TNO

Bài học từ vụ dàn dựng clip cướp mic tạt nước người hát rong

09/06/2016 08:00 GMT+7

(iHay) Mấy ngày qua, video clip ghi lại hình ảnh một vị khách trong quán ăn cướp mic, tạt nước vào mặt một thanh niên hát rong khiến dư luận xôn xao và gây ra những phản ứng trái chiều.

(iHay) Mấy ngày qua, video clip ghi lại hình ảnh một vị khách trong quán ăn cướp mic, tạt nước vào mặt một thanh niên hát rong khiến dư luận xôn xao và gây ra những phản ứng trái chiều. Dù tình huống này đã được làm rõ là dàn dựng, nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân những người trong cuộc.

>> Vụ MC Phan Anh tranh luận về mạng xã hội trên VTV gây xôn xao 

Hành động tạt nước được xác định là dàn dựng - Ảnh xử lý từ clip
"Biết rất rõ gốc gác danh tính người quay clip"
Theo Vũ Nguyễn, bạn của anh Phạm Mạnh Cường (Giảng viên khoa Hệ thống thông tin, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng là nhân vật được cho là “phản diện” trong clip) thì ban đầu, anh chàng hát rong đã đến bàn “nhờ” Vũ diễn xuất chứ không phải Cường. Tuy nhiên, vì chỗ ngồi bất tiện nên anh Cường làm thay và vô tình trở thành “nạn nhân” của chiêu trò “câu like”
“Lúc đó bàn mình có 6 người và nhiều người khác cũng chứng kiến chuyện này. Anh chàng Mạnh Hùng đó (chỉ người hát rong – PV) tự xưng là trợ lý của một ca sĩ đến cùng một người khác. Họ nhờ tụi mình đóng vai trong clip, theo Hùng là để đem về cho ca sĩ xem, đánh giá. Trước đó đã quay ở bàn khác nhưng bị hỏng. Tụi mình cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ muốn giúp đỡ mà thôi”, Vũ Nguyễn chia sẻ với iHay.vn chiều 8.6.
Vũ Nguyễn khẳng định sau khi quay xong, bản thân anh cũng nghĩ là nhóm "người của ca sĩ" sẽ tung lên mạng, nhưng không ngờ là nội dung lại không ghi rõ khiến bạn anh bị hiểu lầm.
“Nói đúng ra là tụi mình cũng không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng Cường thì lại bị ảnh hưởng uy tín vì là giáo viên. Họ muốn kiếm tiền cũng không sai, nhưng làm vậy rõ ràng là hơi quá. Tụi mình, nhất là Cường, cũng đang chờ lời giải thích chính thức từ bên phía người đăng clip. Bản thân mình cũng biết rất rõ gốc gác danh tính người quay clip, vì ở cùng xóm với một bạn trong bàn. Muốn tìm nói chuyện phải quấy thì không khó, nhưng tụi mình muốn họ tự giác. Làm vậy rõ ràng không đúng. Và nói thật là tụi mình cũng không ngờ phản ứng của cộng đồng mạng lại mạnh mẽ đến vậy”, Vũ Nguyễn nói với tâm trạng khá bình tĩnh.
Trước đó, bản thân thầy Cường cũng đã có một “tâm thư” khá dài trên Facebook cá nhân, chia sẻ về vụ việc.
“Mình sống sao trước giờ có anh em, bạn bè, đồng nghiệp và sinh viên biết, nếu làm một hành động vô sỉ như vậy liệu có quá đáng không? Ai cũng sinh ra có danh dự và thân phận, mình không phân biệt ai hết, miễn là làm bằng sức lao động của mình đều đáng được trân trọng! Mình viết status này không trách anh ca sĩ kia cũng không mong anh ta tạ ơn, chỉ mong anh nói lên sự thật để mọi người có cái nhìn đúng đắn và trả lại danh dự cho mình. Làm ơn mắc oán, mình không có ham nổi tiếng anh ơi”, Cường giãi bày
