Đột phá hạ tầng, phát triển kinh tế

30/07/2020 08:00 GMT+7

Thực hiện kết luận Hội nghị BCH Đảng bộ H.Đại Lộc lần thứ 5 (khóa 21) và Nghị quyết 04-NQ/HU của Huyện ủy H.Đại Lộc, H.Đại Lộc đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng - kinh tế.

5 năm qua (2015 - 2020) tạo ra bước đột phá quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Năm 2017, cầu Giao Thủy và tuyến đường dẫn được khánh thành nối đôi bờ sông Thu Bồn khiến hàng ngàn người dân ở các xã Đại Hòa, Đại An, Đại Cường, TT.Ái Nghĩa… vui mừng khó tả. Hòa chung niềm vui với người dân Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn… khi đường về Đà Nẵng rộng mở, rút ngắn lộ trình ngang qua Đại Lộc và từ đó Đại Lộc phát triển sôi động. Không chỉ có vậy, trục giao thông huyết mạch này còn kết nối với QL14B (hiện đang thi công) cũng mở ra nhiều cơ hội mở rộng, phát triển đô thị TT.Ái Nghĩa hiện đại về phía bắc. Theo Phòng kinh tế - hạ tầng H.Đại Lộc, hàng loạt tuyến đường liên thôn, liên xã đã và đang được đầu tư kết nối với trục giao thông huyết mạch này góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi tối đa cho việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân trong huyện.
Đầu tháng 7.2020, cầu Hội Khách - Tân Đợi (xã Đại Sơn) cũng được động thổ. Ông Ngô Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn không giấu được cảm xúc khi cho rằng niềm mong đợi bấy lâu của người dân Đại Sơn giờ đang dần thành hiện thực, với sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Theo ông Ngô Vinh, việc đầu tư xây dựng cây cầu này mở ra một bước ngoặt để người dân xã Đại Sơn nói riêng và các xã vùng A nói chung giao thương với trung tâm huyện, với các huyện Nam Giang, Phước Sơn… hay đến Đà Nẵng cũng đều rất thuận tiện. Bởi người dân Đại Sơn sản xuất, trồng trọt phần lớn đều nằm ở bên kia sông! “Khi cây cầu hoàn thành, chuyện học hành của các cháu ở khu 2 và các điểm trường lẻ cũng thuận lợi tối đa. Hàng hóa, nông sản thông thương dễ dàng hơn. Đây là cơ hội để xã Đại Sơn hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2024”.
Tại xã Đại Đồng, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Hồng Vỹ chia vui rằng việc xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ bản và kết cấu hạ tầng giao thông như cầu Bàu Sáu (nối 2 thôn Hà Nha, Phước Định), các thiết chế văn hóa cơ sở ở thôn, công trình chợ, trường học… đã mang lại diện mạo mới cho địa phương. “Việc huy động mọi nguồn lực trong đó có xã hội hóa đầu tư giúp hạ tầng giao thông khang trang, đẹp đẽ, mang lại hiệu quả thiết thực, người dân được hưởng lợi rất lớn từ mô hình này. Địa phương cũng tiếp tục vận động người dân tại các thôn hiến đất mở rộng đường, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu… tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao”, bà Hồng Vỹ nói thêm.
Ông Phạm Thúy, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Đại Lộc, cho biết thời gian qua từ nguồn vốn của tỉnh và huyện, nhiều công trình trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng. Trong đó, có đường ĐH3 từ Quảng Huế đến giáp ĐT 609B nối với QL14B là tuyến giao thông trọng yếu, mở ra hướng đi mới cho quá trình phát triển, giao thương của các xã vùng B, vùng C. Tuyến ĐH8 nối QL14B đến đập Khe Tân, tạo điều kiện cho phát triển du lịch, dịch vụ… Giai đoạn 2016-2020, H.Đại Lộc tập trung chỉ đạo các xã huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ cho quá trình phát triển của địa phương; đặc biệt chú trọng xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng, xem đây là nguồn lực quan trọng trong quá trình đầu tư phát triển. “Trong những năm qua, H.Đại Lộc đã triển khai rất tốt các mô hình, dự án để thu hút nguồn vốn ngoài Nhà nước cho nhu cầu phát triển. Như chương trình đầu tư giao thông nông thôn đã huy động nguồn lực trong dân và các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trên 48 km. Qua đó, cùng Nhà nước thực hiện đạt mục tiêu phát triển GTNT, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các xã”, ông Phạm Thúy cho biết thêm.
