Bài kiểm tra đặc biệt để gia nhập lính mũ nồi xanh Mỹ

04/02/2022 19:30 GMT+7

Các thành viên đặc nhiệm Mỹ phải sử dụng kỹ năng đặc biệt để đào tạo và giúp lực lượng kháng chiến địa phương giả định nổi dậy lật đổ chính quyền và thống nhất đất nước hư cấu.

Đó là nội dung của cuộc tập trận tác chiến bất quy ước mang tên Robin Sage mà các ứng viên cần hoàn thành để có thể chính thức trở thành thành viên mũ nồi xanh của lục quân Mỹ, theo trang The Drive.

Cuộc tập trận do Trường tác chiến đặc biệt John F. Kennedy (SWCS) thuộc lục quân Mỹ tại căn cứ Fort Bragg, bang Bắc Carolina, tổ chức thường niên. Năm nay, cuộc tập trận diễn ra từ ngày 22.1 - 4.2 và trải dài trên khắp 25 quận của Bắc Carolina và 3 quận của Nam Carolina.

Người tham gia Robin Sage năm 2019

Lục quân Mỹ

Tác chiến bất quy ước

Robin Sage được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1974 và là bài kiểm tra cuối cùng để ứng viên nhận được mũ nồi xanh. Các ứng viên đặc nhiệm tham gia Robin Sage sẽ thực hiệm nhiều nhiệm vụ liên quan đến nhiều kỹ năng tác chiến bất quy ước trong môi trường chiến đấu cực kỳ phức tạp.

Bộ Quốc phòng Mỹ định nghĩa tác chiến bất quy ước không phải là dùng lực lượng quân sự để tiêu diệt hay vô hiệu hóa đối phương mà là đào tạo, hỗ trợ phong trào kháng chiến, nổi dậy để có thể phá vỡ hoặc lật đổ chính quyền, giành lấy quyền lực. Các hoạt động này thường được thực hiện kết hợp với lực lượng du kích địa phương trong môi trường thù địch.

Binh sĩ băng rừng trong cuộc tập trận Robin Sage 2019

Lục quân Mỹ

Theo The Drive, quân đội Mỹ thường xuyên gặp phải môi trường tác chiến này từ sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001. Trong đó, lực lượng Mỹ phải hoạt động trong cuộc xung đột giữa các nhân tố nhà nước và các nhân tố phi nhà nước như khủng bố, tổ chức bán quân sự. Nhiều lựa chọn chiến thuật và chiến lược cho một cuộc chiến tranh quy ước hay xung đột quy mô lớn giữa các nước có năng lực tương đương nhau không phù hợp cho những cuộc xung đột bất quy ước này.

Robin Sage tạo ra một môi trường tác chiến bất quy ước với đặc điểm là bất ổn chính trị, xung đột vũ trang, để binh sĩ rèn luyện kỹ năng đào tạo các đơn vị, kỹ năng đàm phán, kết nối với các lãnh đạo phản kháng và tác chiến du kích. “Cuộc tập trận này buộc binh sĩ phải phân tích và giải quyết các vấn đề để đối phó những thách thức trong cuộc huấn luyện thế giới thực”, lục quân Mỹ thông báo.

Binh sĩ mang vác nhiều quân trang lội suối

Lục quân mỹ

Kịch bản như thật

Trong cuộc tập trận, đơn vị đặc nhiệm thực hiện một chiến dịch du kích diễn ra trên lục địa hư cấu mang tên Atlantica nằm ở bờ đông Mỹ. Nước “Cộng hòa Pineland”, đồng minh của Mỹ, bị nước “Các tỉnh thống nhất Atlantica” xâm chiếm và dựng lên chính quyền không hợp thức. Đơn vị đặc nhiệm của Mỹ phải kết nối, đào tạo các nhóm du kích địa phương đứng lên giành lại chính quyền “Cộng hòa Pineland”.

Cuộc tập trận còn có sự tham gia của tình nguyện viên đóng vai dân thường, người biểu tình hoặc lực lượng kháng chiến. Một số người dân cho lục quân Mỹ sử dụng đất tư để tổ chức tập trận. Nước “Cộng hòa Pineland” còn có tờ tiền riêng in hình cây thông.

Tờ tiền của "Cộng hòa Pineland"

Lục quân Mỹ

Thành viên đội đặc nhiệm gặp người đóng vai tay buôn chợ đen

Lục quân Mỹ

Cuộc tập trận thực tế đến mức lục quân Mỹ phải phát thông báo trước với các cơ quan hành pháp địa phương để không bị nhầm lẫn đó là một cuộc nổi dậy có thật. Trong thông cáo gửi đến các hãng truyền thông địa phương, SWCS báo trước rằng người dân có thể nghe thấy tiếng súng hoặc nhìn thấy pháo sáng nhưng trấn an rằng các biện pháp an toàn được thực hiện để không gây ảnh hưởng đến người dân và tài sản.

Năm 2002, tai nạn xảy ra khi hai binh sĩ tham gia tập trận lái xe không được đánh dấu và ăn mặc như dân thường bị một cảnh sát tại thành phố nhỏ Robbins ở Bắc Carolina chặn lại. Hai người này nghĩ viên cảnh sát cũng tham gia cuộc tập trận nên giơ súng ra để đòi tước vũ khí. Kết quả, viên cảnh sát bắn chết một người và một người bị thương.

Từ đó, người tham gia phải đeo băng tay đỏ và mũ để nhận diện. Các khu vực diễn ra tập trận và phương tiện cũng được làm dấu rõ ràng.

Thành viên đội đặc nhiệm bịt mắt người đóng vai kẻ địch

Lục quân Mỹ

Người tham gia phải đeo băng đỏ để nhận diện

Lục quân Mỹ

Mặc dù có những cảnh báo an toàn và giải thích rõ ràng, nhưng cuộc tập trận Robin Sage gây ra những xôn xao, lo ngại. Tình huống giả định của cuộc tập trận cũng làm dấy lên những thuyết âm mưu.

Tuy vậy, Robin Sage vẫn được đánh giá là một trong những cuộc tập trận cao cấp của quân đội Mỹ nhằm chuẩn bị cho các đơn vị đặc nhiệm kỹ năng để hoàn thành những nhiệm vụ nhạy cảm, thách thức bậc nhất trên thế giới như tác chiến bất quy ước, chống nổi dậy, chống khủng bố, trinh sát đặc biệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.