Đắk Nông - vùng đất của những hang động núi lửa độc đáo

26/10/2019 07:00 GMT+7

Hệ thống hang động núi lửa trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông độc đáo, đồ sộ và hoang sơ. Trong đó, có hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á; có hang phát hiện dấu tích người tiền sử sinh sống.

Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông được UBND tỉnh Đắk Nông thành lập ngày 31.12.2015, có diện tích 4.760 km2, trải dài trên địa phận 6 huyện, thị xã (Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G'long và TX.Gia Nghĩa). Theo thông tin từ Ban quản lý CVĐC Đắk Nông, lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước. Do các vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái Đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan. Đáng ngạc nhiên là cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á.
Đến nay, trong CVĐC Đắk Nông đã phát hiện 5 núi lửa, gồm: Núi lửa Nâm Dơng, núi lửa Băng Mo (H.Cư Jút), núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar (H.Krông Nô) và núi lửa Nâm Gle (H.Đắk Mil). Các núi lửa trên đều hoạt động theo kiểu phun trào, phun nổ hoặc đồng thời cả phun trào và phun nổ, hoặc phun trào khe nứt.
Hang C7 có chiều dài 1.067 m, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á

Hang C7 có chiều dài 1.067 m, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á

CVĐC Đắk Nông

Các hang động núi lửa trong vùng CVĐC Đắk Nông cho tới thời điểm này được xác định chỉ liên quan đến núi lửa Nâm Blang tại xã Buôn Choah (H.Krông Nô) với tổng chiều dài gần 10.000 m của hệ thống gần 50 hang động. Hê thống hang động núi lửa nổi bật là hang C7 có chiều dài 1.067 m, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á. Trong hang tiêu biểu là các cấu tạo cuộn thừng, cấu tạo ống trong ống, cấu tạo bóng dung nham, các cấu tích dòng chảy dung nham khá phổ biến. Từ miệng hang xuống phía dưới sâu hàng chục mét nên muốn khám phá phải được trang bị đầy đủ các đồ nghề chuyên dụng.
Một hang động núi lửa khác phải nhắc đến là hang C6.1. Đây là hang động được các nhà khoa học phát hiện ra dấu tích người tiền sử sinh sống. Vì thế, hang có giá trị hỗn hợp về mặt địa chất và cổ nhân học. Bên trong hang thành tạo từ dòng dung nham nóng chảy để lại nhiều ngấn dung nham trên tường hang, các cửa sổ dung nham, kệ dung nham… cùng thạch nhũ nguyên sinh và thứ sinh lưu lại rất đa dạng. Theo ông Tôn Ngọc Bảo, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn (Ban quản lý CVĐC Đắk Nông), việc phát hiện di cốt người tiền sử có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ bazan Tây nguyên. Trong hang động núi lửa còn lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử. Đây là di sản hỗn hợp được đánh giá là duy nhất ở Đông Nam Á, cũng rất hiếm gặp trong các hang động núi lửa trên thế giới. Hang C6.1 đã được Bộ VH-TT-DL cấp phép khai quật khảo cổ.
Cửa vào hang động núi lửa C3

Cửa vào hang động núi lửa C3

Phan Lê

Hang động núi lửa C3 là hang đã được đưa vào tham quan du lịch. Đầu tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã có dịp cùng đoàn của Ban quản lý CVĐC Đắk Nông khám phá hang động này. Đứng trước cửa hang động núi lửa đã cảm nhận được vẻ đẹp huyền ảo và đầy kỳ bí. Việc xuống hang không khó, nhưng người tham quan phải vô cùng thận trọng. Bên trong hang là hàng loạt những cấu tạo điển hình đối với hang động dung nham; các loại nhũ với màu trắng sữa dọc theo các khe nứt, dễ dàng quan sát được.
Bên trong hang động núi lửa C3

Bên trong hang động núi lửa C3

Phan Lê

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hồi tháng 9.2019, CVĐC Đắk Nông nằm trong số 11 hồ sơ đã được Mạng lưới CVĐC toàn cầu (GGN - Global Geoparks Network) đề cử để UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. Kết quả sẽ được công bố vào tháng 4.2020. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết sự kiện này khẳng định CVĐC Đắk Nông có đầy đủ điều kiện để trở thành CVĐC toàn cầu. Điều này sẽ mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là ngành du lịch. Đây chính là định hướng, động lực để tỉnh Đắk Nông cùng các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào khai thác, phát triển du lịch vùng CVĐC.
Cấu tạo tiêu biểu trong hang động núi lửa

Cấu tạo tiêu biểu trong hang động núi lửa

CVĐC Đắk Nông

Đầu tháng 10 mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã tổ chức hội thảo kết nối tour, tuyến du lịch với CVĐC Đắk Nông. Hy vọng trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông sẽ đón chào làn sóng đầu tư, tham gia phát triển du lịch, dịch vụ của mọi thành phần kinh tế đến với một vùng đất đầy tươi đẹp và đầy tiềm năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.