Bài học giá trị các quy tắc dân chủ

02/09/2015 05:25 GMT+7

Bài học tận dụng thời cơ, nắm bắt trào lưu thời đại để đưa đất nước vượt qua khó khăn, đi lên vẫn còn nguyên giá trị. Đây là nhận định của Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh ( ảnh ), thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định Paris 1973 với PV Thanh Niên.

Bài học tận dụng thời cơ, nắm bắt trào lưu thời đại để đưa đất nước vượt qua khó khăn, đi lên vẫn còn nguyên giá trị. Đây là nhận định của Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh (ảnh), thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định Paris 1973 với PV Thanh Niên.

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh

* Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8.1945 đã được đánh giá là thắng lợi của cả một dân tộc biết đứng lên đúng lúc. Sau 70 năm nhìn lại ông có suy nghĩ gì về bài học nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng đặc biệt trong bối cảnh hôm nay?
- Nhắc đến bài học về nắm bắt thời cơ không thể không nói đến vai trò quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có biệt tài dự báo tình hình. Bác cũng là người vạch ra những bước đi cả về đối nội lẫn đối ngoại nhằm đề cao thế hợp pháp của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đọc Tuyên ngôn độc lập, Người khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ cuộc đấu tranh của nhân dân VN gan góc đứng bên cạnh Đồng minh chống phát xít; đưa cựu hoàng Bảo Đại cũng như các cựu quan lại vào chính quyền cách mạng; tổ chức tổng tuyển cử rất sớm...
Có thể nói việc nắm bắt và tận dụng được thời cơ thực tế là việc Bác đã thấy được và nương con thuyền cách mạng VN theo con sóng trào lưu thời đại lúc bấy giờ. Ngày hôm nay bài học ấy vẫn còn rất nhiều ý nghĩa. Như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, mặc dù có nhiều thành tựu song hiện nay VN cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức. Thậm chí có ý kiến cho rằng chúng ta đã tụt hậu so với thế giới và cả ở khu vực. Phải tính toán như thế nào để đưa đất nước phát triển, tiến lên có lẽ là điều không chỉ các nhà lãnh đạo mà nhân dân luôn lo nghĩ với quyết tâm làm cho bằng được.
* Nhìn lại Cách mạng Tháng 8 nhiều người cũng nhắc tới bài học về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tập hợp lực lượng, đặc biệt là giới trí thức... Ý nghĩa của bài học đó trong bối cảnh hiện tại?
- Sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập chính quyền dân chủ liên hiệp; đây là tài năng và tư duy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 25.8.1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh về Hà Nội. Theo đề nghị của Bác, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở Hà Nội lúc đó đã lập danh sách chính phủ rồi nhưng khi Bác ở Tân Trào về đã thấy rằng danh sách chưa phù hợp. Bác kiên trì tìm đưa vào Chính phủ những người có tài, có uy tín nhưng không thuộc một đảng phái nào đồng thời cũng mời những nhân sĩ có uy tín cao lúc đó như cụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hay đại diện của triều đại cũ như cựu hoàng Bảo Đại... Do hoàn cảnh lịch sử nếu không đưa những người đó vào thì khó thể tập hợp được các lực lượng quần chúng nhân dân. Có thể nói từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện được giá trị của các quy tắc dân chủ trong đời sống chính trị.
Từ những mong muốn, kỳ vọng được Hồ Chí Minh gửi gắm trong Tuyên ngôn Độc lập đến nay sau 70 năm có thể nói là một quãng đường rất dài, rất nhiều chông gai, khó khăn mà dân tộc ta đã đi qua. Chúng ta có nhiều thành tựu nhưng cũng phải nói rằng những việc cần tiếp tục làm cho dân giàu nước mạnh thì còn rất nhiều.
Quan hệ giữa Đảng với dân nằm ở những thành tựu thực tế cũng như trách nhiệm của Đảng trong việc đem ấm no, hạnh phúc, dân chủ cho nhân dân, bình yên cho Tổ quốc.
*Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.