sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số
Cũng theo bà Hạnh, để có những tấm thổ cẩm đẹp là bao nhiêu tâm huyết và cả một quá trình lao động miệt mài, công phu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trước xu thế phát triển và hội nhập mang tính toàn cầu, văn hóa thổ cẩm đã dần bị mai một. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa làng nghề, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc truyền thống các dân tộc. Lễ hội không chỉ là dịp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Đắk Nông nói riêng và hình ảnh Việt Nam nói chung đến với du khách gần xa, mà còn là dịp hội ngộ để các nghệ nhân, các dân tộc thiểu số có cơ hội giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm và thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.