Bài học về sự đoàn kết và nêu gương

06/07/2021 06:19 GMT+7

Thủ tướng nêu rõ: “Càng khó khăn càng phải đoàn kết”, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nội bộ, đoàn kết trong toàn dân, đoàn kết giữa các địa phương.

Trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, TP trên cả nước để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm ngày 2.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 4 bài học kinh nghiệm đúc rút từ sự chỉ đạo điều hành và từ thực tiễn cuộc sống.
Trong đó bài học về sự đoàn kết và sự gương mẫu của lãnh đạo là những bài học căn cốt, cần thiết, mang tính chiến lược trong chỉ đạo điều hành để phát huy được hết sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là vào thời điểm cả nước đang căng sức vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, thực hiện cho được mục tiêu kép mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiên trì bấy lâu nay.

Bản tin Covid-19 ngày 5.7: Ngày “kỷ lục” 1.102 ca, chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt người ra vào TP.HCM

Càng khó khăn càng phải đoàn kết

Thủ tướng nêu rõ, đẩy lùi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 là có nhiều khó khăn hơn, phức tạp hơn. Có những diễn biến chưa có tiền lệ, nhưng càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ trách nhiệm, lắng nghe ý kiến của nhau. Thủ tướng thẳng thắn: Thủ tướng hết sức cầu thị, lắng nghe, phát huy dân chủ để kịp thời điều chỉnh chiến lược, bổ sung, hoàn thiện cách làm, giải pháp, phương án phù hợp tình hình, sát thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
“Càng khó khăn càng phải đoàn kết”, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nội bộ, đoàn kết trong toàn dân, đoàn kết giữa các địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Đoàn kết là sức mạnh. Trong tình huống cả nước đang “Chống dịch như chống giặc”, tinh thần đoàn kết vô cùng quan trọng và là sức mạnh nội sinh để cùng nhau vượt qua khó khăn thách thức.
Thủ tướng nhấn mạnh bài học về thành công trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương: Cứ địa phương nào bí thư và chủ tịch là một, cùng đoàn kết, địa phương đó sẽ phát triển nhanh chóng và việc gì cũng thành công.
Đoàn kết giữa các địa phương cũng rất quan trọng. Trong phòng chống dịch, các địa phương phải chia sẻ, đoàn kết với nhau. Xã với xã, huyện với huyện và tỉnh, TP này với tỉnh, TP khác. Các địa phương bọc lót, chi viện cho nhau. Giúp bạn cũng là giúp chính mình, lo cho bạn cũng là lo cho mình. Nhớ lại đợt bùng phát dịch thứ 3, lúc đó Hải Dương đang là điểm nóng với hàng trăm ca bệnh. Quảng Ninh là tỉnh giáp ranh, mới chỉ xuất hiện vài ca bệnh, nhưng ngay lập tức chi viện cho Hải Dương để chống dịch, hỗ trợ bằng tất cả những gì có thể. Và cuối cùng, cả hai địa phương đó đều chống dịch thành công. “Địa phương bạn mà tốt, mà không có dịch là mình cũng yên tâm”, một lãnh đạo địa phương chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm: Phải đoàn kết thực sự chứ không phải hình thức. Trước hết đoàn kết ngay trong Đảng, trong cấp ủy. Sau đó là đoàn kết trong nhân dân.
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 3, tỉnh Hải Dương là tâm dịch. Lúc đó người dân cả nước đã ra sức giúp đỡ, chia sẻ, động viên nhân dân Hải Dương cả vật chất và tinh thần. Những chuyến hàng viện trợ đã khẩn trương được gửi ra Hải Dương từ TP.HCM, những bác sĩ, nhân viên y tế đã lên đường ra Hải Dương chống dịch. Họ giúp Hải Dương bằng tất cả tấm lòng, bằng tất cả những gì có thể. Đến đợt dịch thứ 4 bùng phát, TP.HCM là điểm nóng, tình hình diễn biến ngày một phức tạp thêm. Chỉ sau chưa đầy 24 giờ, hàng trăm y, bác sĩ, nhân viên y tế Hải Dương đã khoác ba lô lên đường vào tâm dịch TP.HCM để giúp TP chống dịch. Họ đi “chống giặc” với tinh thần vui vẻ, thanh thản và đầy trách nhiệm, không một chút lăn tăn, do dự. Đoàn kết và tình người trong phòng chống dịch là như thế. Đó cũng là truyền thống quý báu của dân tộc chúng ta trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Đoàn bác sĩ Bệnh viện 199 Bộ Công an chi viện TP.HCM chống dịch Covid-19

Tất cả vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân

Một bài học nữa được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc họp là tính gương mẫu của lãnh đạo, của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Lãnh đạo là đảng viên luôn phải gương mẫu, tiên phong và đi đầu trong tất cả các phong trào. Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng.
Lãnh đạo gương mẫu sẽ giúp truyền cảm hứng cho nhân viên, cho cấp dưới và cho nhân dân. Trong phòng chống dịch, lãnh đạo lại càng phải gương mẫu, phải bám sát cơ sở, phải đánh giá đúng tình hình, phải mạnh mẽ, đi đến tận cùng của khó khăn, không giáo điều, không hình thức. Lãnh đạo phải đưa ra chỉ đạo sát với tình hình, sắc sảo trong chỉ đạo, linh hoạt trong điều hành, đưa ra những quyết định phù hợp, khả thi, hiệu quả, truyền cảm hứng và động lực cho cấp dưới - Thủ tướng lưu ý. Tất cả vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân.
Ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn chưa lâu, cũng là đợt dịch thứ 4 bùng phát, Thủ tướng đã đích thân đến kiểm tra và động viên lực lượng chống dịch trên tuyến đầu biên giới Tây Nam. Vài ngày sau, ngay sau kết thúc cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch, Thủ tướng đã đến Bắc Giang, Bắc Ninh - điểm nóng nhất về dịch bệnh thời điểm đó để kiểm tra, đôn đốc, trực tiếp động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, sớm đưa các nhà máy trở lại sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất...
Cuối tuần trước, Thủ tướng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã vào làm việc với TP.HCM và các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đến thăm các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vắc xin, các nhà máy sản xuất, kiểm tra và động viên lực lượng chống dịch tại Bình Dương, Đồng Nai... Người đứng đầu Chính phủ đích thân đến những nơi tuyến đầu về phòng chống dịch để mắt thấy, tai nghe...
Tất cả những điều đó đều vì sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.