Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bệnh viện hạng đặc biệt vào năm 2023

28/04/2021 08:00 GMT+7

Trong chuyến công tác tại Cần Thơ mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu sớm đưa Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thành bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế vào năm 2023.

Để đạt tiến độ này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ phải bắt tay làm ngay rà soát lại về nhân lực chất lượng cao và nhu cầu phát triển để có kế hoạch đào tạo, thu hút nhân lực; đồng thời rà soát lại tất cả những kỹ thuật chuyên môn sâu để có kế hoạch đào tạo, tiếp nhận chuyển giao… làm sao để thực hiện được ít nhất 95% kỹ thuật chuyên sâu so với Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, giao nhiệm vụ cho BVĐK Trung ương Cần Thơ trở thành bệnh viện hạng đặc biệt năm 2023 Ảnh: Đình Tuyển

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, giao nhiệm vụ cho BVĐK Trung ương Cần Thơ trở thành bệnh viện hạng đặc biệt năm 2023

Ảnh: Đình Tuyển

Làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu

Ngày 26.4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 và làm việc với BVĐK Trung ương Cần Thơ, bệnh viện tuyến cuối trực thuộc Bộ Y tế tại ĐBSCL.
Báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ Y tế, BS.CK2 Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh viện đã có nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo công tác khám và điều trị bệnh cho người dân ĐBSCL. Cụ thể, tổng số lượt khám, chữa bệnh của bệnh viện là 488.003 lượt người bệnh; trong đó, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 67.918 lượt. Số lượt khám, chữa bệnh vượt kế hoạch 23.4%, tăng 8.4% so với năm 2019. Trong tổng số ca phẫu thuật là 21.983 trường hợp thì phẫu thuật loại đặc biệt và loại 1 chiếm tới 71%. Giữa áp lực dịch bệnh kéo dài, 3 tháng đầu năm 2021, lượt người đến khám và điều trị tại bệnh viện vẫn tăng 16,17 % so với cùng kỳ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ 2 từ trái qua) thăm bệnh nhân khoa Đột quỵ, BVĐK Trung ương Cần Thơ khám vận động cho bệnh nhân đột quỵ sau khi được can thiệp, cứu sống kịp thời. Ảnh: Đình Tuyển

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ 2 từ trái qua) thăm bệnh nhân khoa Đột quỵ, BVĐK Trung ương Cần Thơ khám vận động cho bệnh nhân đột quỵ sau khi được can thiệp, cứu sống kịp thời

Ảnh: Đình Tuyển

Cũng theo BS Vũ, với sự hỗ trợ và hợp tác của Bệnh viện Chợ Rẫy, BVĐK Trung ương Cần Thơ đã làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: kỹ thuật phẫu thuật tim hở và đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, có thể thực hiện độc lập các trường hợp phẫu thuật tim, đặt stent graft. Nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu trong điều trị các bệnh lý về tim mạch; can thiệp mạch não, mạch tạng, nút mạch cầm máu dưới DSA đã được triển khai thường quy; các phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật thần kinh-sọ não, kỹ thuật ECMO cũng đã được triển khai...
“Tình hình khó khăn nhưng tập thể cán bộ, công nhân viên của bệnh viện vẫn nỗ lực tối đa để phát triển chuyên môn. Năm 2020, bệnh viện đã triển khai thêm 43 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới. Cùng với đó là thành lập Khoa Đột quỵ. Từ đây, 2 hệ thống chụp và can thiệp mạch máu xóa nền (DSA) càng phát huy hiệu quả khi có thể hoạt động với hai ê kip độc lập cùng lúc. Rất nhiều bệnh nhân đột quỵ, bệnh lý động mạch chủ bụng, mạch máu tạng, mạch máu ngoại biên… được cứu sống, trong đó nhiều ca vào viện trùng hợp, được can thiệp cùng lúc, tránh lãng phí “thời gian vàng” trong điều trị”, BS Vũ nói.
Hiện tại, ghi nhận từ các khoa, ngày điều trị trung bình của người bệnh nội trú tại bệnh viện hiện là 6,6 ngày (giảm 2,4 ngày so với trước đây), qua đó giúp bệnh nhân giảm rất nhiều chi phí điều trị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ 2 từ phải qua) trao tặng một số máy móc, thiết bị y tế cho BS.CK2 Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - Ảnh Đình Tuyển

