Bài toán phổ cập Mobile Money: cần có tâm và có tầm

08/12/2021 11:30 GMT+7

Tiền di động (Mobile Money) được cấp phép, hứa hẹn thúc đẩy thanh toán số trong toàn dân, nhưng để biến kỳ vọng thành hiện thực thì cần phải có “người tiên phong”.

Nhìn từ câu chuyện điện thoại di động

Theo báo cáo "e-Economy SEA 2021" công bố gần đây, Google, Temasek và Bain & Co, năm 2021, có thêm 8 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng kỹ thuật số, 44% người dân lần đầu tiên có giao dịch thương mại điện tử, 84% người tiêu dùng đã chấp nhận sử dụng các phương tiện thanh toán không tiền mặt. Dĩ nhiên, các con số thống kê này cho thấy tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 đến người tiêu dùng, với việc tìm đến giải pháp mua sắm không tiếp xúc. Đó là những con số hoàn toàn ăn khớp với việc ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt thí điểm Mobile Money. Chỉ với điện thoại di động, chưa cần tài khoản ngân hàng hoặc internet, Mobile Money được kỳ vọng có thể trở thành công cụ hiệu quả giúp Chính phủ thúc đẩy phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Với nhiều người, thanh toán không dùng tiền mặt đã quen thuộc đến mức gần như là hiển nhiên. Câu chuyện ấy không khác gì cách đây 2 thập kỷ, khi mà điện thoại di động đã rất phổ biến ở thành thị, thì ở nông thôn đó vẫn là một ước mơ xa vời. Những năm đầu của thiên niên kỷ mới, khi đó chưa có khẩu hiệu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” hay khái niệm “Cuộc cách mạng 4.0”, khoảng cách giàu nghèo, nông thôn thành thị, miền xuôi miền ngược mặc nhiên được xem là rất khó xóa nhòa. Trên truyền hình, những bộ phim về nông thôn khắc họa nét “chân chất” của người nông dân, với những ông trưởng thôn, những ông bố bà mẹ đưa con lên thành phố thi đại học, hay những đại gia chân đất học đòi trưởng giả nhờ bán đất cho khu công nghiệp.

Năm 2004, đột nhiên người ta thấy hình ảnh người nông dân cầm điện thoại di động đứng ở đầu bờ ruộng xuất hiện trên các nội dung quảng cáo. Đầu số 098 - mạng di động Viettel ra đời.

Cuộc cách mạng bình dân hoá điện thoại di động đã “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Nhắc lại câu chuyện này một chút, để thấy rằng trong mỗi cuộc cách mạng công nghệ dù lớn dù nhỏ, không dễ để theo đuổi đến cùng tôn chỉ phụng sự cho lợi ích của toàn dân. Bởi vì từ góc độ kinh doanh - nhất là kinh doanh dịch vụ viễn thông - nhắm vào thị trường trọng điểm sẽ giảm chi phí đầu tư đồng thời tối ưu hóa hạ tầng dịch vụ. Câu chuyện Mobile Money cũng vậy, được sự “bật đèn xanh” của Chính phủ, cuộc đua chắc chắn sẽ rất sôi động. Câu chuyện “để không ai bị bỏ lại phía sau” một lần nữa cần được nói đến, thế nhưng đâu sẽ là đơn vị tiên phong trong sứ mệnh này.

“Người tiên phong” và sứ mệnh tiếp nối

Cùng với việc được cấp phép triển khai Mobile Money, Viettel cho ra mắt hệ sinh thái tài chính số Viettel Money với đa dạng nguồn tiền, từ đó kết nối và phục vụ tới mọi người dân. Lần đầu tiên chỉ bằng số điện thoại Viettel, người dân ở bất cứ đâu đều có thể dễ dàng đăng ký và trải nghiệm giao thương không tiền mặt, với đa dạng nguồn tiền, sử dụng mọi nơi, mọi lúc. Quá trình thanh toán, mua bán, nạp, rút, chuyển tiền được tối ưu hóa, trở nên nhanh chóng và tiện lợi - chỉ với thao tác đơn giản trên mọi thiết bị di động, ngay cả khi không có kết nối internet, không sử dụng data.

Sự ra đời của hệ sinh thái Viettel Money là hành trình hơn 10 năm tích lũy và tiên phong đặt nền móng, xây dựng hạ tầng dịch vụ số, tài chính số tại Viettel. Việc thừa hưởng kinh nghiệm, lợi thế sẵn có của Viettel với mạng lưới viễn thông phủ sóng 63 tỉnh, thành cho phép Viettel Money tiếp cận tới mọi tập khách hàng, bao gồm cả những đối tượng chưa đủ điều kiện tiếp xúc với công nghệ và các dịch vụ thanh toán - tài chính số.

Nhờ thanh toán không dùng tiền mặt, người dân có thể bán được nông sản ở những nơi xa hơn, cho các nhà phân phối lớn hơn thay vì phải dựa vào hệ thống thương lái tại chỗ. Đó là nền tảng cho viễn cảnh bất cứ người nông dân nào cũng có thể rao bán các mặt hàng nông sản của mình trực tiếp tới người dùng trên các trang thương mại điện tử.

Mobile Money sẽ không còn là viễn cảnh

Đã là năm 2021, mạng di động xuất hiện ở Việt Nam gần 30 năm, và những tiện ích mà nó mang lại cho đến nay đã lan tỏa đến hầu hết các hoạt động của xã hội. Thế nhưng chỉ cần ra khỏi thành thị hơn 20km, việc thanh toán không tiền mặt trở nên rất khó khăn. Để đảm bảo khoảng cách an toàn, người dân chăng dây trước sạp hàng của mình, trao đổi hàng hóa và tiền mặt trong một chiếc rổ nhựa. Nhìn cảnh ấy, càng thấy rằng Mobile Money phải là giải pháp của hiện tại, chứ không còn là tương lai nữa.

Đây chính là động lực để “Kiến tạo cuộc sống mới” - thông điệp của Viettel Money, đã chính thức được Viettel triển khai từ đầu tháng 12.2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.