Nhân rộng đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu cho trẻ

03/06/2019 07:00 GMT+7

Mỗi năm, hàng trăm nghìn trẻ em gặp tai nạn thương tích để lại hậu quả đáng tiếc do không được sơ cứu kịp thời hoặc sai cách, do đó, cần thiết phải có những kỹ năng sơ cấp cứu căn bản.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có hơn 900.000 ca trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích; tương đương với gần 2.500 trẻ em tử vong mỗi ngày, có nghĩa mỗi giờ lại có hơn 100 trẻ em tử vong. Tại VN, con số này là 370.000 trẻ/năm, trong đó hơn 8.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích gây ra, chủ yếu là ngã, bỏng, cháy, tai nạn giao thông, súc vật cắn, đuối nước, ngạt thở, hóc, nghẹn... Tại Đà Nẵng, theo báo cáo của Sở LĐTB-XH, trẻ bị tai nạn thương tích chủ yếu nằm trong nhóm tuổi mầm non (0 - 5 tuổi). Mỗi năm số trẻ này lại tăng thêm chỉ vì không được sơ cứu kịp thời.
Nhiều khảo sát thực tế cho thấy hầu hết giáo viên mầm non hay bố mẹ... đều chưa hiểu đúng về kỹ năng sơ cấp cứu cho trẻ, cũng như nắm vững những kiến thức cơ bản. Khi trẻ không may rơi vào tình trạng nguy hiểm thì người lớn lại lúng túng trong cách xử lý cũng như sơ cấp cứu.

Đưa kỹ năng sơ cấp cứu đến cộng đồng

Thực hiện đề án Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non TP.Đà Nẵng do UBND TP phê duyệt, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng là một trong những cơ sở y tế phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ TP đi đầu trong hoạt động đưa kỹ năng sơ cấp cứu cho trẻ đến gần hơn với cộng đồng. Đều đặn mỗi tháng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng có bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, tham gia hướng dẫn các lớp học sơ cấp cứu, trao tặng đến các giáo viên mầm non những chiếc túi sơ cấp cứu với cuốn cẩm nang hữu ích.
Một buổi tập huấn sơ cấp cứu dành cho các giáo viên mầm non
Một buổi tập huấn sơ cấp cứu dành cho các giáo viên mầm non Ảnh: Phú Thành
Trong những năm qua, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu dành cho các hướng dẫn viên, cán bộ nhân viên các khu du lịch… Và từ đầu năm 2019, các lớp đào tạo này đã được nhân rộng hơn đến với các giáo viên mầm non nhằm hạn chế tối đa những thương tích ở trẻ khi gặp tai nạn.
Bên cạnh đó, các chương trình “Lớp học tiền sản” tổ chức định kỳ tại viện cũng được chú trọng lồng ghép, hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản để các bố mẹ trẻ hoàn toàn tự tin nuôi con một cách an toàn nhất.

Đào tạo sơ cấp cứu cho hơn 4.000 giáo viên mầm non

Trên tiêu chí “phòng còn hơn tránh”, “trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho trẻ là điều thiết yếu”, từ năm 2018, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã cam kết đồng hành cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu, trợ giúp nhân đạo dưới sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ TP.
Thực hành kỹ năng sơ cấp cứu với mô hình
Thực hành kỹ năng sơ cấp cứu với mô hình Ảnh: Phú Thành
Một số kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản cho trẻ như sơ cấp cứu dị vật, tắc đường thở; sơ cứu ngừng thở, ngừng tim, sơ cứu chảy máu - sốc; sơ cứu vết thương phần mềm, băng bó vết thương, sơ cứu bỏng, điện giật, đuối nước... sẽ được các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp tục chia sẻ trong các buổi học tập huấn thường kỳ dành cho các giáo viên mầm non công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
Băng bó vết thương - một trong những  kỹ năng sơ cấp cứu cho trẻ
Băng bó vết thương - một trong những kỹ năng sơ cấp cứu cho trẻ Ảnh: Phú Thành
Theo kế hoạch, tổng số 140 trường mầm non ngoài công lập, 70 trường mầm non công lập với 4.462 giáo viên mầm non được hướng dẫn, thực hiện thành thạo, tiếp thu kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu trẻ em là mục tiêu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cùng Hội Chữ thập đỏ TP quyết tâm thực hiện trong 3 năm (2018-2020).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.