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ 2 từ phải qua) trao tặng một số máy móc, thiết bị y tế cho BS.CK2 Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ

Ảnh Đình Tuyển

Mục tiêu thành bệnh viện hạng đặc biệt

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ y tế, nhấn mạnh Bộ Y tế coi BVĐK Trung ương Cần Thơ, Trường Đại học Y - Dược Cần Thơ là những cơ sở y tế trọng điểm, chuyên sâu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ĐBSCL. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là nhiệm vụ chuyên môn. Do đó, trong tiến trình phát triển phải sớm đưa BVĐK Trung ương Cần Thơ thành bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế cùng với các bệnh viện lớn khác như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy... “Giám đốc bệnh viện cho biết theo kế hoạch phát triển đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc đưa BVĐK Trung ương Cần Thơ thành bệnh viện hạng đặc biệt. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu năm 2023 phải hoàn thành. Chúng ta phải nỗ lực, thực hiện tất cả các giải pháp để chăm sóc sức khoẻ người dân các tỉnh vùng ĐBSCL tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Riêng về Đề án thành lập Trung tâm ghép tạng của BVĐK Trung ương Cần Thơ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết Bộ Y tế rất ủng hộ khi bệnh viện hoàn thiện các yêu cầu về kỹ thuật. Bước đầu làm thí điểm, kết nối với Bệnh viện Chợ Rẫy để chuyển giao dần dần.
BS.CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - Hồi sức, BVĐK Trung ương Cần Thơ thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Đình Tuyển

BS.CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - Hồi sức, BVĐK Trung ương Cần Thơ thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật

Ảnh: Đình Tuyển

Tại buổi làm việc, BVĐK Trung ương Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ Y tế xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí để bệnh viện thực hiện một số hạng mục nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị và kế hoạch tăng giường kế hoạch lên 1.200 giường, đáp ứng tiêu chí của bệnh viện hạng đặc biệt như: Cải tạo, mở rộng khu vực phòng mổ; mở rộng diện tích để phát triển khoa Đột quỵ thành Trung tâm đột quỵ; xây dựng khu hành chính riêng để trả lại toàn bộ tòa nhà hiện tại cho khu điều trị nội trú như thiết kế ban đầu… Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao lãnh đạo các Vụ/Cục chức năng của Bộ phối hợp với bệnh viện để bàn thảo phương án triển khai phù hợp, hiệu quả.
Đặc biệt, trước đề nghị của lãnh đạo bệnh viện trong việc mở rộng và phát triển thêm Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Quan điểm chung của Bộ Y tế là sẽ giao Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mà bộ đã khởi công cuối năm ngoái về BVĐK Trung ương Cần Thơ quản lý trên cơ sở phát huy tốt hơn Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện hiện nay. Do đó, BVĐK Trung ương Cần Thơ cần sớm tiếp cận vấn đề thiết kế, xây dựng để sau này tiếp quản hoạt động hiệu quả”.
Tại BVĐK Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đã đến thăm, động viên và tặng quà các bệnh nhân đang điều trị hồi sức khoa Đột quỵ, khoa Nội Tim mạch - Khớp và động viên các nhân viên y tế. Dịp này, Bộ Y tế đã tặng BVĐK Trung ương Cần Thơ 2 máy thở cao cấp Bennet 840; 10 máy thở VFS 410 và 10 máy thở VFS 510; 50 máy thở ELiciae MV20; 10 bơm tiêm điện; 10 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số; 10 máy truyền dịch nhằm phục vụ tốt nhất cho người bệnh khu vực ĐBSCL. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.