Phác thảo diện mạo sông Cổ Cò - ‘thiên đường’ du lịch sinh thái

28/09/2020 08:00 GMT+7

Thiết kế cảnh quan ven sông Cổ Cò và khu vực ven biển từ TX.Điện Bàn đến TP.Hội An, vừa phác thảo diện mạo dòng sông du lịch Cổ Cò, một “thiên đường” du lịch sinh thái sắp thành hình.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Trí Thanh về Thiết kế cảnh quan ven sông Cổ Cò và khu vực ven biển từ TX.Điện Bàn đến TP.Hội An.

Cổ Cò - điểm nhấn tầm quốc gia, khu vực

Đây là kim chỉ nam để hình thành trục đô thị cũng như cảnh quan toàn khu vực, sau khi dòng sông Cổ Cò được khơi thông, tái lập tuyến đường thủy nội địa một thời vang bóng nối Quảng Nam - Đà Nẵng.
Theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, việc quy hoạch, thiết kế cảnh quan đô thị ven sông Cổ Cò và ven biển từ TX.Điện Bàn đến TP.Hội An nhằm khớp nối quy hoạch chi tiết, định hướng kiến trúc, hạ tầng, cảnh quan, không gian công cộng… nhằm đề xuất các giải pháp đối với các dự án liên quan, tạo điểm nhấn không gian mang tầm quốc gia, khu vực để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Trong đó, ông Lê Trí Thanh lưu ý Sở Xây dựng, đối với khu vực ven sông, cần bố trí quỹ đất đủ lớn để hình thành 3 công viên trung tâm, xứng tầm tại các khu vực: Khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ và du lịch Điện Dương, Khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp tại P.Điện Dương và một số khu vực phù hợp tại TP.Hội An với khoảng cách phù hợp.
One River, một dự án bất động sản hạng sang ven sông Cổ Cò đã thành hình - Ảnh: Phú Thành

One River, một dự án bất động sản hạng sang ven sông Cổ Cò đã thành hình

Ảnh: Phú Thành

Hệ thống cây xanh trong công viên và cảnh quan dọc hai bờ sông cũng được hai địa phương và các dự án lân cận thống nhất để đầu tư trồng đồng bộ, tạo bản sắc khu vực.
Các bến du thuyền, tàu du lịch được quy hoạch gắn liền với các công viên lớn này. Trên dòng sông Cổ Cò bố trí 8 cầu chính (cầu ô tô), cùng một số cầu đi bộ phục vụ phát triển du lịch, thương mại dịch vụ hai bờ, với cao độ thông thủy phù hợp điều chỉnh, nắn tuyến dòng sông.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ bất động sản nghỉ dưỡng

Sự hấp dẫn của sông Cổ Cò được ví như “thiên đường du lịch sinh thái mới”, không chỉ có sông nước, bởi tỉnh Quảng Nam cũng đã kết nối quy hoạch sông với các khu vực ven biển, bất động sản nghỉ dưỡng nhằm tạo hệ sinh thái tiện ích phục vụ du lịch, dịch vụ.
Các bãi tắm công cộng như Thống Nhất, Hà My, Viêm Đông và nhất là Cửa Đại - “quả trứng vàng” cho ngành du lịch… được đầu tư công viên chuyên đề, quảng trường biển, đẩy mạnh đấu giá quỹ đất thương mại dịch vụ, xã hội hóa thể thao biển, quy hoạch khu dân cư ven biển, đường vành đai kết hợp khai thác quỹ đất đối diện…
Khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia chọn hướng đi bảo tồn thiên nhiên, du lịch cộng đồng - Ảnh: Phú Thành

Khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia chọn hướng đi bảo tồn thiên nhiên, du lịch cộng đồng

Ảnh: Phú Thành

Còn bên dòng Cổ Cò, lâu nay, một hệ sinh thái du lịch đã thành hình như hệ thống sân golf BRG, Montgomerie Links, Tổ hợp du lịch giải trí Cocobay… ghi dấu ấn ở phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.
Đối với du lịch sinh thái, Khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia gần đó là mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh “thiên đường du lịch Cổ Cò”. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện khu du lịch này chia sẻ, từ năm 2018 đơn vị đã mua lại 11 ha trang trại ở khối Hà Bản, P.Điện Dương, TX.Điện Bàn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động làm du lịch.
“Sau gần 3 năm phục vụ, chúng tôi nhận thấy du khách tìm đến rừng Hà Gia bởi vẻ đẹp nguyên sơ của sông Cổ Cò mà trong đó rừng Hà Gia là vốn quý, nên chúng tôi quyết tâm giữ gìn giá trị sinh thái độc đáo này, xứng đáng với tên gọi Lộ Cảnh Giang huyền thoại để giữ chân du khách”, đại diện khu du lịch bày tỏ.
Dự án bất động sản triển khai sôi động bên dòng sông Cổ Cò, trong ảnh: Mallorca River City đang gấp rút thi công - Ảnh: Phú Thành

Dự án bất động sản triển khai sôi động bên dòng sông Cổ Cò, trong ảnh: Mallorca River City đang gấp rút thi công

Ảnh: Phú Thành

Khu du lịch rừng Hà Gia cũng đang được nâng cấp với quy mô khu vực để tạo việc làm cho 300 người địa phương, vừa đầu tư các tiện nghi theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng đồng thời bảo tồn thiên nhiên, hướng đến du lịch trải nghiệm.
“Chúng tôi tâm nguyện giữ lại Khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia làm lá phổi xanh cho khu vực, đón du khách nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên, đầu tư các hạng mục văn hóa để giữ gìn bản sắc truyền thông xứ Quảng nói riêng và rộng hơn là văn hóa làng quê Việt Nam”, đại diện Khu du lịch rừng Hà Gia bày tỏ.
Cùng với sự phát triển của chuỗi tiện ích trên cung đường du lịch thủy nội địa Cổ Cò, các dự án bất động sản đã thành hình, tạo lập diện mạo đô thị mới hai bên dòng sông.
Sau nhiều năm đầu tư, triển khai, các dự án như Blue Ocean, Coco Riverside, Rosa Riverside Complex và mới đây là Mallorca River City… không chỉ phát triển cơ sở hạ tầng cho toàn khu vực, mà còn tạo những tiền đề vững chắc cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ vùng đất thuần nông chuyển sang sang du lịch, thương mại dịch vụ, đổi đời cho cư dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.