Khôi phục đà tăng trưởng

05/07/2021 17:05 GMT+7

Kinh tế TP Đà Nẵng đang dần khôi phục và thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020. Dù đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 nhưng kết quả tăng trưởng trong 6 tháng với điểm sáng ở khu vực dịch vụ là nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và linh hoạt.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, Cục Thống kê TP.Đà Nẵng cho biết với những nỗ lực, phấn đấu cao nhất trong năm chủ đề “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, TP đã và đang kiểm soát khá tốt nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Các hoạt động phát triển kinh tế những tháng đầu năm cơ bản được duy trì, vốn đầu tư công thực hiện tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội được quan tâm; phần lớn các ngành kinh tế bước đầu có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại…

Kinh tế TP đang dần khôi phục và thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020. Mặc dù Đà Nẵng đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 với tính phức tạp cao hơn 2 đợt dịch trước nhưng kết quả tăng trưởng trong 6 tháng qua cho thấy sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Trong đó, có các điểm sáng ở khu vực dịch vụ, nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và linh hoạt. Cùng với lực đẩy từ xuất khẩu và tiêu dùng, đầu tư công được xem là một trong những bánh xe quan trọng của “cỗ xe tam mã” để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế TP.

Tiếp cận chính sách hỗ trợ

Mặc dù kinh tế đã được phục hồi, nhưng theo đánh giá của Cục Thống kê TP.Đà Nẵng, với tốc độ tăng 4,99% trong 6 tháng qua, tăng trưởng kinh tế của TP vẫn còn khá chậm so với các TP lớn. Nếu xét trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng xếp thứ 4 về tốc độ tăng và quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tiếp tục dẫn đầu trong vùng. Xét trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng chiếm hơn 1,3% trên tổng GDP và tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 16 trên 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Theo ông Trần Nam Trung, Phó cục trưởng Cục Thống kê, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, kinh tế TP trong những tháng tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng trên 6% theo kế hoạch năm 2021 là một thách thức lớn. Trước mắt, cần tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ công tác kiểm soát dịch và thực hiện các giải pháp giúp DN tiếp cận hiệu quả các gói hỗ trợ.

Ông Trung cho rằng, Đà Nẵng cần tập trung vào 3 nhóm trọng tâm. Với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thủy sản theo hướng bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP…

Đối với hoạt động của DN, Đà Nẵng cần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ; nắm bắt, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngân hàng. Các tổ chức tín dụng triển khai mạnh mẽ các giải pháp của Ngân hàng nhà nước VN, còn TP.Đà Nẵng cần kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh, tăng trưởng tín dụng an toàn, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, TP tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách về lao động việc làm, trợ giúp đột xuất; bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, ổn định cuộc sống…

6 tháng đầu năm, chỉ số GRDP của TP.Đà Nẵng ước tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 1,05% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tăng trưởng khu vực dịch vụ ước đạt 5,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,85%; thuế sản phẩm tăng 7,99%; hoạt động xây dựng tăng 2,97%. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tăng 65,2%, mức tăng cao nhất 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021. Tính đến 15.6, Đà Nẵng cấp mới 19 dự án FDI (tổng vốn đăng ký gần 148 triệu USD), giảm 36 dự án so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vốn đầu tư đã tăng 24,9%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.