Bài xuân hay trên báo Sài Gòn xưa: Tôi đã ăn một cái tết 'bảy mươi'

12/01/2020 08:00 GMT+7

Nhưng mà xin nói ngay để các bạn mừng cho, tôi chưa đến nỗi phải ăn 'thượng thọ' bảy mươi đâu. Bảy mươi đây chỉ là hai lần 'ba mươi lăm', mà có một cái tết, tôi đã ăn luôn một lúc hai con 'ba mươi lăm'.

- Ủa? Ăn tết bằng thịt dê thì cũng như người ta ăn tết thịt bò, thịt heo hay thịt cầy, thịt nai có gì lạ mà cũng viết thành hồi ký?
Có người sẽ hỏi tôi như vậy. Nhưng tôi cứ viết, ấy là vì chuyện này nhắc tôi nhớ đến một thuở anh em văn nghệ lớp tôi hãy còn đông đủ, chung sống với nhau trong một bầu không khí êm hòa.
Lúc đó, chúng tôi làm báo Công Dân. Báo khá chạy, vì là tờ báo duy nhứt dám ra mắt công kích Tây. Cứ hai ba ngày, mật thám Pháp lại gọi viên quản lý ra dọa nạt một hai lần. Vì thế, ngày nào cũng có bạn hữu đến hỏi thăm. Đông lắm, không thể nào kể hết; nhưng thực trong tòa soạn và trị sự, báo của chúng tôi chỉ có tám người. Trừ một ông trị sự ra, bảy trợ bút là Ngô Tất Tố, Nguyễn Triệu Luật, Phùng Bảo Thạch, Vũ Liên, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Như Hoàn và tôi.

