Bán 8 tô phở mỗi ngày phải nộp thuế

28/11/2019 06:29 GMT+7

Việc đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo luật Doanh nghiệp 2014 sửa đổi là nhằm quản lý nhưng thực tế, các quy định về thuế thu nhập cá nhân, thuế khoán hiện hành đối với nhóm này cũng hết sức bất cập.

Ngưỡng đóng thuế lạc hậu

Theo quy định hiện hành, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Với ngưỡng thu nhập này, hầu như toàn bộ các quán ăn vỉa hè đều phải đóng thuế TNCN. Cụ thể, hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, tương đương với trên 8,4 triệu đồng/tháng hay doanh thu trên 280.000 đồng/ngày. Với giá trung bình một tô phở, hủ tiếu hay bánh canh tại TP.HCM, Hà Nội... là 30.000 đồng thì chỉ bán 10 tô/ngày là chủ hàng ăn phải đóng thuế TNCN.
Bà Ba, chủ một tiệm phở lâu năm tại Q.1 (TP.HCM) nhẩm tính: Một tô phở vỉa hè giá bình quân cũng từ 35.000 - 40.000 đồng. Như vậy chỉ cần bán ra 8 tô phở mỗi ngày là bà phải đóng thuế, dù lời hay lỗ. Bà Phương Chi, chủ một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Lý Tự Trọng (Q.1), góp ý: “Theo tôi, tại các TP lớn, thu nhập hộ gia đình nhỏ khoảng 20 triệu đồng/tháng chỉ mới vừa đủ chi tiêu. Nên mức 8,4 triệu đồng/tháng đã thu thuế TNCN là không thực tế. Đó là chưa nói 4 năm qua, vật giá thay đổi, ngành thuế vẫn chưa sửa đổi quy định”.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM), cho rằng xét theo thực tế hiện nay thì ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng/năm phải đóng thuế không còn hợp lý. Chưa kể mức thuế đóng trên doanh thu đồng nghĩa với người kinh doanh khi chịu lỗ cũng phải đóng thuế. Không thay đổi thì quy định trên trở thành tận thu, khiến các gia đình có thu nhập không còn đảm bảo được đời sống. Đây chính là sự bất hợp lý của chính sách thuế.
“Số lượng hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên cả nước rất lớn. Cần nghiên cứu xem xét lại chính sách thuế cho hộ kinh doanh để đảm bảo công bằng và cũng không siết chặt vì đây là nguồn sống của nhiều gia đình”, TS Thuận nói thêm.

Công khai thuế khóa lên web phường

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), nhận xét đóng góp của hộ kinh doanh vào nền kinh tế là rất lớn nhưng đây cũng là nơi đang gây thất thu không nhỏ. Tuy nhiên, trong xây dựng luật là không nên tư duy theo cách quản lý hộ kinh doanh như một doanh nghiệp (DN).
Nên coi hộ kinh doanh là dạng tiền khởi nghiệp, gia đình có chút vốn nhàn rỗi, có chút lao động, người già về hưu, sinh viên mới ra trường... Họ tận dụng năng lực trong gia đình để sản xuất kinh doanh.
Họ chính là những người thử nghiệm, tự làm và trả học phí cho giai đoạn tiền khởi nghiệp. Nếu thành công, họ sẽ tự lớn lên thành DN. Quản họ như DN cho dù thu thuế khoán, nhưng đòi hỏi máy móc tăng về bảo hiểm, kế toán, sổ sách, lao động... cũng khiến hộ kinh doanh thấy mệt mỏi thêm. Đặc biệt, để chống tiêu cực, chính sách thuế đối với hộ kinh doanh cần phải minh bạch, rõ ràng.
“Các phường phải minh bạch danh sách các hộ kinh doanh và mức thuế họ phải đóng lên trang web. Các hộ kinh doanh, hiệp hội ngành nghề sẽ nhìn vào đó để có sự so sánh, biết hộ nào đang được cán bộ thuế ưu ái, từ đó có thể kiến nghị lên cấp cao hơn... Làm vậy, để hiệp hội ngành nghề và các hộ gia đình “giám sát” lẫn nhau về thuế khoán. Tôi nghĩ tỷ lệ tránh thất thoát thuế thu hộ gia đình có thể giảm 80 - 90%. Quan trọng phải công khai minh bạch”, ông Thịnh nêu.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, nhận xét cách tính thuế của hộ kinh doanh hiện còn nhiều bất cập. Thế nên việc giám sát lẫn nhau thông qua mức thuế công khai rất quan trọng. Việc so sánh mức thuế trong cùng địa bàn, dãy phố rất dễ, nếu thấy chênh lệch sẽ truy được vấn đề nằm ở đâu, cán bộ thuế hay hộ kinh doanh.
“Muốn quản lý thuế hộ kinh doanh theo hình thức thuế khoán cần nhìn vào chi phí, tài sản của hộ kinh doanh. Các nước tiên tiến áp dụng công nghệ thông tin, tức lắp thiết bị giám sát bán hàng và giao dịch để quản lý hộ kinh doanh thay vì ép họ chuyển đổi mô hình”.
 Luật sư Nguyễn Quốc Toản
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.