Bài xuân hay trên báo Sài Gòn xưa: Ngày xuân nói chuyện Tản Đà

08/01/2020 09:22 GMT+7

Tôi rất yêu thơ Tản Đà . Tác phẩm của thi sĩ, xuất bản trước và sau khi thi sĩ mất, tôi mua không thiếu quyển nào.

Tôi còn nghe được một bài thơ nữa của Tản Đà làm trong một trường hợp đặc biệt. Tuy nói ra hơi dài dòng, song trường hợp đó tả được một cách rõ rệt tư cách thanh cao của thi sĩ, nên xin mạn phép kể lại lời ông Trưởng Huyên, để các bạn cùng nghe:
“Hôm đó - lời ông Trưởng Huyên - một người bạn tôi ở một làng thuộc huyện Bạch Hạc, mời thi sĩ và tôi về ăn giỗ. Về được hai hôm thì một người lính lệ trên huyện tới mời thi sĩ lên chơi huyện. Đang ngồi đánh chén với tôi, thi sĩ hỏi người lính lệ: “Anh mời tôi hay ông Huyện mời tôi?”. Người lính thưa: “Quan Huyện mời”. Thi sĩ cười khể khả nói: “Anh về thưa với quan anh: Nếu muốn mời thi sĩ Tản Đà thì quan phải viết thư trịnh trọng. Nếu muốn đòi tên Nguyễn Khắc Hiếu thì xin thảo trát bắt”.
Sớm mai, một chiếc ô tô len lỏi vào tận giữa làng. Chính ông Huyện thân đến mời thi sĩ…
Trong khi thi sĩ đợi tại phòng khách để ông Huyện vào nhà trong sai dọn rượu, thì thi sĩ có dịp ngắm sự bày biện và khiếu thẩm mỹ của chủ nhân.
Câu đối hoành phi, chữ đã không tốt, lời và ý lại không hay. Giữa đám câu đối chữ nho, ken một bức ảnh cô đào chiếu bóng.
Cạnh chiếc lọ Giang Tây quý giá, bầy một pho tượng của Nã Phá Luân. Nào dĩa khang lư, nào dĩa Nhật Bản, nào dĩa men rạn treo la liệt quanh một chiếc gương Sanh-Gô-Banh mài cạnh. Đồ đạc, bàn ghế lủng củng không ra lối Tàu, không ra lối Tây, không hẳn là tân thời, cũng không thủ cựu, chỉ đượm vẻ phong lưu của một nhà giàu đột khởi.
Khi vào phòng ăn, chưa kịp nhắp rượu, thi sĩ đã ngáp dài ngáp ngắn. Thi sĩ đã lượng trước rằng: Đối với một chủ nhân có phòng khách ấy, tất không thể nói chuyện văn thơ.
Cuối bữa rượu, ông Huyện sai mang ra một bức tranh tố nữ, nhờ thi sĩ đề hộ một bài.
Bây giờ thi sĩ mới hiểu cái ý nghĩ của ông Huyện mời mình. Khi chủ nhân ca tụng bức tranh, thi sĩ còn mãi nghe. Và đang hoa mắt về rượu nên không ngắm bức tranh được kỹ. Nhưng lúc ông Huyện xin lui vào nhà trong, để thi sĩ nghĩ thơ, thi sĩ mới định thần nhìn lại, thì ôi thôi! Tranh không đáng nửa đồng! Trông tranh tố nữ, dáng điệu chẳng thấy cảm hứng chút nào! Thi sĩ đành xếp bút, xin khất đến chiều.
Nhưng đến chiều cũng vậy. Rượu đã đánh đổ luôn hai chai bố, mà thơ chẳng nảy một vần con. Ông Huyện tưởng thi sĩ đợi có tiền mới viết, nên tối hôm đó, đưa ra hai trăm bạc tặng thi sĩ. Phải biết, hai trăm bạc hồi đó bằng hai vạn bạc bây giờ. Muốn chuốc mấy bài thơ, mà tặng tới hai trăm bạc, tưởng sự xa xỉ ái tài của ông Huyện đã lên tới tột bực! Thi sĩ chỉ cười, mặc tiền nằm trên mặt án.
Hôm sau, ông Huyện vào thăm, thi sĩ vẫn ngồi cắn bút. Ông đâm ra nghi tài của thi sĩ. Hình như thi sĩ hiểu, nên chợt hỏi:
- Quan lớn có ở cùng một tiểu thư nào đây không?
- Các cháu ở Hà Nội học. Có con cháu thứ hai mới về thăm tôi.
- Bao nhiêu tuổi?
- Cháu hai mươi hai.
Thi sĩ mừng rón:
- Thế thì tốt quá! Xin quan lớn cho mượn!
Cho mượn! Thật là một câu chuyện lạ lùng! Ông Huyện
rất đông khách. Mà thi sĩ ngồi lù lù giữa nhà đánh chén, thật là một chướng ngại vật. Ông Huyện muốn chóng cất được cái chướng ngại vật đó đi, nên cố hiểu:
- Tiên sinh định làm gì?
- Tôi chỉ muốn mời tiểu thư ngồi chơi đây độ năm phút, phỏng có được chăng?
Ông Huyện vui lòng ngay, rồi lập tức gọi con gái ra giới thiệu.
Đó là một thiếu nữ nhan sắc tuyệt vời! Mới thoạt nhìn, thi sĩ đã thấy trái tim rung động. Nước da trắng nõn, đôi mắt bồ câu, bộ môi san hô, hàm răng ngọc chuốt. Bấy nhiêu thức cùng với bộ y phục tân trang chốn Hà thành, làm cho một thi sĩ đa tình không sao cầm nổi lòng yêu mến! Nguồn thơ bỗng đâu khởi mạch, tứ thơ và lời thơ ào ào như thác vỡ bờ. Sau khi ông Huyện giới thiệu và vào nhà trong, bằng giọng run run, thi sĩ mời tiểu thư ngồi xuống một chiếc ghế. Thi sĩ cũng ngồi trước án, úp bức tranh xuống, cầm bút múa một hồi như mưa sa gió táp.
Rồi thi sĩ đứng dậy, cảm ơn tiểu thư, đội khăn mặc áo, cắp chiếc dù lật đật ra về, quên cả chào ông Huyện.
Khi ông Huyện trở vào thì thi sĩ đã mất hút. Trên mặt án, hai tờ giấy một trăm còn nằm nguyên dưới bức tranh úp mặt. Ông Huyện cầm bức tranh xem thì là một bài thơ trường thiên có năm đoạn”.
Tiếc thay, ông Trưởng Huyên, kể cho tôi nghe câu chuyện nầy lại là người không có khiếu thơ, nên chỉ nhớ được một đoạn cuối. Xin viết ra đây và mong ông Huyện nào đó, không tham giữ độc quyền, mà công bố toàn tích bài thơ, để kho thơ nước ta khỏi thiếu sót một công trình tuyệt diệu:
……….
Mắt đâu một liếc nghiêng thành,
Người đâu tưởng hiện từ tranh cổ Tàu
Ví dù chẳng đoái thương nhau,
Tình câm một khối, dạ sầu
ngàn năm....
 
(Dẫn theo cuốn Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa, Phạm Công Luận tuyển chọn và giới thiệu, Công ty văn hóa Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM 2020)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.