Thông tin cần biết về BHXH, BHYT thay đổi từ ngày 1.1.2018

24/01/2018 08:00 GMT+7

Năm 2018 được đánh dấu là năm có nhiều thay đổi quan trọng trong việc thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) mà người lao động cần biết.

Cụ thể, những thay đổi từ ngày 1.1.2018 như sau:
1. Tăng mức lương tối thiểu vùng
Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành là 3.750.000 đồng/tháng).
Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng so với quy định hiện hành là 3.320.000 đồng/tháng).
Vùng III: 3.090.000 đồng/tháng (tăng 190.000 đồng so với quy định hiện hành là 2.900.000 đồng/tháng).
Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng so với quy định hiện hành là 2.580.000 đồng/tháng).
Tại Đắk Lắk: TP.Buôn Ma Thuột thuộc vùng III; các huyện, thị xã còn lại thuộc vùng IV.
2. Thêm đối tượng bắt buộc tham gia BHXH
Bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Điều này đồng nghĩa với người lao động làm việc bán thời gian hoặc thời vụ mà có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và người lao động nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH.
3. Tăng tiền lương tháng đóng BHXH
Tiền lương tháng đóng BHXH từ ngày 1.1.2018 trở đi bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Khoản tính đóng BHXH:
1. Mức lương
2. Phụ cấp lương
Là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như:
- Phụ cấp chức vụ, chức danh;
- Phụ cấp trách nhiệm;
- Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Phụ cấp thâm niên;
- Phụ cấp khu vực;
- Phụ cấp lưu động;
- Phụ cấp thu hút;
- Các phụ cấp có tính chất tương tự.
Khoản không tính đóng BHXH:
Các khoản chế độ và phúc lợi khác:
- Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động;
- Tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca;
- Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
- Khoản hỗ trợ khi người lao động (NLĐ) có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
4. Kéo dài thời gian tính mức lương hưu hằng tháng
Đối với nam: Mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 16 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2018), 17 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2019), 18 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2020), 19 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2021), 20 năm (nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi) + 2% cho mỗi năm.
Đối với nữ: Mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm (nếu nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi) + 2% cho mỗi năm.
Mức tối đa bằng 75%.
5. Sa thải trái pháp luật đối với NLĐ, cưỡng ép, đe dọa buộc NLĐ phải thôi việc có thể bị phạt đến 3 năm tù
Cụ thể, sa thải trái pháp luật đối với NLĐ, cưỡng ép, đe dọa buộc NLĐ phải thôi việc có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm,.
Nếu sa thải trái pháp luật, cưỡng ép, đe dọa buộc NLĐ phải thôi việc thuộc một trong các trường hợp sau, có thể bị phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với 2 người trở lên; Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
6. Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ có thể bị phạt tù đối với cá nhân, phạt tiền đối với pháp nhân
Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ 6 tháng trở lên, đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 đến 300 triệu đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 NLĐ.
Nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 200 đến dưới 500 triệu đồng;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm: phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định trên.
Nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định trên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 1 đến 3 tỉ đồng.
7. Nhiều điểm mới về thẻ BHYT người tham gia cần biết:
- Thẻ BHYT mới không ghi giá trị sử dụng đến ngày mà chỉ từ ngày. Để biết giá trị sử dụng, người tham gia có thể chủ động tra cứu trên cổng thông tin BHXH Việt Nam theo mã số BHYT ghi trên thẻ, danh sách tại đơn vị quản lý đối tượng. Trường hợp vẫn còn vướng mắc, có thể liên hệ với cơ quan BHXH qua tổng đài 1900699668 để được giải đáp. Đến kỳ hạn đóng tiền, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm thông báo thông tin kịp thời qua các cấp đơn vị để người tham gia tiếp tục đóng bảo hiểm.
- Trường hợp đổi thẻ mới giá trị sử dụng năm 2017 sang năm sau tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH chỉ cấp giá trị sử dụng thẻ trong dữ liệu từ ngày 1.1.2018 và in danh sách cấp thẻ gửi đơn vị quản lý đối tượng để thông tin về giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT. Thẻ đã cấp cho người tham gia năm 2017 vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng.
- Nếu chưa nhận được thẻ mới nhưng có nhu cầu khám chữa bệnh BHYT, người tham gia cần chủ động đến cơ quan BHXH kê khai và lấy thẻ mới. Nếu thẻ cũ còn giá trị sử dụng thì vẫn tiếp tục được khám chữa bệnh BHYT bình thường.
Trường hợp đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia, đối tượng có quyền được hưởng mức BHYT cao nhất và chỉ được cấp 1 thẻ BHYT duy nhất theo đối tượng có thứ tự đầu tiên qui định tại Điều 12, Luật BHYT. Vì vậy, người tham gia cần cung cấp các giấy tờ chứng minh quyền hưởng BHYT cao hơn cho cơ quan BHXH.
- Đối với các cơ sở khám chữa bệnh về BHYT khi tra cứu thông tin về thẻ BHYT của người tham gia trên cổng thông tin giám định về BHYT mà cơ sở dữ liệu không đầy đủ hoặc không đúng thì liên hệ với bộ phận giám định thẻ BHYT của cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT để xác minh, không được phép yêu cầu bệnh nhân, người bệnh quay về đổi thẻ BHYT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.