Quảng Bình - Tiềm năng và khác biệt: Mảnh đất của thông thương

13/01/2021 08:00 GMT+7

Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Bình là điểm đến tiềm năng và khác biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi nơi đây hội tụ nhiều yếu tố để các nhà đầu tư có thể biến ý tưởng thành hiện thực.

Quảng Bình có hệ thống giao thông thuận lợi và đồng bộ rất thuận tiện trong việc đi lại và giao lưu trao đổi hàng hóa, gồm: Quốc lộ 1, hai nhánh đường Hồ Chí Minh đông và tây, đường sắt Bắc - Nam với nhà ga chính Đồng Hới, sân bay Đồng Hới, cảng biển Hòn La.
Đặc biệt, có Quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan qua cặp cửa khẩu quốc tế Cha Lo - Nà Phàu khoảng 350km.
Trong đó, Cảng hàng không Đồng Hới là một trong những sân bay tăng trưởng nhanh nhất cả nước, tăng trưởng 20 - 25%/năm từ năm 2009. Quốc lộ 1, hệ thống đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc - Nam chạy dọc theo chiều dài của Quảng Bình cũng đã liên kết thuận lợi với các đường ngang và các điểm đến du lịch trong vùng: cố đô Huế (cách 170km), Đà Nẵng (260km), phố cổ Hội An - thánh địa Mỹ Sơn (300km). Từ trung tâm TP.Đồng Hới đến sân bay Đồng Hới 7km, cảng biển Hòn La 70km, cửa khẩu quốc tế Cha Lo 160km.
Cảng biển nước sâu Hòn La (trong Khu kinh tế Hòn La) cho phép tàu 20.000 tấn ra vào và đã phê duyệt quy hoạch để nâng cấp tiếp nhận tàu 50.000 tấn ra vào, với năng lực tiếp nhận 1,2 triệu tấn/năm.
Hệ thống các khu kinh tế ở Quảng Bình cũng mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển. Như Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực trung Lào, đông bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông.
Có Khu kinh tế biển Hòn La thuộc vùng kinh tế trọng điểm nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình cùng với 8 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch. Đây sẽ là nơi hứa hẹn đặt nhà máy sản xuất, chế biến an toàn, hiệu quả của các nhà đầu tư.

Trung tâm phát triển năng lượng

Một lợi thế không nhỏ của Quảng Bình nữa là tiềm năng phát triển năng lượng. Quảng Bình kỳ vọng sẽ phát triển được khoảng 10GW nguồn điện phát lên lưới điện quốc gia (bao gồm các dự án đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh và các dự án nguồn điện trình Bộ Công thương, Chính phủ tính toán vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 - Quy hoạch điện VIII).
Nằm trong vành đai nhiệt đới bắc bán cầu, chế độ nhiệt của Quảng Bình thể hiện tính chất nhiệt đới gió mùa, với một nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm. Tổng lượng bức xạ 1.256,04 ÷ 1.418,86 kWh/m²/năm, số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển 1.650 - 1.820 giờ, cường độ bức xạ trung bình ngày theo tháng và năm 4,03 - 4,545 kWh/m²/ngày. Tổng công suất dự án điện mặt trời đăng ký vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia khoảng 1.241,5MWp.
Điện gió cũng mang lại nhiều kỳ vọng khi mảnh đất này có vận tốc gió bình quân từ 6 - 6,75m/s (độ cao 120m) ở trên biển và đất liền. Tổng công suất dự án điện gió đăng ký vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia khoảng 3.889MW. Ngoài ra, tỉnh đang xin bổ sung quy hoạch và kêu gọi đầu tư nhà máy điện khí LNG tại Khu kinh tế Hòn La với tổng công suất khoảng 3.000MW
Tới đây, EVN sẽ khởi công Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai dự án Quảng Trạch 2 với tổng công suất 2.400MW tại H.Quảng Trạch. Với cơ sở hạ tầng ngành điện đã và đang xây dựng và những lợi thế cơ bản để phát triển, Quảng Bình được quy hoạch là trung tâm phát triển năng lượng lớn của cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.