Thúc đẩy kinh tế và kết nối khu vực Tây nguyên - Nam Trung bộ

19/04/2019 07:30 GMT+7

Cảng quốc tế Vĩnh Tân được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong (Bình Thuận).

Đây là cảng biển quốc tế đầu tiên ở Bình Thuận và là một trong những cảng biển được đầu tư bởi tư nhân, có vai trò thúc đẩy kinh tế tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, giúp đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, tăng khả năng kết nối giữa các vùng Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.
Cổng Cảng quốc tế Vĩnh Tân
Cổng Cảng quốc tế Vĩnh Tân
Cảng quốc tế Vĩnh Tân nằm ngay sát tuyến quốc lộ 1, cách TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) chỉ 35 km và Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh khoảng 90 km, cách Mũi Né - Phan Thiết khoảng 85 km. Từ Cảng quốc tế Vĩnh Tân đến Đà Lạt chỉ 137 km.
Hệ thống cẩu sử dụng công nghệ điện biến tần hiện đại tại cảng
Hệ thống cẩu sử dụng công nghệ điện biến tần hiện đại tại cảng

Sự hình thành tất yếu

Tuy Phong là miền đất đầy nắng và gió của Bình Thuận. Đây là vùng đất khô hạn, thiếu nước quanh năm, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của người dân. Chính phủ đã quy hoạch và xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực. Ông Thiên Thanh Sơn, Giám đốc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, cho biết: “Cảng quốc tế Vĩnh Tân đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện để Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vận chuyển tro xỉ đi tiêu thụ bằng đường biển. Do nằm sát nhà máy chúng tôi, nên giá thành sẽ giảm rất nhiều”, ông Sơn nói.
Cổng vào trong khu vực cảng
Cổng vào trong khu vực cảng
Mặt khác, nơi đây giáp ranh với các tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng vốn là những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Hiện nay, Ninh Thuận chưa có cảng biển, trong khi khối lượng hàng hóa xuất khẩu từ Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên rất lớn. Đối với các dự án điện gió và điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận (lớn nhất cả nước), việc vận chuyển các cấu kiện, thiết bị cho công trình từ các cảng của TP.HCM ra khu vực này bằng đường bộ rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì vậy, việc trung chuyển hàng hóa nhập bằng đường biển thông qua Cảng quốc tế Vĩnh Tân tới các khu vực trên sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Tại khu vực dịch vụ khách hàng
Tại khu vực dịch vụ khách hàng
Tháng 6.2014, Bộ GT-VT phê duyệt đưa Cảng quốc tế Vĩnh Tân vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4 (Nhóm cảng biển Nam Trung bộ). Đây là nhóm cảng có nhiệm vụ làm đầu mối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển của các địa phương trong khu vực, tạo kết nối với các cảng cửa ngõ quốc tế và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung bộ và Tây nguyên.

Góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp

Phối cảnh Cảng quốc tế Vĩnh Tân
Phối cảnh Cảng quốc tế Vĩnh Tân
Với thiết kế tổng chiều dài cầu cảng khoảng 500 m, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải tới 50.000 DWT (giai đoạn tương lai có bến cho tàu 70.000 DWT cập cảng), Cảng quốc tế Vĩnh Tân có khả năng tiếp nhận các tàu quốc tế đến từ các nước trong khu vực như Singapore, Nhật bản, Philippines, Thái Lan và thế giới cập cảng một cách an toàn. Trong bối cảnh mà các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực Logicstic đang tìm mọi biện pháp giảm chi phí vận tải để cạnh tranh và giảm giá thành hàng hóa, Cảng quốc tế Vĩnh Tân sẽ là lựa chọn tối ưu cho các DN có hoạt động sản xuất tại các Khu công nghiệp của Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây nguyên, Nam Trung bộ nói chung.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng
Ông Phan Lê Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vĩnh Tân, nói: “Hiện nay rau quả, chè, cafe, lâm sản của Lâm Đồng và các tỉnh Đắk Lắk, Đắc Nông đang xuất sang Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc rất nhiều. Trái thanh long của Bình Thuận và đặc biệt là hải sản xuất khẩu của Bình Thuận và Ninh Thuận vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ vào các cảng phía nam, vốn phát sinh rủi ro, chi phí khá cao cho DN. Chúng tôi hy vọng việc xuất hàng container từ Cảng quốc tế Vĩnh Tân sẽ rút ngắn về thời gian, cắt giảm chi phí cho DN rất nhiều”.
Theo Giám đốc Sở GT-VT Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải, Bình Thuận có lợi thế chiều dài bờ biển tới 192 km. Tuy nhiên, từ trước đến nay không có cảng biển, tạo ra điểm “nghẽn”, dẫn tới không khai thác hết tiềm năng về giao thông. Do vậy, sự hình thành Cảng quốc tế Vĩnh Tân không chỉ tạo động lực cho kinh tế Bình Thuận phát triển mà còn góp phần kết nối vùng, đem lại tăng trưởng cho nền kinh tế.
“Cảng quốc tế Vĩnh Tân được xây dựng với vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng, trên diện tích hơn 140 ha. Trước khi xây dựng, chúng tôi đã nghiên cứu, khảo sát một số cảng trong nước và quốc tế để vận dụng các biện pháp thi công và công nghệ khai thác hiện đại nhất. Với hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đầy đủ và đồng bộ, cùng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, chúng tôi cam kết sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các DN. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu hợp tác với MLO (Main Line Operator) nước ngoài để thành lập tuyến Feeder Container nối giữa Cảng quốc tế Vĩnh Tân với Cảng Hồng Kông hoặc Kaohsiung/Đài Loan hoặc Singapore. Sau đó chuyển tiếp container sang các tàu mẹ nước ngoài. Trong các phương án này, chúng tôi sẽ ưu tiên phát triển hàng container lạnh, chính vì vậy cảng đã xây dựng bãi chứa container và lắp đặt sẵn các ổ điện sử dụng cho container lạnh"
Ông Phan Lê Hoàng
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vĩnh Tân
Ngày 20.4, Cảng quốc tế Vĩnh Tân chính thức khánh thành với công suất khai thác lên tới 8 triệu tấn hàng hóa thông quan/năm. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước đột phá trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. Sự ra đời của Cảng quốc tế Vĩnh Tân không chỉ góp phần thúc đẩy, huy động các nguồn lực phát triển, giúp giảm chi phí đầu tư, chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Bình Thuận mà còn có ý nghĩa trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên nói chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.