Thu hút đầu tư: Gia tăng ‘tiện ích’ cho thành phố thông minh

09/07/2020 08:00 GMT+7

Trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh, Đà Nẵng tập trung 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên để gia tăng các tiện ích.

 Các đề án này gồm: Quản trị thông minh (Trung tâm giám sát điều hành, dịch vụ công, dữ liệu mở), Kinh tế thông minh (du lịch, thương mại, nông nghiệp), Môi trường thông minh (chiếu sáng, quản lý cấp thoát nước, chất thải), Đời sống thông minh (giáo dục, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh công cộng và ứng cứu khẩn cấp, phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn), Công dân thông minh và Giao thông thông minh.
Trong đó, Trung tâm giám sát điều hành thông minh là dự án nhóm B đã được HĐND TP.Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai trong năm 2020, một hợp phần khác của dự án cũng đang được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ không hoàn lại để xây dựng Trung tâm Ensure Đà Nẵng. Các tiện ích Cổng dịch vụ công trực tuyến, Cổng dịch vụ dữ liệu cũng đã hoạt động từ tháng 10.2019 với 1.345 dịch vụ, công khai 240 dữ liệu giáo dục, TN-MT, GTVT, y tế, an toàn thực phẩm.
Trong kinh tế, du lịch thông minh ứng dụng phần mềm Danang Fantasticity, Chatbot trên di động nhằm cung cấp thông tin du lịch, hỗ trợ du khách, quản lý dữ liệu chuyên ngành, hiện UBND TP.Đà Nẵng đang đầu tư dự án hệ thống giám sát du lịch thông minh. Sàn thương mại điện tử danangtrade.com.vn cũng đã ra đời, hiện có 500 doanh nghiệp quảng bá, kinh doanh trực tuyến với gần 900 sản phẩm, dịch vụ.
Trong lĩnh vực quản lý công dân, TP.Đà Nẵng phối hợp các ngân hàng, cổng thanh toán trực tuyến, nghiên cứu ứng dụng My Page hình thành dữ liệu cá nhân điện tử cho người dân. Hệ thống giao thông cũng đang thí điểm tự động đếm lưu lượng xe qua camera để điều khiển đèn tín hiệu giao thông tự động, thí điểm theo vết, lộ trình xe tự động qua biển số…

Doanh nghiệp hưởng ứng

Trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh, Đà Nẵng nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp. Từ ngày 9.7.2016, tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và UBND TP.Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ về xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2016 - 2020. Sở TT-TT cho biết, đến nay Viettel đã phối hợp cùng UBND TP.Đà Nẵng thực hiện các khung kiến trúc về ứng dụng CNTT tổng thể, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch và đã được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt, ban hành tại các quyết định trong giai đoạn 2017-2019.
Viettel tài trợ 10 tỉ đồng xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành giáo dục nhằm liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học tại các trường trong cả thành phố, hình thành cơ sở dữ liệu học sinh từ lớp 1 đến 12 và giáo viên toàn thành phố.
Trong lĩnh vực y tế, Viettel cùng TP.Đà Nẵng hoàn thành xây dựng, cài đặt, đào tạo và hướng dẫn sử dụng phần mềm y tế tại 56 trạm y tế xã phường, hoạt động từ 15.3.2017. Đại diện Viettel chia sẻ, hai đơn vị cũng đã xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện tại Trung tâm y tế Q.Ngũ Hành Sơn (sử dụng từ ngày 1.5.2017) và Trung tâm y tế Q.Liên Chiểu (sử dụng từ ngày 1.6.2017), phần mềm Hồ sơ y tế điện tử và quản lý ID bệnh nhân quy mô toàn TP.Đà Nẵng được sử dụng từ ngày 1.7.2017. Trong lĩnh vực giáo dục, các phần mềm tuyển sinh đầu cấp và phần mềm Cơ sở dữ liệu giáo dục phục vụ toàn thành phố (sử dụng từ tháng 7.2017).
Một doanh nghiệp khác cũng phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng là MobiFone trong xây dựng thành phố thông minh. Từ 2016, MobiFone đã tham gia đề án Đổi mới hoạt động truyền thanh cơ sở với giải pháp truyền thanh IP qua mạng di động MobiFone. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid19, có 20 cụm loa thí điểm ở Q.Sơn Trà và P.An Hải Bắc. P.Nại Hiên Đông đã được cán bộ phường sử dụng tính năng trí tuệ nhân tạo của MobiFone, chuyển đổi văn bản thành giọng nói để kịp thời thông báo các trường hợp cách ly để chống dịch hiệu quả. MobiFone còn tài trợ và giới thiệu về giải pháp camera nhận diện gương mặt, giám sát giao thông.
Theo Sở TT-TT, qua các giai đoạn thử nghiệm và thí điểm, MobiFone đã nhận được các đánh giá tốt ở 20 cụm loa và địa phương mong muốn nhân rộng. Ông Võ Đình Mẫn, Phó giám đốc Công ty dịch vụ MobiFone Khu vực 3, cho biết MobiFone triển khai thiết bị thử nghiệm giải pháp trên hệ thống truyền thanh cơ sở quy mô 10 cụm loa, truyền dẫn và hệ thống phần mềm ở các đài truyền thanh địa phương, tiếp sóng tín hiệu phát thanh từ Đà Nẵng TV đến các quận huyện. “Bên cạnh nâng cao chất lượng truyền thanh truyền thống, hệ thống truyền thanh thông minh còn áp dụng trong du lịch tại bờ biển Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu để hỗ trợ công tác quản lý các bãi tắm, thông báo cho người tham gia giao thông ở các giao lộ”, ông Mẫn nói.
 Đoàn công tác của UBND TP.Đà Nẵng xúc tiến đầu tư tại Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ)

