Không thể chậm trễ với đột quỵ

24/08/2020 13:18 GMT+7

Bệnh đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3, sau bệnh tim mạch, ung thư nhưng gây tàn phế nhiều nhất. Để có cơ hội được cứu sống và phục hồi, bệnh nhân đột quỵ cần được đưa đến bệnh viện nhanh nhất.

Đột quỵ lại bị bệnh tim nặng

Hai ngày sau ca cấp cứu tưởng khó qua khỏi, bệnh nhân L.T.T (45 tuổi, ngụ H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã tỉnh, tiếp xúc tốt, ngồi dậy và cử động tay chân theo y lệnh của bác sĩ (BS). Ông N.T.S, chồng bệnh nhân T., xúc động nói: “Vợ tôi đã mổ tim 2 lần, tôi tưởng lần này khó qua nổi. Vậy mà giờ tỉnh được vậy, mừng và cảm ơn BS dữ lắm”. Nắm tay vợ, ông S. kể tiếp: “Đêm 19.8, đang ngủ, tôi thấy vợ khều hoài. Tôi bật đèn lên, lúc này miệng vợ tôi đã méo, không nói được. Lên đến đây, nghe BS sĩ nói rất nặng, phải can thiệp, tôi muốn chết đứng luôn”.
Qua chụp CT mạch máu não, các bác sĩ khoa Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não nặng. “Vị trí tắc mạch nằm ngay góc khởi đầu động mạch cảnh trong, huyết khối rất lớn, bệnh nhân vào viện đã là giờ thứ 3 từ khi phát bệnh cũng không phải là sớm. Càng khó khăn hơn khi bệnh nhân có bệnh lý van tim kèm theo quá nặng, suy tim độ 3, rung nhĩ và đã mổ thay van tim hai lần”, TS-BS Hà Tấn Đức, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Đột quỵ nói.
Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ. Ê kíp can thiệp đã tiến hành tiến hành chụp DSA lấy huyết khối ở động mạch não giữa. Điều kỳ diệu là sau can thiệp, kết quả đã tái thông hoàn toàn động mạch não giữa và động mạch cảnh trong phải, giúp bệnh nhân dần phục hồi. “Trường hợp này nếu đến trễ hơn hoặc không can thiệp kịp thời, bệnh nhân rất khó qua khỏi. Tiên lượng sắp tới còn phụ thuộc rất nhiều vào bệnh lý tim mạch. Chúng tôi đang theo dõi sát tình trạng tim mạch của bệnh nhân để sớm xác định được thời gian cho uống thuốc kháng đông tránh tạo huyết khối trở lại”, TS-BS Đức nói.
Khoa Đột quỵ BVĐK Trung ương Cần Thơ vừa thành lập có ý nghĩa rất lớn với ngành y tế ĐBSCL - Ảnh: Tú Uyên

Khoa Đột quỵ BVĐK Trung ương Cần Thơ vừa thành lập có ý nghĩa rất lớn với ngành y tế ĐBSCL

Ảnh: Tú Uyên

Không thể chậm trễ với đột quỵ

BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết ca can thiệp trên là một trong rất nhiều ca cấp cứu đột quỵ được các BS của BV điều trị thành công. Trong 12 tháng qua, BV đã điều trị 460 ca đột quỵ. “Một điều rất đáng lưu ý là các bệnh nhân đột quỵ cần phải đến bệnh viện nơi có đơn vị can thiệp mạch não sớm nhất. Nếu chậm trễ qua 6 giờ kể từ khi khởi phát bệnh thì cơ hội điều trị phục hồi gần như còn rất ít”, BS Phong nói.
Theo TS-BS Hà Tấn Đức, mọi người đều có thể dễ dàng nhận biết đột quỵ nếu đột ngột xảy ra một trong các triệu chứng: méo miệng, liệt hoặc yếu nửa người, giảm hoặc mất tri giác, giọng nói không lưu loát, xây xẩm, choáng váng, mất thăng bằng. “Lúc này, người bệnh cần được đưa vào BV nhanh nhất”, TS-BS Đức nói.
Hiện nay, tại ĐBSCL, BVĐK Trung ương Cần Thơ được xem là nơi đi đầu trong cấp cứu, điều trị đột quỵ khi đã triển khai can thiệp cấp cứu đột quỵ hơn 3 năm. Đặc biệt, mới đây ngày 18.8, Khoa Đột quỵ của BV chính thức thành lập trên cơ sở Phân khoa Điều trị đột quỵ trước đây. Với 2 ê kíp BS trực thay phiên, khoa này có thể tiếp nhận và điều trị can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân 24/7, trong đó đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân đột quỵ nặng, nguy kịch.
Hiện ê kíp của khoa cũng đã triển khai tất cả các kỹ thuật để điều trị đột quỵ như: điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ, chụp và nút phình động mạch não xóa nền, phẫu thuật sọ não dùng clip kẹp cổ túi phình mạch não, nong mạch máu não bị hẹp, đặt stent mạch máu não, phẫu thuật bóc tách nội mạc động mạch cảnh. 
Theo BS-CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, sau khi thành lập khoa Đột quỵ, định hướng sắp tới của BV là phát triển khoa này thành Trung tâm đột quỵ. Điều này hết sức quan trọng, ý nghĩa với bệnh nhân ĐBSCL khi mở ra nhiều cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ hơn. Người bệnh trong khu vực có thể tới được BV sớm hơn trong “thời gian vàng” để thêm cơ hội hồi phục, thay vì phải chuyển đi xa. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.