Bài toán khó của điện ảnh Việt

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
03/04/2024 07:34 GMT+7

Dù thị trường điện ảnh VN được đánh giá đang phát triển rất sôi động và nhanh nhất châu Á, nhưng đó chỉ là những phim thắng lớn kiểu "đột biến", và thị trường lúc này vẫn hiển hiện những khó khăn nan giải.

"KHÁT" VỐN LÀM PHIM

Chuyên trang Deadline (Mỹ) hồi cuối tháng 2 vừa qua nhận xét điện ảnh VN phát triển nhờ có lượng khán giả đông đảo và nhiều dự án thu lợi nhuận cao.

Bài toán khó của điện ảnh Việt- Ảnh 1.

Khán giả luôn ra rạp ủng hộ những phim Việt chất lượng

T.T

Nhà sản xuất Khoa Nguyễn nhận định: "Với khán giả VN, những câu chuyện gần gũi, dễ liên hệ, nhiều cảm xúc, cùng ngôn ngữ tiếng Việt sẽ được họ ưu tiên chọn xem hơn. Đó là điều thuận lợi cho con đường cất cánh của phim Việt. Tuy nhiên ai cũng thấy thị trường phim Việt ngàn tỉ mà rất bấp bênh, thiếu bền vững".

Phòng vé Việt hiện đang tồn tại tình trạng một số ít phim có doanh thu cao vượt trội, lập những kỷ lục mới hàng trăm tỉ đồng, còn số đông hàng chục phim còn lại lỗ nặng. Nỗi lo ngại về sự chênh lệch quá lớn giữa phim ăn khách và phim thua thảm hại đã thật sự khiến nhiều người làm phim và đầu tư sản xuất "chùn chân". Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc tìm vốn, thu hút nhà đầu tư "rót tiền" cho các dự án điện ảnh gặp muôn vàn khó khăn, vướng mắc với các nhà làm phim. Những "ông lớn" ngoài ngành (thường là công ty bất động sản, các nhãn hàng tiêu dùng, những tổ hợp vui chơi...) trước đây từng hứng thú đầu tư tiền chục tỉ vào phim ảnh hiện đã rút lui hoàn toàn, hoặc đều khá rụt rè với những tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để tránh rủi ro. Nhiều nhà làm phim Việt chia sẻ, trước đây việc kêu gọi vốn cho phim Việt đã khó thì nay, sau đại dịch Covid-19, tình hình chung khó khăn, việc tìm nguồn vốn sản xuất phim càng gian nan hơn.

Qua việc phim Mai của Trấn Thành tổng kết cán mốc gần 550 tỉ đồng với hơn 6,5 triệu vé bán ra, trở thành phim điện ảnh có doanh thu cao nhất lịch sử phim chiếu rạp tại VN, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tường Vi chia sẻ: "Nhìn qua Hàn Quốc, với số dân hơn 51 triệu người nhưng số vé bán ra cao nhất là 17,6 triệu vé (phim The Admiral: Roaring Currents, năm 2014) thì với dân số hơn 100 triệu người của VN, dư địa phát triển của điện ảnh Việt còn rất lớn. Ngành điện ảnh chưa được nhìn nhận như là một nền kinh tế đầy tiềm năng, từ đó dẫn đến việc nguồn vốn đầu tư vào điện ảnh vẫn còn rất ít".

Rõ ràng, khi không có nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào làm phim thì chắc chắn điện ảnh Việt sẽ không có phim tầm vóc lớn với mức đầu tư kinh phí khủng, mà chỉ có phim ở mức tầm trung hoặc phim nhỏ. "Bài toán khó" làm thế nào để "liệu cơm gắp mắm" đã đặt ra không ít thách thức cho các đoàn phim. Như đạo diễn Victor Vũ khi làm phim Người vợ cuối cùng đã phải thừa nhận "muốn mọi thứ an toàn cho các đối tác và nhà đầu tư", anh đã đặt ra kinh phí "ở mức nhà đầu tư chấp nhận được, không ngợp để có thể rót tiền". Chính các phim Việt bị chê là thảm họa về mặt chất lượng và thua lỗ nặng đã phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư, khiến không nhiều phim kêu gọi được kinh phí sản xuất.

