Khai thác hiệu quả "của để dành"

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
29/03/2021 17:36 GMT+7

Quyết định 359 của Thủ tướng về việc điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã quy hoạch cụ thể về việc sử dụng đất, được rất nhiều người quan tâm trong bối cảnh quỹ đất của TP còn lại rất hạn hẹp.

Hôm nay (29.3), UBND TP.Đà Nẵng tổ chức lễ công bố rộng rãi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc đầu tư, sử dụng đất đúng theo quy hoạch; quản lý và khai thác hiệu quả diện tích đất xây dựng đã quy hoạch. Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm trong bối cảnh quỹ đất của TP còn lại rất hạn hẹp.

“Của để dành” không nhiều

TP.Đà Nẵng có diện tích tự nhiên là 128.488 ha (trong đó huyện đảo Hoàng Sa chiếm tới 30.500 ha). Đất không phát triển được chiếm đến 65,7% đất đai trên lãnh thổ đất liền Đà Nẵng; chỉ có 34,3% diện tích còn lại (tương đương 33.572 ha) có thể phát triển xây dựng.

Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 (phục vụ cho dân số dự kiến là 1,56 triệu người), Đà Nẵng xem xét các dự án đã được phê duyệt và xu hướng phát triển đô thị, dựa trên các dự báo và định vị kinh tế xã hội. Theo đó, tổng diện tích đất của Đà Nẵng tăng lên khoảng 128.896 ha, trong đó 98.237 ha đất liền. Tổng diện tích đất tăng thêm là 407 ha so với tổng diện tích đất hiện tại là 128.488 ha, sự gia tăng này là do khai thác lấn biển ở cảng Liên Chiểu, khu vực Đa Phước dọc theo vịnh Đà Nẵng… Đáng chú ý, chỉ có khoảng 6.527 ha được xác định là đất dành cho phát triển sau năm 2030.

Với những phân tích này, UBND TP.Đà Nẵng sẽ đối mặt với 2 thách thức lớn. Cụ thể, TP có thể cần phải tái phát triển hoặc tăng cường các khu vực đô thị hiện tại để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Sự phát triển TP hiện tại bị phân mảnh, không đồng đều và chưa thúc đẩy sự phát triển đô thị, dẫn đến cơ sở hạ tầng và dịch vụ không được sử dụng hiệu quả. Nguyên nhân là do thiếu quy hoạch, kế hoạch dài hạn để đảm bảo đủ quỹ đất cho sự phát triển trong tương lai; thiếu kiểm soát phát triển và mô hình sử dụng đất rõ ràng để đảm bảo phát triển đô thị một cách hợp lý.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn phải đối mặt với một số hạn chế phát triển quan trọng khác, như: khu vực giá trị chiến lược cao bị ảnh hưởng bởi nghĩa trang Hòa Sơn và bãi rác Khánh Sơn; tĩnh không sân bay hạn chế giá trị các khu đất có giá trị cao xung quanh…

Điều chỉnh địa giới để tạo dư địa

Quyết định 359 của Thủ tướng về việc điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã quy hoạch cụ thể về việc sử dụng đất. Tổng diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 31.836 ha, chiếm hơn 32% diện tích trên đất liền; đất khác (đất nông nghiệp, rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất…) khoảng 66.721 ha; H.Hoàng Sa 30.500 ha. Đà Nẵng định hướng tái phát triển các khu đô thị hiện hữu theo mô hình đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất (trung bình từ 1-7 lần), bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng. TP sẽ kiểm soát hành lang ven biển kết nối các dự án riêng lẻ thành tổng thể chung, ưu tiên công trình, dịch vụ phục vụ cộng đồng...

Đối với khu vực phát triển mới, Đà Nẵng sẽ mở rộng, phát triển mới các khu đô thị, hình thành khu vực có chức năng chuyên biệt, thay đổi cơ cấu, hình thái không gian, phân bố dân cư và mô hình mới của đô thị bao gồm phát triển các khu vực cao tầng. Các khu vực đồi núi sẽ được khai thác để tăng cường, bổ sung không gian xanh, phát triển dịch vụ du lịch hài hòa hình thái không gian cảnh quan, địa hình. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện có được cải tạo, mở rộng. Ngoài ra, còn có định hướng không gian theo 12 phân khu (Thanh Niên đã thông tin)...

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TP.Đà Nẵng cần rà soát quỹ đất để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp; đẩy mạnh giải pháp khơi thông nguồn lực, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ đất đai… Trước đó, HĐND TP.Đà Nẵng cũng đã ban hành nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025), nhấn mạnh cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch chung TP đến năm 2030. Theo nghị quyết này, TP.Đà Nẵng đặt vấn đề nghiên cứu mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới về hướng tây, tây bắc theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh; phát triển khu trung tâm theo hướng mô hình đô thị nén hiện đại… Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính một số quận, phường để tạo dư địa cho phát triển…

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, sau khi điều chỉnh quy hoạch chung, TP sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ lớn, thực hiện đến năm 2022. Cụ thể, TP sẽ cho khảo sát địa hình; lập quy hoạch phân khu đối với 12 phân khu theo đồ án, như: phân khu ven sông Hàn và bờ đông, ven vịnh Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu, sân bay…; điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, tổng kinh phí gần 120 tỉ đồng. Nhiệm vụ tiếp theo là điều chỉnh chương trình phát triển đô thị, lập mô hình quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Công bố nhiều quyết định quan trọng của Chính phủ

Hôm nay (29.3), UBND TP.Đà Nẵng tổ chức công bố nhiều quyết định, nghị định của Chính phủ có vai trò quan trong trong sự phát triển của TP trong thời gian đến, bao gồm: phê duyệt dồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP; nghị định triển khai Nghị quyết số 119 (ngày 19.6.2020) của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP; quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề án xây dựng TP thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.