Bản in Giông tố đầu tiên trên Hà Nội báo, năm 1936

Ảnh: Y.N

Tôi không còn nhớ vì lý do gì vào hạ tuần tháng chạp năm đó, báo Công Dân bị thâu hồi giấy phép. Tính sổ với nhau, báo lỗ mất năm, sáu ngàn đồng. Vì thế lúc đứng dậy, không anh nào có trong túi hơn năm đồng bạc. Nguyễn Như Hoàn “đét” nhất. Vũ Trọng Phụng có bà và mẹ già phải nuôi, gia công ngồi viết Giông tố và Số đỏ cho Hà Nội báo của Lê Cường.
Hai mươi ba tết năm đó, trả nhà lại cho chủ rồi, chúng tôi quyết định với nhau ăn tết ở một chốn thật vui “đắm cái sầu thiên vạn cổ trong cốc rượu”. Chúng tôi ăn tết ở nhà cô đầu. Nhưng tiền ít, chúng tôi đành phải chơi “lối cỏ” là hát bên Gia Quất, một xóm cô đầu nghèo.
Chúng tôi nằm như thế hai ba ngày liền không về nhà. Hằng ngày, trong bọn lại cử một anh đi làm tiền về để chi hát và mua thức ăn. Nhưng rồi có một hôm, không còn thế nào xoay được ra tiền nữa, Vũ Liên suốt ngày ngâm thơ tết: “Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo/Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu”. Ngô Tất Tố thỉnh thoảng lại vác ô ra Mai Lĩnh lấy tiền, không được, về nằm thẳng cẳng, thở dài đánh sượt. Vũ Trọng Phụng cứ ngồi viết Số đỏ, tuyệt nhiên không biết việc gì ở chung quanh...
Bỗng một hôm hình như là hai mươi tám tết gì đó, Nguyễn Như Hoàn nghe thấy ở một nhà gần đó có tiếng dê kêu be be ầm cả lên. Hoàn bèn gọi một cô đầu vào gắt:
- Cái nhà Ba Thung ở bên kia nó làm gì mà dê kêu tệ thế?
Người cô đầu đáp:
- Nó nuôi dê bán, năm hết tết đến, người ta đến mua dê đem ra chợ bán, làm thế nào mà cấm được?
Nghe thấy người cô đầu ăn nói thế, Hoàn tỏ vẻ bực nhưng chỉ một lát, mặt anh dịu lại và môi anh nở một nụ cười khoái trá. Anh bèn gạn hỏi:
- Thế hiện bây giờ ai đến mua dê của Ba Thung đó nhỉ?
- Em trông y như là Ba Xếu ở Quất Trung. Y bắt một con dê nhỏ, đương trói chân đem về để mai sớm đem bán ở chợ Đìa thì phải...
Hoàn gật đầu. Rồi đứng phắt dậy, nhìn sang phía nhà Ba Thung thì thấy họ đang trói một con dê thực. Hoàn đứng dậy, bảo người cô đầu cho mượn một cái bao tải, một cái chổi xể và thấy đôi giày Gia Định của lão chủ nhà mua để đi tết, anh cho luôn vào trong bao. Rồi cứ thế mà chạy như ma bắt.
*
Đường đi từ Gia Quất sang Quất Trung phải qua cánh đồng. Từ cái miếu thờ cô Thanh trở đi, có nhiều bụi dứa đại, có nơi lau sậy mọc cao hơn đầu người, có chỗ cây cối um tùm. Biết là Ba Xếu về nhà, phải đi qua miếu cô Thanh, Hoàn đã đi đường tắt đến “phục kích” trước ở trong một bụi ô dô rất đậm, sau khi đã vứt một chiếc giày Gia Định xuống đường đi và một chiếc nữa ở một khúc quẹo, cách đó chừng ba mươi bước. Đoạn, Hoàn ngồi chờ.
Một lát sau, Ba Xếu tới. Vai vác con dê, anh nhởn nha đi bỗng nhìn thấy chiếc giày Gia Định mới “toanh”. Anh ta đá vào một bên vệ đường. Nhưng qua khúc quẹo, anh lại trông thấy một chiếc giày nữa nằm kín kín hở hở ở trong bụi dứa. Ba Xếu bèn đặt dê xuống đất khều lấy chiếc giày Gia Định rồi quay lại chỗ lúc nãy, tìm chiếc giày kia. Chèn ơi, quả là một đôi giày vừa khẳm, đi vào “bốp” quá. Tết này đi lấy “le” ở trong làng trong xóm, bà con phải biết! Ba Xếu đi thử ngắm nghía lấy áo chùi bụi ở mũi giày, rồi lại đi thử.
Giữa lúc đó, Hoàn nấp ở trong bụi nhô ra khe khẽ ở phía con dê nằm. Anh khẽ lấy cái chổi nhét vào mồm con dê cho không thể kêu được cho vào bao tải, vác lên vai lẫn vào trong bụi rồi dò một đường tắt ở sau miền chạy bay về nhà một người bạn ở gần đấy “nhờ cất hộ”.
Đoạn, anh ta mới về nhà cô đầu mà chúng bạn thì thầm hỏi nhau không biết Hoàn đi đâu. Không nói không rằng, Hoàn lại hút thuốc thì bỗng ở nhà Ba Thung có tiếng người nói ầm ầm lên:
- Chỉ là tại ông thôi!
Tiếng Ba Thung đáp:
- Tại tôi cái gì?