Theo UBND H.Đại Lộc, 5 năm qua, kết cấu hạ tầng toàn huyện được quan tâm, đầu tư đồng bộ với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 3.489 tỉ đồng, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, vốn Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn đầu tư, đã tạo ra các công trình hạ tầng có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện. Giai đoạn 2020 - 2025, H.Đại Lộc xác định tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân…
Mục tiêu phát triển hạ tầng giai đoạn 2020 - 2025
Hạ tầng giao thông: Tập trung nguồn vốn phát triển hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Hoàn thành các công trình trọng điểm, như: ĐH6-ĐH5 (Đại Cường -Đại Thắng - đập Khe Tân), tuyến ĐH3 ven sông Vu Gia, ĐH1, cầu Trà Đức, cầu Hội Khách - Tân Đợi. Đề xuất đầu tư cầu Phú Thuận, Bến Dầu, An Bình; đường nối QL14B vượt sông Yên (Đại Hiệp - Điện Hòa - Điện Ngọc)… Đến năm 2025, tỷ lệ đường GTNT được bê tông hóa 90%.
Hạ tầng thủy lợi, phòng tránh thiên tai: Đầu tư công trình đê kè xung yếu: bờ tây sông Vu Gia (TT.Ái Nghĩa), bờ nam sông Vu Gia tại Mỹ Hảo (Đại Phong), bờ bắc sông Thu Bồn tại Giao Thủy (Đại Hòa, Phú Thuận, Đại Thắng) và một số đoạn sông xung yếu khác…
Hạ tầng cấp điện: Tiếp tục cải tạo lưới điện đảm bảo cung cấp ổn định cho sản xuất, nhất là các cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư; đảm bảo đủ nguồn điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Hạ tầng cụm công nghiệp: Đến năm 2025, tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn từ 15,38% cụm công nghiệp trở lên; tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 80%.
Hạ tầng cấp nước: Đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ống truyền tải, phân phối và các trạm bơm tăng áp, nâng công suất các nhà máy nước hiện có… Đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt trên 90%, hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ dân đô thị được cung cấp nước sạch đạt 95%.
Hạ tầng giáo dục: Phấn đấu đến năm 2025, có 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3. 60% học sinh THCS học 2 buổi/ngày, 75% trường THPT đạt chuẩn quốc gia…
Hạ tầng y tế: Khuyến khích phát triển bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, chất lượng khám chữa bệnh… Tăng cường xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ y tế; phấn đấu 100 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2025 đạt 10 bác sĩ và 52 giường bệnh/10.000 dân, 100% người dân tham gia BHYT.
Hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch: Huy động các nguồn lực đầu tư công trình văn hóa thể thao nhằm nâng cao chất lượng đời sống, tinh thần cho người dân. Đầu tư hoàn chỉnh các khu di tích lịch sử quốc gia, đền tưởng niệm, tôn tạo di tích lịch sử tại các xã, thị trấn. Kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án du lịch trọng điểm: Bằng Am, hồ Khe Tân, KDL sinh thái Sông Cùng, suối nước nóng Thái Sơn…
Hạ tầng thông tin - truyền thông: Nâng cấp cổng thông tin điện tử huyện, triển khai phần mềm một cửa điện tử huyện và 18 xã, thị trấn; triển khai dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3,4…
Hạ tầng đô thị - thương mại: Thu hút đầu tư các dự án phát triển nhà ở theo hướng đô thị; phát triển các cụm dân cư, trung tâm cụm xã, tạo hạt nhân phát triển đô thị, tăng tốc đô thị hóa… Xúc tiến kêu gọi các DN đầu tư các công trình thương mại, dịch vụ đã được quy hoạch như Khu phức hợp thương mại - khách sạn - vui chơi giải trí tại Khu đô thị phía Nam và Trung tâm thương mại tại ngã tư TT.Ái Nghĩa…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.