Lễ hội văn hóa thổ cẩm VN lần thứ nhất: Khởi đầu cho thổ cẩm ‘thăng hoa’

14/12/2018 07:00 GMT+7

Trên nền tảng giữ gìn bản sắc văn hóa, việc tạo ra sản phẩm thổ cẩm cung ứng cho thị trường, trở thành sản phẩm du lịch là mục đích mà Lễ hội văn hóa thổ cẩm VN lần thứ nhất năm 2018 tại Đắk Nông hướng đến.

Những ngày này, chị H’Bình ở xã Đắk Nia (TX.Gia Nghĩa, Đắk Nông) tỏ ra phấn khởi trước thông tin Lễ hội văn hóa thổ cẩm VN sắp diễn ra trên quê hương mình. Là một người thạo nghề dệt thổ cẩm ở bon làng, chị H’Bình cho biết do điều kiện sinh sống, làm ăn, những nghệ nhân dệt dù trong cùng địa phương nhưng ít khi được tiếp xúc, giao lưu với nhau. “Lễ hội sẽ là dịp chị em đam mê dệt thổ cẩm nhiều nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi nhau nhiều điều, nhất là những hoa văn lạ, độc đáo của các dân tộc; đồng thời hiểu biết thêm kỹ thuật dệt mới”, chị H’Bình tâm đắc.
H1, H2: Nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm ở Đắk Nông gắn bó với nghề
Nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm ở Đắk Nông gắn bó với nghề Thanh Nga
Tâm trạng háo hức của chị H’Bình cũng giống nhiều nghệ nhân thổ cẩm trên địa bàn tỉnh dự buổi họp báo mới đây do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức thông tin về sự kiện Lễ hội văn hóa thổ cẩm VN sắp tới. Những nghệ nhân này cảm thấy tự hào khi nhìn thấy những hoa văn thổ cẩm của dân tộc mình được thiết kế trên các bộ trang phục do các người mẫu thời trang trình diễn minh họa tại buổi họp báo.
Hoa văn truyền thống kết hợp hiện đại trên một mẫu thổ cẩm
Hoa văn truyền thống kết hợp hiện đại trên một mẫu thổ cẩm Mỹ Hằng
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, Lễ hội văn hóa thổ cẩm VN lần thứ nhất được tổ chức tại TX.Gia Nghĩa từ ngày 5 - 7.1.2019 là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Đắk Nông (1.1.2004 - 1.1.2019); đồng thời nhằm bảo tồn và phát huy hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng. Sự kiện này cũng nhằm giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hoa văn, trang phục truyền thống, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk Nông trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nhận định: “Thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung rất đa dạng, phong phú về màu sắc, đường nét, đậm đà bản sắc, giàu biểu tượng, biểu đạt các giá trị nhân văn, là di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn, phát triển. Hiện nay, trước xu thế phát triển, hội nhập mang tính toàn cầu, văn hóa thổ cẩm đang dần mai một, việc tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm là hoạt động cần thiết nhằm bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số VN”.
Trình diễn minh họa thời trang thổ cẩm ứng dụng
Trình diễn minh họa thời trang thổ cẩm ứng dụng Trung Chuyên
Theo bà Hạnh, Lễ hội văn hóa thổ cẩm VN lần này là sự khởi đầu, gửi thông điệp đến giới thời trang, cũng như người tiêu dùng trong xã hội biết được cái đẹp của từng hoa văn, sản phẩm thổ cẩm và ý nghĩa, giá trị của nó. Việc tìm kiếm đầu ra cho thổ cẩm cũng là định hướng để thổ cẩm thành làng nghề, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm du lịch cho Đắk Nông.
Ông Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Nông, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 nghệ nhân, thợ dệt thổ cẩm ở các bon, làng đồng bào các dân tộc thiểu số. “Hiện nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Nông mới chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi của phụ nữ để tạo sản phẩm, đầu ra sản phẩm còn nhiều hạn chế. Qua hoạt động lễ hội, chúng tôi muốn tạo điều kiện cho nghệ nhân giao lưu học hỏi kinh nghiệm dệt, đặc biệt đây là dịp để nghệ nhân tiếp cận cải tiến công cụ từ dệt thủ công truyền thống tốn nhiều thời gian, sang phương thức dệt tiên tiến hơn nhằm hạ giá thành sản phẩm”, ông Quang chia sẻ.
Lễ hội văn hóa thổ cẩm VN lần thứ nhất khai mạc vào 20 giờ ngày 5.1.2019, tại khu đảo nổi - hồ Gia Nghĩa. Tại đây, không gian văn hóa thổ cẩm được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như triển lãm thổ cẩm, thực nghiệm dệt thổ cẩm; kết hợp không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc VN, không gian phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; biểu diễn nghệ thuật truyền thống các dân tộc…
Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động quan trọng khác như hội thảo khoa học về văn hóa thổ cẩm VN; lễ hội đường phố; trình diễn thời trang thổ cẩm ứng dụng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.