Hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện

27/03/2019 09:29 GMT+7

Tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là nhu cầu chung của người lao động nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về quy định liên quan đến loại hình bảo hiểm này.

Ông Nguyễn Mạnh Tú, Giám đốc BHXH Ninh Thuận cho biết, BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người tham gia lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia tự chọn nhưng không thấp hơn chuẩn hộ nghèo nông thôn (tối thiểu thu nhập 700.000 đồng/tháng). Như vậy, mức đóng thấp nhất là 154.000 đồng mỗi tháng. Mức đóng có thể thay đổi theo lựa chọn của người tham gia.
Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng theo phương thức: hằng tháng, 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau (không quá 5 năm 1 lần).
Trường hợp người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm và có thể đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho những năm còn thiếu nhưng không quá 10 năm và được hưởng hưu trí sau tháng đóng đủ.
Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Theo đó, đối tượng thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo là 25%, các đối tượng khác là 10%. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (hiện nay mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng, được hỗ trợ 46.200 đồng đối với hộ nghèo, 38.500 đồng đối với hộ cận nghèo,15.400 đồng đối với hộ còn lại). Như vậy, nếu một người lao động đóng BHXH tự nguyện 20 năm, ở mức đóng thấp nhất 154.000 đồng thì hằng tháng thực đóng là: 138.600 đồng/tháng (154.000 đồng - 15.400 đồng được nhà nước hỗ trợ). Nếu đóng đủ 20 năm thì tổng số tiền thực đóng không vượt quá 35 triệu đồng. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau: Đối với nữ: Thời gian đóng BHXH là 20 năm, theo đó 15 năm đầu tính bằng 45%; từ năm thứ 16 đến năm thứ 20 là 5 năm, tính thêm: 5 x 2% = 10%. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng là: 45%+10%=55%. Vậy mức lương hưu hằng tháng ít nhất là: 55%x700.000 đồng/tháng (tăng theo tỷ số tiêu dùng hằng năm) = 385.000 đồng/tháng. Đối với nam: nghỉ hưu từ năm 2019 thì tỷ lệ 45% tương ứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Như vậy đối với nam nghỉ hưu năm 2019 là 51% (17 năm = 45%, 3 năm x 2% = 6%; 45% + 6% = 51%); Năm 2020 là 49% (18 năm = 45%, 2 năm x 2% = 4%; 45% + 4% = 49%); Năm 2021 là 47% (19 năm = 45%, 1 năm x 2% = 2%; 45% + 2% = 47%); Năm 2022 là 45% (20 năm = 45%). Lương hưu được điều chỉnh tăng lương theo mức lương cơ sở hoặc theo quy định Chính phủ theo từng thời kỳ.
Chị Nguyễn Thị Bích Khuê (25 tuổi, ngụ xã Nhơn Sơn, H.Ninh Sơn) cho biết, sau khi được cán bộ BHXH Ninh Thuận và nhân viên Bưu điện tư vấn về cách thức và quyền lợi nên đã yên tâm tham gia BHXH tự nguyên. Theo chị Khuê, mức đóng hằng tháng của BHXH tự nguyện thấp hơn rất nhiều so với các loại bảo hiểm khác và được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí khi tham gia.“Mình chọn mức đóng 204.600 đồng mỗi tháng và được nhân viên Bưu điện tới tận nhà để thu”, chị Khuê nói và cho biết chính sách BHXH tự nguyện rất hay, khi không còn sức lao động thì được hưởng lương hưu hằng tháng, đỡ cho con cái sau này.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tú, Giám đốc BHXH Ninh Thuận, để người dân hiểu rõ những chính sách ưu đãi của Nhà nước, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Ninh Thuận đang tích cực phối hợp chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, phổ biến pháp luật về quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện đến từng khu phố, hộ gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.