Nhân lực "có nghề" khan hiếm

Các nhà sản xuất phim cũng nhìn nhận cái đáng lo nhất từ "gốc" và là khó khăn lớn của điện ảnh Việt hiện tại chính là nhân lực mảng sáng tạo phim quá thiếu và ít người giỏi, đa số chưa được đào tạo đúng với nhu cầu thực tế. Đạo diễn, nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa bày tỏ: "Điểm yếu lớn của phim Việt là tình trạng thắt cổ chai ở những vị trí quan trọng như đạo diễn, biên kịch, diễn viên… Làm phim là công việc không dễ và đòi hỏi sự góp sức của một tập thể giỏi. Để mặt bằng chung phim Việt có chất lượng cao đều hơn, chứ không chỉ có vài phim ăn khách và chất lượng phim luôn trồi sụt, vẫn là phải đầu tư phát triển nhân lực, nguồn vốn và trang thiết bị, bởi lượng người làm nghề giỏi trong các khâu hiện vẫn rất ít ỏi".

Bài toán khó của điện ảnh Việt- Ảnh 2.

Đạo diễn Trấn Thành và ê kíp làm phim Mai trên trường quay

CJ HK

Nhà sản xuất - đạo diễn Hằng Trịnh nói thêm: "Nguồn nhân lực của điện ảnh Việt không đủ lớn và các nhà làm phim không có nhiều lựa chọn trong việc tuyển diễn viên và các thành phần trong đoàn để dự án mới mẻ và khác biệt so với những tác phẩm trước đó. Vì thế, ngay bây giờ, vấn đề cần thiết là phải đào tạo để có nhiều nhân tài hơn trong lĩnh vực làm phim, và như vậy thì thị trường mới có thể thực sự phát triển bền vững".

Có thể thấy, hiện giờ nhân lực nổi trội trong ngành điện ảnh không nhiều, quanh quẩn chỉ vài cái tên làm phim có chất lượng, cả về đạo diễn, biên kịch, diễn viên… Sự nghèo nàn ở "menu" (thực đơn) tên tuổi đạo diễn để khán giả lựa chọn phim tốt xem là có thật, bởi ra rạp đa số phim Việt dở nhiều hơn hay. Sự xuất hiện của Trấn Thành ở địa hạt điện ảnh như một "cú hích" mạnh mẽ cho cả thị trường. Tuy nhiên, "đạo diễn ngàn tỉ" chỉ có mỗi Trấn Thành, ngấp nghé dưới mức ngàn tỉ hay vài trăm tỉ chỉ điểm danh được Lý Hải, Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Vũ Ngọc Đãng, Phan Gia Nhật Linh; cùng vài cái tên đang tạo dựng uy tín với khán giả như: Võ Thanh Hòa, Trần Hữu Tấn, Trịnh Đình Lê Minh... Công chúng và nền điện ảnh VN cần nhiều cái tên nổi trội khác và nhiều nhà làm phim hơn nữa để tạo nên sức bật lâu dài cho điện ảnh Việt.

Vì thế, việc "gia cố lực lượng", làm dày hơn số lượng nhân lực giỏi ở nhiều mảng trong nghề làm phim để lấy lại niềm tin từ khán giả bằng những tác phẩm chất lượng mang ý nghĩa tiên quyết cho điện ảnh Việt thời điểm này. Đạo diễn Timothy Linh Bùi thừa nhận: "Bản thân đạo diễn phải có tầm nhìn và quy tụ được các nhân sự giỏi hơn mình rất nhiều ở các lĩnh vực khác nhau". Đồng thời, ông cũng nêu ý kiến rằng các nhà làm phim phải hiểu chất lượng phim là yếu tố được đặt lên hàng đầu bởi thị hiếu xem phim của khán giả ngày càng cao hơn trước.

Quả thật, để những thành tích vừa qua không chỉ là "hiện tượng", điện ảnh Việt vẫn phải nhìn sâu vào gốc rễ để "cải tổ" nhằm tiếp tục có cơ hội bứt phá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.