Đoàn công tác của UBND TP.Đà Nẵng xúc tiến đầu tư tại Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ)

NGUYỄN TÚ

Hiện có 28 dự án thuộc đề án thành phố thông minh với tổng kinh phí 324 tỉ đồng, đã thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2019 và triển khai trong năm 2020; trong đó 2 dự án đang triển khai, 24 dự án đang thiết kế, được duyệt chủ trương đầu tư, hoàn thiện báo cáo chủ trương.
Ngoài ra, có 3 dự án từ nguồn vốn vay ODA, vốn doanh nghiệp với tổng kinh phí 279 tỉ đồng.

Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án trị giá 350 tỉ đồng

Ban quản lý Khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất dụng cụ và vật tư y tế, với tổng vốn đầu tư lớn 350 tỉ đồng. Nhà máy sẽ sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng, bao gồm: đĩa đệm cột sống lưng, vít cột sống lưng, thanh nối dọc cột sống lưng, vít khóa trong cột sống lưng... Trong 6 tháng đầu năm 2020, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án, trong đó có 15 dự án đầu tư trong nước (vốn đăng ký 626 tỉ đồng), 1 dự án FDI (60 triệu USD).

Hội chợ EWEC 2020 có quy mô 400 gian hàng

Từ ngày 4 - 9.8 tới, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại TP sẽ tổ chức Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng năm 2020 (EWEC 2020) tại Trung tâm Hội chợ triển lãm với quy mô từ 350 - 400 gian hàng. Các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/ đơn vị; đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã, các tổ chức xúc tiến thương mại VN. Thời hạn đăng ký tham gia đến ngày 20.7. Hội chợ nhằm góp phần thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch và đầu tư giữa các địa phương thuộc các nước nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, trong khu vực ASEAN và các nước đối tác.

Kêu gọi các tập đoàn công nghệ cao đầu tư vào Đà Nẵng

Đoàn công tác của UBND TP.Đà Nẵng vừa với các tập đoàn công nghệ và Phòng Công nghiệp - thương mại Đức tại VN (AHK) hồi giữa cuối tháng 6 để kêu gọi, hỗ trợ kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số. Tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghệ CMC, hai bên đã trao đổi ý tưởng thành lập một Digital Hud tầm khu vực tại TP.Đà Nẵng. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã giao Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP.Đà Nẵng phối hợp Sở TT-TT sớm triển khai hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục để có thể trao chứng nhận nghiên cứu đầu tư tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2020. Ông Marko Walde, Trưởng đại diện AHK, đánh giá TP.Đà Nẵng hội đủ các tiêu chí để AHK ưu tiên giới thiệu cho các nhà đầu tư Đức muốn đầu tư tại VN; đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và dịch vụ chất lượng cao như y tế, giáo dục và logistics…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.