Đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đức Trọng

10/12/2020 08:00 GMT+7

Với nhiều chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) ngày càng thay đổi tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt.

Huyện Đức Trọng có diện tích tự nhiên hơn 903 km², dân số 186.974 người, trong đó DTTS khoảng 62.985 người, chiếm tỉ lệ 33,4% dân số toàn huyện, với 21 dân tộc cùng sinh sống. Theo UBND H.Đức Trọng, năm qua mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội, đời sống và sản xuất của vùng DTTS trên địa bàn cơ bản ổn định và tiếp tục phát triển; đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn vùng DTTS ngày càng chuyển biến rõ nét, tình hình ANCT - TTATXH được giữ vững, ổn định.
Năm 2020, UBND huyện đã phân bổ kế hoạch đầu tư phát triển thực hiện chương trình 135 với số tiền gần 1,3 tỉ đồng để đầu tư đường giao thông tại 2 xã Tà Năng, Đa Quyn; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và 135 với 496 triệu đồng. Chính sách xã hội cho học sinh sinh viên người DTTS được thực hiện tốt trong năm học vừa qua hỗ trợ hơn 935 triệu đồng/599 lượt học sinh sinh viên; thực hiện tốt chính sách người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Việc đầu tư hỗ trợ chuyển đồi nghề cũng được thực hiện tốt với gần 500 triệu đồng cho hơn 160 hộ; chính sách tín dụng ưu đãi cũng được triển khai với 21 hộ vay 1,5 tỉ đồng.
Trong khi đó tình hình thực hiện các chính sách giảm nghèo chung cũng được triển khai thực hiện tốt mang lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 toàn huyện còn 0,6%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS còn 1,5%, tình trạng thiếu đói không còn xảy ra. Đặc biệt, mới đây huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thành công trình nhà ăn bán trú Trường tiểu học Tà Hine có diện tích hơn 205 m², với tổng mức đầu tư 1 tỉ đồng. Các di sản văn hóa phi vật thể, các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống được sưu tầm, bảo tồn, phát huy; di sản văn hóa cồng chiêng được bảo tồn, phát triển trên diện rộng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Đức Trọng, cho biết thêm: “Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 13, Phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng chương trình phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch bản địa tại một số xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025. Mục tiêu xác định phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng theo hướng bền vững, tạo ra một sản phẩm mới cho ngành du lịch địa phương, tạo thương hiệu cho du lịch Đức Trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, dùng DTTS. Đồng thời cũng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên; giữ gìn văn hóa bản sắc vùng đồng bào DTTS…”.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 xác định sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng, bản địa tại 3 vị trí thuộc xã Hiệp An, Đa Quyn, Tà Hine; xây dựng mô hình du lịch làng văn hóa đồng bào dân tộc; khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa. Cụ thể: Du lịch văn hóa cộng đồng tại thôn Đarahoa (xã Hiệp An), lấy khu vực tượng gà làm trung tâm gắn với tuyến trekking Núi Voi - Làng Gà; Du lịch văn hóa cộng đồng tại thôn Ma Bó (xã Đa Quyn) gắn với tuyến trekking Tà Năng - Phan Dũng; Du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Tà Hine sẽ gắn với công viên văn hóa Tà Hine và khu du lịch thác Bảo Đại. Hiện dự án xây dựng đường vào Làng nghề thổ cẩm Đarahoa đã được phê duyệt (đang chờ bố trí vốn) với mức đầu tư khoảng 14 tỉ đồng; trong khi đó Công viên văn hóa cộng đồng xã Tà Hine (trên diện tích 17.850 m²) có tổng vốn đầu tư 4 tỉ đồng đã được khởi công cuối tháng 11.2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.