Quy mô hoạt động EVNGENCO 3 trải dài khắp Việt Nam

24/01/2018 10:19 GMT+7

EVNGENCO 3 là đơn vị phát điện lớn với tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện hơn 6.304 MW đóng góp lớn trong tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống.

Nâng cao tin cậy trong cung ứng điện
EVNGENCO 3 có được mức công suất lớn như vậy là nhờ quy mô hoạt động trải dài khắp cả nước với các đơn vị phát điện hạch toán phụ thuộc như: Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ có công suất 2.540 MW, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty thủy điện Buôn Kuốp có công suất 586 MW tại tỉnh Đắk Lắk, Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân 1.244 MW tại Bình Thuận, Công ty nhiệt điện Mông Dương 1.080 MW tại Quảng Ninh.
Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp
Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp
Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, ban đầu từ một nhà máy vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành 2 tổ máy tuabin khí chu trình đơn với tổng công suất chỉ có 288 MW, sau hơn 20 năm, đơn vị này đã quản lý vận hành 4 cụm nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp với 13 tổ máy phát điện công nghệ hiện đại. Để tăng cường sản lượng điện cho hệ thống điện quốc gia, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã lắp đặt hệ thống nâng công suất cho các tổ máy, nâng tổng công suất các nhà máy lên 2.540 MW. Hiện đơn vị quản lý 4 cụm nhà máy nhiệt điện gồm: Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 có công suất 477 MW, Nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng 468 MW, Nhà máy điện Phú Mỹ 1 có công suất 1.118 MW và Nhà máy điện Phú Mỹ 4 có công suất 477 MW. Vào những ngày cao điểm mùa khô hàng năm, mỗi ngày công ty sản xuất từ 50 - 57 triệu kWh. Đặc biệt, vào lúc 3 giờ 50 phút ngày 15.6.2017, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã phát lên hệ thống điện quốc gia sản lượng điện thứ 250 tỷ kWh, một cột mốc lịch sử của Nhiệt điện Phú Mỹ.
Bên cạnh đó, EVNGENCO 3 còn có 2 công ty con là Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa có công suất 390 MW và Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình 100 MW và 3 công ty liên kết 30% vốn góp như: Công ty CP Thủy điện Thác Bà, tại tỉnh Yên Bái có công suất 120 MW, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hình, tỉnh Bình Định, có công suất 136 MW và Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện Sê San 3A, tại Gia Lai có công suất 108 MW.
Cơ cấu nguồn điện của EVNGENCO 3 khá phong phú, nhờ đó EVNGENCO 3 có khả năng ứng phó kịp thời, linh hoạt với sự huy động của Điều độ hệ thống điện quốc gia, sự thay đổi của các nguồn năng lượng dùng để phát điện, góp phần nâng cao độ tin cậy trong cung ứng điện. Ngoài ra, để hỗ trợ công tác duy tu bảo dưỡng, đại tu, trùng tu, sửa chữa thường xuyên, khắc phục kịp thời các bất thường sớm đưa tổ máy vào vận hành sản xuất điện, an toàn, ổn định, liên tục và kinh tế, Tổng công ty còn có một nguồn lực sửa chữa chuyên nghiệp từ Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện EVNGENCO 3 (EPS). Với lực lượng phân bổ đều từ khắp các Trung tâm nhiệt điện lớn Mông Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Tân, Phú Mỹ, đơn vị đã có hơn 20 năm kinh nghiệm sửa chữa, gia công phục hồi cho các nhà máy nhiệt điện công nghệ hiện đại.
Giảm truyền tải điện từ Bắc vào Nam
Một trong những trọng trách cốt lõi dẫn tới sự ra đời của Trung tâm Điện lực Phú Mỹ trước đây và hiện nay là Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân là góp phần đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, ổn định cho khu vực miền Nam, giảm truyền tải điện từ Bắc vào Nam. Nhiệm vụ được giao của Ban QLDA Nhiệt điện Vĩnh Tân là quản lý xây dựng các nguồn điện mới để đảm bảo nền tảng vững chắc cho trọng trách này. Hiện đơn vị đang quản lý, thúc đẩy hoàn thành tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 với 2 tổ máy 2 x 600 MW, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 Mở rộng 1 tổ máy 600 MW.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Các dự án đều được triển khai đồng bộ và hoàn thành đúng tiến độ, Ban QLDA Nhiệt điện Vĩnh Tân hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị có thể đảm nhận nhiều dự án lớn về quy mô, phức tạp về kỹ thuật, yêu cầu cao về thủ tục theo các loại hình đầu tư và nguồn vốn. Sự tồn tại và phát triển bền vững của Ban QLDA Nhiệt điện Vĩnh Tân đang góp phần tăng cường năng lực cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm hạn hán, giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.