Đồng Nai đẩy mạnh hệ thống y tế thông minh

27/02/2019 07:30 GMT+7

Ngoài việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện, Sở Y tế Đồng Nai còn đang xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân để tiến tới hoàn thiện hệ thống y tế thông minh.

Ngày 21.2, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã tổ chức buổi Tọa đàm “Y tế thông minh phục vụ người dân” nhằm trao đổi và tìm ra những giải pháp ứng dụng, phát triển y tế thông minh trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

11 tỉ đồng xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử

Hiện tại, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đang tạo hồ sơ sức khỏe điện tử cho 3 triệu người dân trên địa bàn. Hồ sơ đó bao gồm các thông tin cá nhân, chiều cao, cân nặng, nhóm máu, tiểu sử bệnh lý… Tổng chi phí thực hiện gần 11 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2019

BS Phan Huy Anh Vũ
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, thời gian qua Sở đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh và quản lý y tế. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người dân của đội ngũ y, bác sĩ toàn ngành y tế.
Cụ thể, từ tháng 7.2018, Sở Y tế phối hợp với Viettel Đồng Nai và Công ty cổ phần David Health Việt Nam liên tục triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Hiện tại đã có 306/395 cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tham gia sử dụng phần mềm kết nối nhà thuốc. Ngành y tế cũng đang triển khai mạng y tế cộng đồng Medcomm, để tra cứu các dịch vụ y tế nhanh chóng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.200 cơ sở dược phẩm và gần 1.700 cơ sở khám chữa bệnh tham gia mạng y tế này.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bác sĩ (BS) Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho rằng muốn xây dựng được hệ thống y tế thông minh thì phải có hạ tầng y tế thông minh. Do đó bên cạnh đẩy mạnh hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện thì cũng cần phải xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân để liên kết với nhau. “Hiện tại, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đang tạo hồ sơ sức khỏe điện tử cho 3 triệu người dân trên địa bàn. Hồ sơ đó bao gồm các thông tin cá nhân, chiều cao, cân nặng, nhóm máu, tiểu sử bệnh lý… Tổng chi phí thực hiện gần 11 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2019”, ông Vũ phát biểu.

Hồ sơ bệnh án điện tử mang nhiều tiện ích

Nói về hồ sơ bệnh án điện tử, BS Lê Thị Phương Trâm - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đánh giá mang lại rất nhiều thuận lợi. Đó là bệnh án rõ ràng, chính xác không còn lo ngại chữ viết xấu, khó đọc; tiết kiệm thời gian làm hồ sơ và bảo quản tốt không thất lạc; tra cứu dễ dàng khi cần và kết nối với hệ thống các bệnh viện khác. Điều nay giúp ích rất lớn cho các BS trong việc khám chữa bệnh, giúp bệnh viện quản lý tốt bệnh nhân, hạn chế sai và tiêu cực trong bệnh viện. Về phía bệnh nhân thì giảm thiểu thời gian chờ đợi, thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà, vì việc tiếp nhận thông tin đến chuẩn đoán, kê đơn thuốc của BS đều được số hóa, nhờ đó thủ tục khám chữa bệnh và thanh toán cũng nhanh hơn. Trường hợp bệnh nhân lỡ làm mất kết quả xét nghiệm thì không phải lo lắng vì mọi thông tin đều được lưu trữ trên hệ thống, rất dễ dàng để kiểm tra.
Và để làm tốt hồ sơ bệnh án điện tử, theo BS Trâm cần phải có hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, xây dựng nguồn nhân lực y tế giỏi công nghệ thông tin để có thể quản lý và ứng dụng. Hiện tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang từng bước triển khai.
Còn BS Phạm Anh Dũng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thì cho hay, bệnh viện của ông đã làm y tế thông minh 9 năm qua. Thời gian đầu thì cũng gặp nhiều khó khăn do ai cũng bỡ ngỡ, chưa quen và thuần thục nên nhiều người không áp dụng. Bệnh viện phải tổ chức nhiều lớp tập huấn cho toàn bộ nhân viên, đến nay tất cả đều đã sử dụng phần mềm để quản lý và khám chữa bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.