Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của Chuyển đổi số

06/04/2021 17:36 GMT+7

Đà Nẵng xác định người dân, doanh nghiệp (DN) là trung tâm của chuyển đổi số trong "cuộc chơi" lớn chuyển đổi số (CĐS) với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực ở một thành phố đáng sống…

Nhiều doanh nghiệp công nghệ quan tâm theo dõi triển lãm xây dựng thành phố thông minh Đà Nẵng

Nhiều doanh nghiệp công nghệ quan tâm theo dõi triển lãm xây dựng thành phố thông minh Đà Nẵng

Ảnh: Hoàng Sơn

Lấy người dân làm trung tâm

Đề án chuyển đổi số (CĐS) tại TP.Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được xây dựng theo chương trình CĐS quốc gia (Quyết định 749/QĐ-TTg ) với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó là các thành phần về chính sách, hạ tầng kỹ thuật số, dữ liệu số, nền tảng số, an toàn an ninh mạng… được xem là các yếu tố tạo nền móng và động lực thúc đẩy CĐS.

Về quan điểm triển khai CĐS, Đà Nẵng xác định người dân, doanh nghiệp (DN) là trung tâm của CĐS. DN công nghệ số sẽ làm chủ công nghệ lõi, hình thành hệ sinh thái ứng dụng “Make in Danang”. Đây sẽ là lực lượng chủ lực dẫn dắt các DN ngành nghề khác CĐS. Để thực hiện chương trình, đề án của Đà Nẵng đặt vai trò của các DN hiệp hội lên cao, cùng với cộng đồng xã hội chủ động, tích cực tham gia. DN công nghệ số dẫn dắt, hỗ trợ các DN ngành nghề khác trên địa bàn CĐS.

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, khẳng định Đà Nẵng xác định quan điểm CĐS phải lấy người dân, DN làm trung tâm. Trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi. Đặc biệt, lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và “dẫn dắt” phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tại hội thảo chuyên gia về CĐS diễn ra hôm 22.3, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN, cho rằng chính phủ số trọng tâm là dịch vụ công, kinh tế số trọng tâm là CĐS ở DN. Khi làm tốt 2 vấn đề này, xã hội số tự sẽ tốt lên. “Đà Nẵng có đội ngũ DN mạnh, cho nên cần xây dựng DN chủ lực của TP để sử dụng nền tảng của T.Ư xây dựng và địa phương hóa phù hợp với Đà Nẵng. Các DN giúp TP hướng dẫn CĐS thành công cho các DN khác. Hầu hết DN ở VN lúng túng trong CĐS, nếu không có hướng dẫn thì không làm được và như thế sẽ không có kinh tế số”, ông Quân nói. Ông cũng đề xuất cần lựa chọn DN chủ lực trong một số lĩnh vực chính và có thể dùng ngân sách đầu tư cho các DN này nghiên cứu đề tài thuộc lĩnh vực CĐS.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai CĐS giữa Sở TT-TT TP.Đà Nẵng và Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) chiều 22.3

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai CĐS giữa Sở TT-TT TP.Đà Nẵng và Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) chiều 22.3

Ảnh: Hoàng Sơn

Chủ động hỗ trợ

Tham gia hội thảo, ông Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP (nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng), cho hay những hạ tầng dữ liệu số, nền tảng số, dịch vụ chính quyền điện tử của Đà Nẵng được đầu tư khá tốt. Hạ tầng CNTT, viễn thông và các ứng dụng về dịch vụ TP thông minh, chính quyền điện tử của TP cơ bản đáp ứng được nhu cầu của CĐS thời điểm hiện nay. Nhận thức của người dân, chính quyền cũng đã sẵn sàng cho việc CĐS.

Theo ông Trí, chính quyền, DN phải đưa cho người dân những phần mềm, ứng dụng dễ dùng, đơn giản, miễn phí để từ đó phổ cập rộng rãi cho người dân thuận tiện sử dụng trong học tập, sản xuất, đời sống, sinh hoạt… “Người dân không có phần mềm, ứng dụng thì sẽ đứng ngoài cuộc. Đơn giản như việc thu phí đỗ xe trên đường Bạch Đằng, Trần Phú mà ứng dụng lại quá phức tạp”, ông Trí nói. Dẫn quan điểm của một số chuyên gia cho rằng thành công của sự nghiệp CĐS không chỉ quyết định bởi việc thiết kế chính sách mà còn là sự tham gia của người dân và DN, ông Trí gợi ý chính quyền địa phương phải chọn ra những DN triển vọng để hỗ trợ CĐS. Đồng thời, phải dự báo những khó khăn thách thức để có cơ chế quản lý trong CĐS. Bởi CĐS sẽ khiến thất nghiệp nhiều hơn và phải giải quyết bài toán này, rồi văn hóa ứng xử trên môi trường số ra sao… “90% DN của Đà Nẵng là nhỏ và rất nhỏ, nên phải có danh mục DN để hỗ trợ người ta CĐS, từ đó rút ra kinh nghiệm chung”, ông Trí nói.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu - cạnh tranh, nhấn mạnh rằng đề án cần phải đánh giá rủi ro, như thiên tai, Covid-19… Theo ông, TP.Đà Nẵng xoáy sâu vào việc chi đầu tư 2% ngân sách cho CĐS, nhưng quan trọng hơn là phải đề ra được nhóm cơ chế để thu hút đầu tư. “Việc thực thi và giám sát CĐS cũng cực kỳ quan trọng và phải xây dựng được bộ chỉ số đánh giá có thể so sánh với các chỉ số quốc tế thì càng tốt”, TS Thành nói.(còn tiếp).

Đà Nẵng bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu CĐS

So với Quyết định 749/QĐ-TTg của Chính phủ, Đà Nẵng đã bổ sung hàng loạt mục tiêu. Trong đó, trụ cột chính quyền số có 17 chỉ tiêu (bổ sung 11 chỉ tiêu so với QĐ 749), kinh tế số có 9 chỉ tiêu (bổ sung 4 chỉ tiêu), xã hội số có 5 chỉ tiêu (bổ sung 2 chỉ tiêu).

Trước đó, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã ký quyết đinh lấy ngày 28.8 hằng năm là “Ngày chuyển đổi số TP.Đà Nẵng”. Hôm nay (6.4), tại Đà Nẵng, Giải thưởng Chuyển đổi số VN – Vietnam Digital Awards năm 2021 cũng chính thức được phát động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.