- Tại ông không buộc nó kỹ chớ sao. Tôi vừa đặt xuống nhặt đôi giày này thì nó đạp dây, nó sổ mất. Bây giờ có bố tôi bảo tôi đi tìm, tôi cũng chịu. Thôi, bán cho tôi con khác vậy chớ không, mai phiên chợ, lấy gì mà bán cho người ta?
Ba Thung lại phải đi chọn một con dê khác. Ba Xếu rút ở bóp ra lấy mười một đồng bạc trả. Đoạn, anh ta lại xách dê lên vai, tay cầm đôi giày Gia Định ra đi. Thấy Xếu trả tiền xong xuôi, Hoàn lại vùng dậy, ra hiệu cho anh em im lặng. Anh tháo vội cái võng treo ở sau nhà ra, ôm chạy.
Hoàn lại dò đường tắt chạy ra miếu cô Thanh, trước Xếu. Thấy Xếu gần đến, anh leo lên một cây cổ thụ, bắt chước tiếng dê kêu “be he, be he” ầm cả lên. Ba Xếu lắng tai nghe, anh quăng vội con dê ở trên vai xuống đất với đôi giày Gia Định chạy vào bụi để tìm. Thì chính lúc đó, Hoàn leo ở cây xuống, lại chỗ con dê thứ nhì, cuộn con dê vào trong võng rồi rông đi một mạch; không quên đôi giày Gia Định để ở bên cạnh con dê. Hoàn vác dê chạy về nhà người bạn nói trên gửi nốt, sau khi đã ghé vào tai bạn dặn dò. Rồi mới quay trở lại nhà cô đầu, đặt đôi giày Gia Định trả vào chỗ cũ.
*
Đêm hai mươi chín, rạng ba mươi, anh em từ biệt để ai về nhà nấy. Hoàn, rất trịnh trọng, đứng lên nói:
- Thưa các anh em, năm nay là năm bất lợi cho báo Công Dân của chúng ta. Chúng ta vì không làm ăn với nhau nữa, phải bắt tay nhau tạm biệt mà không có gì, cũng buồn. Vậy tôi có một tiệc mọn, xin các anh em hãy chứng giám cho trước khi ra về, tôi lấy làm hân hạnh...
Nói xong, anh huy động cả một “đống” cô đầu sang nhà bạn anh, chỗ anh gửi hai con dê hôm trước, bưng cỗ về. Chả dê, tái dê, cà ri dê, dê luộc, tiết dê pha rượu, dê hầm... Một bữa tiệc tất niên như thế thật là hãn hữu. Nghe thấy nói rượu tiết dê “bổ dương”, anh nào anh nấy uống cứ say mèm ra. Đến lúc đó, Hoàn mới đuổi hết cô đầu ra, kể cho anh em hết cả “lý do buổi tiệc hai dê”. Cả bọn cười như phá. Nhưng đến sáng hôm sau, lúc chia tay, người nào người nấy cũng cảm thấy buồn buồn, buồn vì phải tạm biệt nhau đã đành rồi, nhưng còn buồn vì có một người bạn, vì miếng ăn, đã phải dùng thủ đoạn không lấy gì làm... trang nhã lắm.
*
Riêng Vũ Trọng Phụng, anh không tỏ vẻ gì khác lạ. Suốt ngày hôm đó, anh đi. Đến chiều về, anh thở ra đánh thượt, hít một hơi thuốc lào rồi bảo Hoàn, một cách trịnh trọng:
- Mặc áo vào, đi chơi!
Phụng và Hoàn đi đến nhà Ba Xếu. Ba Xếu thấy hai ông khách lạ, trịnh trọng chít khăn, đi guốc ra chào.
Phụng nói:
- Chắc ông không biết chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn biết ông vì thấy ông đến mua dê ở nhà Ba Thung. Chúng tôi nhân năm hết tết đến, rủ nhau sang để chào ông mai về. Chúng tôi chúc ông bà một năm mới tốt lành, giàu bằng năm bằng mười năm ngoái.
Rồi Phụng gọi:
- Nào các cháu đâu! Ra bác mừng tuổi cho nào, kẻo mai bác ra Hà Nội.
Ba đứa trẻ ra chào Phụng và Hoàn. Phụng rút ra một gói giấy đỏ ở trong bóp ra, đưa cho đứa lớn nhất. Bọn trẻ khoanh tay cảm tạ. Không đợi cho Ba Xếu nói, Phụng vội từ biệt, kéo Hoàn ra xe, hối chạy thật lẹ về Hà Nội.
*
Đến cầu Đô Mỹ, Hoàn hỏi Phụng:
- Anh mở hàng (lì xì) cho chúng bao nhiêu?
- Lấy bản quyền trước về cuốn Giông tố được năm mươi đồng. Lê Cường đưa cho hai mươi đồng tiền tết. Tôi trích ra hai mươi lăm đồng trả tiền hai con dê cho bố đấy, bố có biết không?
Hoàn nịnh Phụng:
- Anh ăn ở phúc đức quá. Trời chứng giám cho anh.
Phụng nhìn ra mấy ngọn lửa chài, không nói gì.
Trời chứng giám cho anh ta thực: ăn xong cái tết năm đó, Phụng ngọa bịnh và đến giữa năm thì anh mất. Một nhà văn giàu tài và giàu lòng thương yêu như thế, mà lúc chết chỉ mới có hai mươi bảy tuổi!
(Dẫn theo cuốn Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa, Phạm Công Luận tuyển chọn và giới thiệu, Công ty văn hóa Phương Nam và NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM 2020).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.