Thu hút đầu tư: Gỡ khó cho logistics

30/07/2020 08:30 GMT+7

Nhiều đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19 vừa tiếp tục đưa ra bàn thảo tại TP.Đà Nẵng, trong đó có đề cập lĩnh vực logistics.

Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) và kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức ngày 17.7 tại TP.Đà Nẵng, thời điểm DN đang có dấu hiệu hồi phục sau đợt dịch Covid-19 trước và chỉ ít ngày sau đã tái bùng phát đợt dịch mới. Nhiều vấn đề về hỗ trợ mạnh mẽ đối với DN, nhất là đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, được đặt ra.

Ổn định sản xuất, duy trì nguồn hàng

Có ý kiến chuyên gia cho rằng, luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Nghị định 10 mới có hiệu lực từ tháng 7.2020 hiện đại hóa quản trị ngành vận tải, DN bắt buộc lắp GPS, gắn camera cùng nhiều yêu cầu khác… đã làm tăng chi phí đối với DN. Chưa kể, đại dịch Covid-19 khiến phải đóng cửa nhiều nhà máy, giảm hàng hóa lưu thông, 15-20% DN logistics giảm nguồn thu hàng hóa xuất nhập khẩu từ các nước. Do đó, DN trước mắt tự nỗ lực, có chiến lược phát triển bền vững; tăng thuê ngoài để có lao động chuyên môn, giảm phí vận hành nhưng vẫn có kinh nghiệm quản lý, giảm rủi ro; quản lý chặt chi phí, kết nối doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng thị phần thay thế thị trường ngách, không phụ thuộc thị trường truyền thống; đa dạng hóa dịch vụ; áp dụng quản lý 4.0.
Ông Tô Văn Hiệp - Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hiệp hội vận tải ô tô VN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, Tổng giám đốc Công ty CP kho vận Liên Chiểu Xanh - đánh giá DN logistics VN đang gặp thách thức khi chi phí kho vận cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chưa kể lại yếu liên kết, kém nhân lực. Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy logistics nhưng thực tế nhiều bất cập về hải quan, như thời gian thông quan chậm, chi phí không chính thức còn rất cao, cán bộ hải quan ngoài cuộc với các biện pháp linh động giải phóng hàng nhanh ở biên giới, cảng biển…

Vậy với DN của TP.Đà Nẵng, làm gì để gỡ khó?

Trao đổi thêm với PV Thanh Niên chiều qua 29.7, ông Tô Văn Hiệp cho rằng TP.Đà Nẵng với đặc thù DN nhỏ và vừa đa số thì càng gặp thiệt hại nặng nề trong bối cảnh hiện nay, do DN chỉ thuần vận tải, chỉ là một trong nhiều mảng của logistics, nên xoay chuyển hoạt động để cầm cự khó khăn, khi thiếu hàng thì dừng xe, trong khi định phí như bảo trì đường bộ, bảo hiểm, kiểm định vẫn phải chi trả, chịu áp lực lãi vay. “Do đó, ngoài các vấn đề khó khăn riêng lẻ của từng DN, thì DN nói chung cần TP.Đà Nẵng và Chính phủ giữ thông suốt vận tải hàng hóa bằng cách giữ ổn định cho DN sản xuất, có duy trì nguồn hàng thì DN vận tải mới sống được, đồng thời giãn lãi vay, thuế, phí bảo trì đường bộ…”, ông nói.
Đây cũng là câu chuyện mà ông Hiệp cũng từng đặt ra tại hội nghị đồng hành cùng DN trước đó. “Trong bối cảnh dịch Covid-19, tôi đề nghị Chính phủ giảm 50% thuế thu nhập DN 2020, giãn, giảm các loại bảo hiểm với DN bị ảnh hưởng, giảm phí kiểm định, phí bảo trì đường bộ nhằm giảm gánh nặng lỗ”, ông nói thêm.
Doanh nghiệp lĩnh vực khác cần hỗ trợ gì?
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM
“Dịch Covid-19 khiến việc thực hiện Nghị quyết 02 Chính phủ (có nội dung trọng tâm cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, cải cách điều kiện kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu và gỡ khó cho DN…) chững lại. Hiện có 12 bộ ngành kết nối 198 thủ tục hành chính qua cơ chế 1 cửa quốc gia nhưng thực tế chưa thật hiệu quả. Hỗ trợ chủ yếu là gia hạn thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm, phí công đoàn… Do đó, cần coi trọng cải cách thực chất, đơn giản hóa, minh bạch quy định, thủ tục là yêu cầu cần thiết để thu hút đầu tư”.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM
“Thời gian qua Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp, chính sách như đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và các hoạt động quản lý chuyên ngành, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và kết hợp các giải pháp cắt giảm chi phí cho DN. Nhờ đó, điểm số môi trường kinh doanh của VN liên tục cải thiện, nhưng từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn nhiều khoảng trống, nên đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ”.
Ông Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội TP.Cần Thơ
“Trong bối cảnh Covid-19, các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác. Hình thành các sàn giao dịch trực tuyến bất động sản, hàng hóa, công nghệ, giao dịch xuyên biên giới… để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh thông qua minh bạch thông tin đầu vào, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan và dần thay đổi nhận thức người dân, DN theo hướng đảm bảo lợi ích cung cầu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.