Thu hút mọi nguồn lực để Đại Lộc phát triển bền vững

30/07/2020 08:00 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên về sự chuyển mình, phát triển ngày một bền vững của huyện Đại Lộc thời gian qua, ông Nguyễn Công Thanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, cho biết:

5 năm qua (2015 - 2020), dưới sự chỉ đạo, định hướng của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành; với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Ban thường vụ, BCH Đảng bộ huyện Đại Lộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Tất cả đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 21.
ông Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc

Ông Nguyễn Công Thanh, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc

Kinh tế huyện Đại Lộc tiếp tục tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,03%/ năm. Cơ cấu kinh tế tăng mạnh tỷ trọng ngành CN-TTCN và TM-DV, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; tập trung xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, hình thành các vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển đô thị Ái Nghĩa đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Toàn huyện có 13/17 xã đạt chuẩn NTM (1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn). Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, trong đó chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên rõ rệt; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững. Quốc phòng - An ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững ổn định. Công tác vận động quần chúng ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để có được những kết quả nổi bật trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban thường vụ, BCH Đảng bộ huyện Đại Lộc đã ban hành các nghị quyết chuyên đề; đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế gắn với giảm thiểu tác động môi trường; chỉ đạo quyết liệt giải quyết có hiệu quả về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu cho người dân; vấn đề giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng, tài nguyên, khoáng sản. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, như: giáo dục, giao thông, thủy lợi, thương mại, công nghiệp ngày một hoàn thiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
Đại Lộc chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính theo hướng phục vụ nhân dân như thế nào, thưa ông?
Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 15.4.2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 3.489 tỉ đồng... Nhờ đó, hạ tầng được đầu tư phát triển khá đồng bộ và toàn diện, tạo ra bước đột phá quan trọng, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, huyện Đại Lộc hết sức coi trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp (DN) phát triển. Công khai hóa các quy trình và rút ngắn thời gian làm thủ tục cho thuê đất, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN. Đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, kết nối với các tổ chức tín dụng, hỗ trợ xúc tiến thương mại giúp cho các DN mở rộng thị trường tiêu thụ… Đồng thời, tạo môi trường đầu tư minh bạch, đồng hành cùng với nhà đầu tư từng bước hình thành ý tưởng, khởi sự và xây dựng dự án. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển biến nhận thức và tạo hình ảnh mới về phong cách phục vụ DN. Với phương châm “DN phát tài, Đại Lộc phát triển”, huyện đã nỗ lực và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tạo được cảm tình, sự tin tưởng để DN yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Đại Lộc.
Ban thường vụ, BCH Đảng bộ huyện Đại Lộc cũng đã xác định cần phải đổi mới tư duy trong chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính (CCHC), xây dựng nền hành chính Nhà nước từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, người dân và DN; xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp cao, vì nhân dân phục vụ. Người đứng đầu cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải đi trước tiên phong, làm gương cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành công việc hành chính Nhà nước. Định kỳ hoặc đột xuất, HĐND, UBND, Mặt trận, đoàn thể và các ngành chức năng của huyện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính ở các cơ quan, đơn vị, địa phương... Qua đó, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình sai phạm; những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, cơ quan Nhà nước.
Phát triển kinh tế gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng được huyện Đại Lộc triển khai như thế nào, thưa ông?
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, yêu cầu quan trọng đặt ra là phải kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Điều đó được thể hiện cụ thể qua việc Ban thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tổ chức sâu rộng, có hiệu quả phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chi trả trợ cấp các đối tượng đúng quy định; đầu tư, nâng cấp 17 nghĩa trang liệt sĩ. Cấp 132.345 thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo và hộ đối tượng BTXH; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95,3%. 5 năm qua, toàn huyện có 7.500 lao động được giải quyết việc làm mới, đạt 100% theo chỉ tiêu nghị quyết đưa ra. Có 8.358 lượt hộ nghèo được tiếp cận vốn vay ưu đãi với hơn 217,6 tỉ đồng phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập. Thực hiện trợ cấp xã hội tại cộng đồng cho 12.282 đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH, với kinh phí thực hiện 279 tỉ đồng. Nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 8,39% (cuối năm 2015 là 3.394 hộ) xuống còn 2,75% (cuối năm 2020, giảm còn 1.140 hộ nghèo), góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Một số chỉ tiêu chủ yếu và 3 khâu đột phá (nhiệm kỳ 2020 - 2025)
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12-13%/ năm (giá so sánh 2010). Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: CN - TTCN - xây dựng khoảng 64%; các ngành dịch vụ khoảng 28,5%; nông - lâm nghiệp - thủy sản khoảng 7,5% (giá so sánh 2010). Huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo (trừ các đối tượng BTXH), 97% người dân tham gia BHYT… Đến năm 2025: 100% các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và THCS đạt chuẩn; 60% học sinh THCS được học 2 buổi/ ngày. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch trên 90% (hợp vệ sinh đạt 100%); tỷ lệ hộ dân đô thị được cung cấp nước sạch trên 95%.
Phấn đấu mỗi năm kết nạp từ 80 đảng viên mới trở lên. Phấn đấu hằng năm có từ 80% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức cơ sở Đảng không hoàn thành nhiệm vụ. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm từ 80% trở lên. 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn vững mạnh về quốc phòng - an ninh…
Ba khâu đột phá: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển chuỗi đô thị, TT.Ái Nghĩa đạt đô thị loại 4, thu hút đầu tư các cụm công nghiệp dọc QL14B; Phát huy tiềm năng và lợi thế, đầu tư phát triển TM-DV và du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Thực hiện đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm, huy động tối đa các nguồn lực xóa sạch nhà tạm gia đình chính sách và các đối tượng xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo (trừ các đối tượng BTXH).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.