Bản án nào đang chờ 5 cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ?

29/06/2023 11:15 GMT+7

7 cựu lãnh đạo, cán bộ cảnh sát biển trong vụ tham ô 50 tỉ đồng đều được viện kiểm sát đề nghị mức án dưới khung truy tố.

Chiều nay 29.6, Tòa án Quân sự thủ đô sẽ tuyên án đối với 7 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng. Đây là vụ án tham nhũng có tính chất nghiêm trọng nhất từ trước tới nay xảy ra trong lực lượng cảnh sát biển.

Bản án nào đang chờ 5 cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ? - Ảnh 1.

5 cựu tướng lĩnh cảnh sát biển: Nguyễn Văn Sơn, Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng, Hoàng Văn Đồng và Doãn Bảo Quyết

T.H

Vì cám dỗ vật chất mà đánh mất mình

Theo cáo buộc, năm 2019, Cục Kỹ thuật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được phân bổ 179 tỉ đồng từ ngân sách để mua sắm vật tư, thiết bị cho các đơn vị. Cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn đã thống nhất với các thủ trưởng Bộ Tư lệnh, rồi yêu cầu cấp dưới phải rút ra 50 tỉ đồng.

Thực hiện chỉ đạo, cấp dưới của ông Sơn đề nghị các nhà thầu nâng giá trang thiết bị, sau đó chuyển lại 50 tỉ đồng. Nhận tiền, ông Sơn mời 4 thủ trưởng Bộ Tư lệnh tới, chia thành 5 phần, mỗi người 10 tỉ đồng, gồm Hoàng Văn Đồng (cựu trung tướng, cựu Chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu thiếu tướng, cựu Phó chính ủy), Phạm Kim Hậu (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng) và Bùi Trung Dũng (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh).

Khai về động cơ phạm tội, ông Sơn nói các thủ trưởng Bộ Tư lệnh phải đi công tác rất nhiều, thường xuyên đối ngoại; trong khi đơn vị không có quỹ vốn, cũng không làm kinh tế. Vì thấy "rất vất vả", ông Sơn chỉ đạo "rút ruột" ngân sách để các thủ trưởng sử dụng khi đi công tác.

4 cựu thủ trưởng Bộ Tư lệnh lần lượt được hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi về quan điểm của họ khi được cựu Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn trao đổi về chủ trương rút 50 tỉ đồng. Trả lời tòa, người thừa nhận tại thời điểm ấy đã đồng ý, người thì khai không đồng ý nhưng cũng không phản đối. Dù vậy, tất cả đều khẳng định được chia mỗi người 10 tỉ đồng, đến nay nhận ra sai phạm, rất hối hận nên nộp lại toàn bộ.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 29.6

Cáo trạng truy tố 7 bị cáo cùng tội tham ô tài sản, theo quy định tại khoản 4 điều 353 bộ luật Hình sự, với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Dù vậy, ở phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án dưới khung cho cả 7 người.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Sơn bị đề nghị từ 16 năm đến 16 năm 6 tháng tù, bị cáo Hoàng Văn Đồng từ 15 năm 6 tháng đến 16 năm tù, 3 bị cáo Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu và Bùi Trung Dũng từ 15 năm đến 15 năm 6 tháng tù.

2 bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Hưng, cựu đại tá, cựu Cục trưởng Cục trưởng Kỹ thuật, bị đề nghị từ 10 năm đến 10 năm 6 tháng tù; Bùi Văn Hòe, cựu Phó phòng Tài chính, từ 12 năm đến 12 năm 6 tháng tù.

Bản án nào đang chờ 5 cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ? - Ảnh 2.

Chiều nay, tòa sẽ tuyên án đối với các bị cáo

PHÚC BÌNH

Sai phạm ảnh hưởng tới danh dự quân đội

Đối đáp với đại diện viện kiểm sát, luật sư bào chữa cho rằng mức án đề nghị với các bị cáo là quá nghiêm khắc, mong HĐXX xem xét toàn diện các tình tiết có liên quan để cân nhắc.

Tuy nhiên, kiểm sát viên khẳng định, mức án cao nhất của khung truy tố với các bị cáo là chung thân, tử hình. Quá trình xét xử, viện kiểm sát đã ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ trước khi đưa ra mức án đề nghị với các bị cáo, thậm chí đề nghị thấp hơn mức thấp nhất của khung truy tố.

Đại diện viện kiểm sát đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan các lãnh đạo, cán bộ cấp cao của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Hành vi của các bị cáo xâm phạm đến tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu uy tín, hình ảnh của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

"7 bị cáo đều có trình độ lý luận, nhận thức cao, 5 trong số này mang quân hàm cấp tướng, là cán bộ cao cấp, nhưng chỉ vì lợi ích vật chất cám dỗ, các bị cáo đánh mất mình", kiểm sát viên nhấn mạnh.

Nói lời sau cùng, cả 7 bị cáo đều gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, nhân dân, lực lượng quân đội và gia đình; đồng thời bày tỏ thái độ ăn năn, hối hận, mong được cân nhắc cho hưởng lượng khoan hồng.

Cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn thừa nhận "là người có tội" với vai trò chủ mưu, khởi xướng, "trong phút không giữ được mình mà mắc sai lầm". Bị cáo thấy có lỗi với nhân dân, quê hương và dòng họ; vì sai phạm của mình mà liên lụy tới nhiều người. "Dù tòa chưa tuyên nhưng tòa án lương tâm đã tuyên, bản thân bị cáo sẽ không bao giờ tha thứ cho sai lầm này", cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nói, đồng thời xin tòa giảm nhẹ cho các bị cáo khác.

Tương tự, cựu thiếu tướng Bùi Trung Dũng cũng có hơn 44 năm trong quân ngũ, là thế hệ thứ hai trong gia đình tham gia lực lượng quân đội. Con trai bị cáo là thế hệ thứ ba, nhưng khi vụ án xảy ra và bị cáo bị bắt đã xin ra khỏi ngành. Khẳng định đây là lần đầu tiên mắc sai phạm, ông Dũng tha thiết đề nghị tòa vận dụng các chính sách pháp luật để cho mình được hưởng khoan hồng.

Hay như cựu thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, bị cáo nói sai phạm của bản thân làm ảnh hưởng đến danh dự, truyền thống lực lượng quân đội; và gửi lời xin lỗi tới các cán bộ lão thành - những người đặt viên gạch đầu tiên cho lực lượng cảnh sát biển.

Đáng chú ý, trong suốt quá trình xét xử, cựu thượng tá Bùi Văn Hòe nhiều lần đề nghị được xem xét lại về tội danh bị truy tố. Ông Hòe cho rằng bản thân chỉ thiếu trách nhiệm chứ không tham ô, vì không tham gia bàn bạc hay được hưởng lợi gì. "Bị cáo không biết gì về việc rút tiền ngân sách để tham ô, chỉ thực hiện theo chỉ đạo của thủ trưởng, nếu biết sẽ lập tức ngăn chặn", ông Hòe trình bày.

Xem nhanh 12h ngày 29.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.