Bán cả cuộc đời

12/05/2022 05:36 GMT+7

Theo các chuyên gia về ghép thận, số người suy thận mạn cần được ghép thận để giữ mạng sống thì nhiều, nhưng số người cho thận (người thân) đáp ứng được yêu cầu thì khan hiếm.

Do đó, thế giới khuyến khích người cho thận là người chết não để cứu sống được nhiều người khác. Nhưng số cho thận từ người chết não là rất ít. Chính vì nhu cầu nhiều mà nguồn cung ít, nên đã có việc mua bán thận. Riêng ở VN, có cả luật, quy định cấm việc mua bán thận nói riêng và bộ phận cơ thể người nói chung. Nhưng vẫn có những vụ mua bán bộ phận cơ thể người được các cơ quan chức năng phát hiện.

Các bị cáo trong đường dây mua bán thận của Tôn Nữ Thị Huyền

PHAN THƯƠNG

Theo dõi một số vụ án, chúng tôi nhận thấy, số tiền các bị hại, những người chấp nhận cắt đi một phần cơ thể là quá ít ỏi, chỉ từ vài chục triệu đến cao nhất tầm 230 triệu đồng, nhưng tổn hại sức khỏe là rất lớn như trường hợp 20 bị hại trong đường dây mua bán bộ phận cơ thể người do Tôn Nữ Thị Huyền (43 tuổi, ngụ Đồng Nai) cầm đầu vừa được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm hôm 6.5. Trong vụ án này, các bị hại (cũng là những người bị bán thận) tổn hại sức khỏe từ 45 - 69%.

Khi ra tòa, các bị hại kể rằng, tiền bán thận phần nào được dùng để trang trải nợ nần, cho nhu cầu cuộc sống khi đó. Nhưng sức khỏe sau khi bán thận thì dần đi xuống, không còn khả năng lao động kiếm tiền lo cho bản thân; dễ bị đau ốm mỗi lần trái gió trở trời; những biến chứng sau mổ khiến một số người phải nằm một chỗ, hoặc thường xuyên đi viện chữa trị. Rồi sau đó, nợ nần vẫn tiếp diễn, cảnh túng quẫn vẫn không buông tha. Nhiều người trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tiền bạc có thể khó kiếm trong ngày một, ngày hai nhưng nếu kiên trì, siêng năng và cầu tiến thì có thể kiếm được. Còn thận nếu mất đi, sẽ khó (hay không) có lại được. Do đó, trước khi “bán thận kiếm tiền”, hãy suy nghĩ cuộc đời mình sau bán thận sẽ ra sao. Sẽ không ngoa nếu nói “bán thận, là bán cả cuộc đời”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.