Theo một cán bộ của trường Đại Học Kinh tế Luật, bản thân các thành viên của nhà trường cũng chưa nắm rõ vụ việc nên không có bình luận gì.
“Nhưng tôi có thể khẳng định là Cường là một thầy giáo rất nghiêm chỉnh, dễ thương. Trong trường, cậu ấy rất “hot” vì hát hay và ngoại hình bắt mắt, được các em sinh viên lẫn đồng nghiệp yêu mến”, người này tiết lộ.
Thị phi từ thói quen “mồm mép tép nhảy” của đám đông
Không chỉ clip hát rong trên, trước đó cộng đồng mạng cũng đã từng là “nạn nhân” của những chiêu trò câu like, câu view bằng những hình ảnh, thậm chí video clip dàn dựng hoặc không rõ nguồn gốc như ảnh bắt tôm hùm 145kg, phu nhân Michelle mặc áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng hay ảnh nướng gà bằng đèn khò. Vài tiếng ngồi trên mạng, bản thân chúng ta cũng khó có thể kiểm soát hết những lần mình “tiện tay” nhấn like hay share một điều gì đó, và dĩ nhiên, không để ý hoặc chẳng hề biết đến hậu quả của nó.
Trang Lifehack nhận định rằng, nhu cầu chia sẻ buồn vui với cộng đồng trên mạng ảo là có thật, thế nhưng, chuyện chia sẻ những điều thuộc về cá nhân, nhất là tâm trạng tiêu cực lại có tác động không tốt đến sự tự tin và sức khỏe cảm tính của con người. Nếu thật sự muốn tìm được sự thoải mái, cần động viên, bỏ bớt gánh nặng trong lòng, điều cần làm không phải là ngồi ghi … status than vãn mà rời khỏi máy tính, đi uống cà phê với bạn bè, tập thể thao hay viết nhật ký.
Còn trong bài viết của trang Makeuseof, những cá nhân hay tổ chức đăng tải clip, ảnh trên mạng xã hội thật sự có thể “khiển” được đông đảo cư dân mạng, khi tung ra những sản phẩm đánh đúng thị hiếu đám đông. Đó cũng chính là lý do những clip có nội dung liên quan đến hoàn cảnh đáng thương, động vật, trẻ nhỏ, gây sốc, quá khích, bí hiểm, gây sợ hãi, gây cười, hoài cổ, truyền cảm hứng hoặc thông tin không rõ ràng… sẽ tạo được sự chú ý đặc biệt.
Trở lại với clip "cướp mic" dàn dựng nói trên, Vũ Nguyễn nhận định rằng, qua chuyện này, anh mới thấm thía được rõ mặt trái của thế giới mạng, khi thị phi được tạo ra quá dễ dàng chỉ bởi một nút “share” hay "comment" thiếu cân nhắc.
“Cũng không trách người xem được vì nếu coi một clip mà không tìm hiểu kỹ, người ta sẽ rất dễ hiểu lầm. Mình chỉ thấy hơi buồn cười khi có những người muốn nổi tiếng mà bất chấp tất cả thôi!”, anh kết luận.
Sự nóng vội của dân mạng từng khiến các chủ quán cơm gà "khóc ròng"

Bức ảnh hàng trăm đùi gà nằm dưới nền nhà bẩn được nướng bằng đèn khò khiến cư dân mạng 'dậy sóng' suốt thời gian dài hồi giữa tháng 4.2015. Đông đảo ý kiến dân mạng kêu gọi tẩy chay món cơm gà xối mỡ phổ biến ở Sài Gòn dù chưa rõ gốc tích của bức ảnh đó.
Nhiều người bán cơm gà khóc ròng sau khi bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook kèm theo vô vàn những bình luận chỉ trích dữ dội. Câu chuyện "hậu trường" của bức ảnh trên đã được một người dùng Facebook tự nhận là tác giả bức ảnh kể rõ đầu đuôi sau đó. Nickname này cho biết anh chụp bức ảnh trong khu vực làm bếp tại một tiệc cưới ở quê.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.